-Dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát ở Trung Quốc cuối tháng 12/2019 sau đó lan sang Việt Nam gây những tác động không nhỏ. Tại BRG, bà cảm nhận "sức nóng" của đại dịch lên tập đoàn như thế nào?
Ngay khi đại dịch bùng phát, lĩnh vực khách sạn - nghỉ dưỡng của tập đoàn BRG đã chịu ảnh hưởng nặng nề. Ban đầu chỉ có những khách sạn trong vùng dịch gặp tác động nhưng sau đó toàn bộ hệ thống đã bị đóng băng khi khách quốc tế không thể đến Việt Nam, khách nội địa cũng không thể đi du lịch.
Các tour du lịch, các sự kiện lớn dự kiến được tổ chức tại khách sạn của tập đoàn cũng đã bị hủy khiến toàn bộ kế hoạch kinh doanh của chúng tôi không thể thực hiện.
Ở lĩnh vực golf cũng vậy. Ban đầu các sân golf vẫn hoạt động cầm chừng, nhưng khi có Chỉ thị của Thủ tướng, chúng tôi đã đóng cửa từ ngày 28/3. Nhưng cũng có trường hợp cá biệt như sân Ruby Tree ở Đồ Sơn (Hải Phòng), đóng từ ngày 17/3, theo yêu cầu của UBND thành phố dù chúng tôi vẫn kiểm soát tốt được việc phòng, chống dịch.
-Vậy con số thiệt hại tính đến nay là bao nhiêu? Con số này có nằm trong kế hoạch?
Kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu, tập đoàn BRG đã phải chịu ảnh hưởng rất nặng nề đối với các lĩnh vực kinh doanh trọng yếu như du lịch, khách sạn, sân golf, dịch vụ, xuất nhập khẩu... Sơ bộ với kinh doanh khách sạn, sân golf và một số mảng kinh doanh khác thiệt hại ước tính khoảng gần 1.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, dự trù thiệt hại một cách chính xác của mỗi thời kỳ biến động hay khủng hoảng là điều không thể.
-So với thời điểm trước khi dịch xuất hiện và khi dịch bùng phát, các hoạt động kinh doanh của BRG đã thay đổi như thế nào?
Phải nhấn mạnh chúng tôi là hệ sinh thái đa ngành nên đây là thời điểm mà tính đa ngành được thể hiện rõ nhất
Tập đoàn đã chủ động thích ứng, chuyển hướng kinh doanh. Cụ thể BRG đã nhanh chóng chuyển hướng trọng tâm từ những mảng còn đang gặp khó khăn như du lịch, nghỉ dưỡng, dịch vụ … sang các mảng có nhiều điểm sáng như bán lẻ, sản xuất nông nghiệp, khẩu trang, dược phẩm.
Từ những ngày đầu của tháng 4, tập đoàn đã mở mới 10 siêu thị Hapro Food thuộc BRGMart tại các địa điểm trung tâm Hà Nội. Các siêu thị này cam kết luôn ổn định về nguồn hàng và giá cả.
Không chỉ bán lẻ, đáp ứng lời kêu gọi tăng cường nguồn cung khẩu trang trong mùa dịch bệnh, BRG cũng đang tăng tốc sản xuất nhằm cung cấp ra thị trường các khẩu trang vải kháng khuẩn chất lượng cao, giá hợp lý.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đẩy mạnh kênh phân phối, bán hàng online, miễn phí vận chuyển trong vòng 5km nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng.
Các chương trình này đã giúp tăng doanh thu, giảm khó khăn cho chính các công ty thành viên cũng như cả tập đoàn.
Ở những mảng kinh doanh gặp khó vì Covid-19 như du lịch, dịch vụ… chúng tôi vẫn duy trì các hoạt động ở mức tối thiểu nhưng cố gắng tối đa đảm bảo đời sống của người lao động. Nhân viên được sắp xếp làm việc luân phiên. Tập đoàn cũng thường triển khai các chương trình nội bộ để động viên tinh thần người lao động.
Ngoài ra, chúng tôi cũng chủ động lên các kế hoạch sale – marketing, khuyến mại và cơ sở vật chất tốt nhất để đón được lượng khách hàng khi thị trường quay trở lại.
-Là trọng tâm mới của BRG, nhóm ngành bán lẻ, sản xuất sắp tới sẽ được phát triển như thế nào?
Chúng tôi đang điều chỉnh tăng tốc sản xuất những mặt hàng thiết yếu như gạo Hapro Đồng Tháp để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Ngoài ra, sau 10 cửa hàng Hapro Food được mở đầu tháng 4 như tôi đã nói, tới đầu tháng 5, tập đoàn dự kiến tăng số lượng lên hơn 20 cửa hàng. Đến cuối năm, BRG đặt mục tiêu sẽ có 100 cửa hàng.
-Tham gia thương trường 30 năm, từng chèo lái doanh nghiệp vượt qua các cuộc khủng hoảng lớn như dịch SARS năm 2003, khủng hoảng kinh tế năm 2008 – 2009… đã cho bà những kinh nghiệm gì đối phó với những cơn biến động? Cuộc khủng hoảng năm nay có gì giống, khác so với biến cố trong quá khứ?
Tôi cho rằng Covid-19 là phép tính nhân, chứ không phải phép tính cộng giữa dịch SARS 2003 và khủng hoảng kinh tế gần 10 năm trước. Nói như vậy bởi dịch SARS là khủng hoảng cục bộ về sức khỏe, và khủng hoảng tài chính 2008-2009 cũng chỉ mang tính cục bộ về kinh tế. Và trong năm nay, đại dịch Covid-19 được dự đoán sẽ là sự kết hợp của hai khủng hoảng này.
Điểm giống nhau của bất kỳ cuộc khủng hoảng nào là sớm hay muộn chúng ta sẽ vượt qua. Tuy nhiên đại dịch Covid-19 có thể sẽ cấu trúc lại kinh tế thế giới. Vì vậy, doanh nghiệp và những người làm chính sách cần phải có sự chuẩn bị ngay từ giờ để tận dụng thời cơ sau khi Covid-19 qua đi.
-Vậy để vượt qua khó khăn do dịch Covid-19, theo bà doanh nghiệp cần những gì?
Trong thời điểm này, cộng đồng doanh nghiệp cần sự ủng hộ, giúp đỡ rất lớn từ Chính phủ cũng như chính quyền địa phương.
Cụ thể như đơn giản hóa các thủ tục hành chính về cấp phép, nghiệm thu, thanh tra, kiểm tra các dự án; giãn các kế hoạch kiểm tra, thanh quyết toán bao gồm cả kế hoạch quyết toán thuế để các doanh nghiệp có thời gian bình ổn hoạt động.
Doanh nghiệp cũng cần được hỗ trợ, thúc đẩy để các dự án có thể nhanh chóng hoàn tất các thủ tục pháp lý cho việc khởi công, làm tiền đề và tạo cú huých cho kinh tế, nhất là với những chủ đầu tư đã chứng minh được năng lực tài chính.
Tôi cũng cho rằng cần áp dụng cơ chế phê duyệt đặc biệt, giải quyết nhanh chóng thủ tục về đất đai để những dự án phát triển du lịch được triển khai sớm, sẵn sàng đón đầu khi du lịch tăng trưởng trở lại.
Với mảng khách sạn, du lịch bị ảnh hưởng nặng nề, chúng tôi cũng đề xuất Chính phủ xem xét các hỗ trợ ở mức cao hơn, trước mắt là giảm 50% mức thuế TNDN; Thay đổi cách hạch toán phí dịch vụ vào doanh thu vì bản chất của loại phí này là thu của khách hàng và để trả cho nhân viên; Áp dụng mức VAT 0%; Miễn tiền thuê đất cũng như thuế TNCN cho người lao động… vì bây giờ đã là thời điểm đầu tháng 5 nên đề nghị thời gian hỗ trợ của Chính phủ kéo dài tới hết năm 2020, thậm chí có thể tới hết năm 2021 trong trường hợp chúng ta vẫn chưa triệt để loại bỏ được dịch Covid-19.
Ngoài ra, ngay sau khi Việt Nam khống chế được dịch bệnh, tôi nghĩ rằng cần đẩy mạnh quảng bá, truyền thông hình ảnh là một điểm đến an toàn tới các nhà đầu tư, du khách quốc tế.
- Bên cạnh Chính phủ, vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp lớn lúc này là gì?
Hiện nay, về mặt y tế, vai trò chung của doanh nghiệp không phân lớn, nhỏ là phải tuân thủ hướng dẫn của Chính phủ để chống dịch thành công.
Về kinh tế, các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, cần giữ vững sự ổn định, đảm bảo hệ thống doanh nghiệp thành viên cũng như các đối tác trong chuỗi cung ứng để họ yên tâm duy trì sản xuất kinh doanh, chờ đại dịch qua đi.
Cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp cũng cần đóng góp ý kiến với Chính phủ để chuẩn bị các kế sách cần thiết, sẵn sàng chờ điều kiện thuận lợi là đẩy mạnh sản xuất và kinh doanh nhằm lấy lại nhanh nhất đà phát triển. Đồng thời, cũng cố gắng đảm bảo cuộc sống cho người lao động, tạo ổn định an sinh xã hội.
-Nếu nói dịch Covid-19 cũng là liều thuốc thử cho tinh thần doanh nhân và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, thì bà nghĩ như thế nào?
Tôi đồng ý với quan điểm này vì tôi luôn nghĩ rằng thách thức càng lớn thì càng phải chứng tỏ bản lĩnh và tinh thần doanh nghiệp Việt.
Cùng với Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), chúng tôi đã đóng góp 5 tỷ đồng cho tại Lễ phát động Toàn dân ủng hộ phòng chống dịch Covid-19 ngày 17/3 do Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động.
Chúng tôi đã phát tặng hàng nghìn món quà là nhu yếu phẩm hỗ trợ người yếu thế tiếp tục duy trì cuộc sống trong giai đoạn "giãn cách xã hội".
BRG cũng có chính sách điều chỉnh phù hợp để đảm bảo cuộc sống cho người lao động. Thậm chí tôi rất tự hào khi tất cả cán bộ nhân viên của tập đoàn sẵn sàng tự nguyện đi làm không lương để cùng nhau vượt qua khó khăn.
Chúng tôi sẽ cố gắng để những tổn thất là tối thiểu và luôn trong trạng thái sẵn sàng cao nhất, chờ những tín hiệu tốt đẹp nhất trong tương lai.
-Vậy hậu dịch Covid-19, BRG chuẩn bị gì để đón những tín hiệu đẹp nhất trong tương lai?
Thực tế trong năm 2020 tập đoàn BRG đã có những dự án và kế hoạch lớn. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, những dự án của chúng tôi đang bị chậm lại, tuy nhiên công tác xây dựng và chuẩn bị vẫn sẽ được diễn ra để đón đầu xu hướng hậu Covid-19.
Điển hình như smart city phía Bắc Hà Nội. Dự án này ngay từ khi quy hoạch đã được xem là đòn bẩy kinh tế - xã hội mới của Thủ đô. Hơn thế khi thực hiện dự án sẽ cần một lượng lớn nhân lực, nhờ đó tạo thêm được nhiều việc làm cho các doanh nghiệp nhỏ và người dân. Đây là điều rất cần thiết sau khi đại dịch kết thúc. Hay một dự án mục tiêu rất rõ hướng đến cộng đồng là tổ hợp vui chơi giải trí trong nhà Hello Kitty.
Ngoài ra, hàng loạt dự án du lịch khác của BRG sẽ được đẩy nhanh tiến độ xây dựng để đón đầu xu thế. Bởi Việt Nam rất có thể sẽ trở thành một điểm đến an toàn của thế giới do làm rất tốt công tác phòng chống dịch Covid-19.
Điều quan trọng nhất, như tôi đã nhiều lần kiến nghị, là làm thế nào để thúc đẩy các dự án được nhanh chóng đi vào khởi công để chúng ta có thể sẵn sàng đón đầu khi du lịch tăng trưởng trở lại.
-Còn ở hiện tại, nếu nhìn nhận một khía cạnh tích cực trong dịch Covid-19, với bà sẽ là gì?
Về mặt quản trị, tôi thấy đây là một cơ hội tốt để hoàn thiện công tác quản trị bộ máy từ tập đoàn đến các công ty thành viên. Thường khi chúng ta phát triển nóng và nhanh, bộ máy sẽ phình theo ngay và để đáp ứng kết quả kinh doanh đặt ra, chúng ta đôi khi phải chấp nhận điều này.
Nhưng nay, chúng ta có cơ hội để đánh giá, điều chỉnh, sắp xếp và tinh gọn lại, áp dụng những thành tựu quản trị mới của cuộc cách mạng 4.0 để hiệu quả hơn trong mô hình vận hành của mình.