Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Golf Long Thành do ông Lê Văn Kiểm làm Chủ tịch HĐQT hiện đang sở hữu hàng nghìn hecta đất và nhiều dự án bất động sản, sân golf, nghỉ dưỡng quy mô lớn trong và ngoài nước. Đây cũng là doanh nghiệp có đóng góp lớn nhất cho quỹ vaccine với số tiền lên tới 500 tỷ đồng.
Theo Forbes Việt Nam, gia đình ông Lê Văn Kiểm có khoảng 10 công ty, sở hữu nhiều dự án bất động sản rải rác ở quận 2 (TP.HCM), Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đà Lạt…tổng diện tích đất hơn 2.000ha. Ngoài ra ông còn là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn KN và Đặc khu kinh tế Long Thành – Viêng Chăn (Lào).
Tiểu sử doanh nhân Lê Văn Kiểm
Sinh năm: 1945
Gia đình: Vợ là bà Trần Cẩm Nhung (sinh năm 1946). Con trai đầu, ông Lê Huy Hoàng hiện là CEO khu kinh tế Long Thành – Vientiane tại Lào, con gái là bà Lê Nữ Thùy Dương hiện đang điều hành Golf Long Thành.
Quê quán: Thừa Thiên Huế
Học vấn: Năm 1964, ông Kiểm theo học tại Trường Đại học Thủy Lợi – Hà Nội.
Ông Lê Văn Kiểm hiện đang giữ vị trí Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Golf Long Thành (Công ty Golf Long Thành).
Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân cựu chiến binh Việt Nam.
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn KN và Đặc khu kinh tế Long Thành – Viêng Chăn (Lào).
Vài nét về doanh nhân Lê Văn Kiểm
Ông Lê Văn Kiểm là ai?
Ông Lê Văn Kiểm sinh năm 1945 trong một gia đình có truyền thống yêu nước, trung kiên trên quê hương Thừa Thiên Huế. Năm 1946, khi mới một tuổi ông đã theo ba mẹ là bộ đội lên chiến khu ở Ba Lòng – Quảng Trị. Ba năm sau (1949) ba ông hy sinh; từ đó ông lớn lên trong sự yêu thương của người mẹ và sự đùm bọc chở che từ những người đồng đội của cha mẹ.
Năm 1954, cùng với nhiều học sinh miền nam khác, ông được Đảng, Bác Hồ và Nhà nước đưa ra học tập và đào tạo tại đất bắc. Năm 1964, ông trúng tuyển vào Trường đại học Thủy Lợi. Những năm tháng học tập tại đây đã đặt nền tảng tri thức và hình thành nên ước mơ hoài bão trong ông. Đến năm 1965, ông hăng hái tham gia quân đội và được chọn vào Quân chủng Không quân. Sau thời gian bồi dưỡng để sang Liên Xô học lái máy bay MIG-21, nhưng vì là con duy nhất của liệt sĩ thuộc diện chính sách, nên đơn vị đã đưa ông trở lại trường đại học tiếp tục học tập để đào tạo cho mai sau.
Năm 1969, ông tốt nghiệp đại học với tấm bằng kỹ sư. Điều hết sức đặc biệt và may mắn trong những năm tháng học tập, ông đã gặp và đem lòng thương mến cô nữ sinh Trần Cẩm Nhung – cũng là một học sinh miền nam trên đất bắc. Trước đó, vào năm 1954, khi chỉ mới 8 tuổi, một mình cô nữ sinh Trần Cẩm Nhung đã theo đoàn con cán bộ miền nam tập kết ra bắc học tập, còn ba mẹ được cấp trên phân công ở lại miền nam tiếp tục hoạt động cách mạng. Ngày 30-4-1970, hai người đã tổ chức một đám cưới giản dị.
Với lòng yêu nước, khao khát cống hiến sức trẻ, năm 1971, một lần nữa chàng thanh niên Lê Văn Kiểm đã chích máu viết đơn tình nguyện xin vào quân đội. Sau đó, ông lại viết đơn xung phong đi vào chiến trường miền nam – nơi đang diễn ra cuộc chiến tranh ác liệt. Vượt qua bao khó khăn, vào lúc 14 giờ ngày 30-4-1975 lịch sử, ông đã có mặt tại Sài Gòn trong đoàn quân giải phóng vào tiếp quản Sài Gòn và công tác tại Ủy ban Quân quản Thành phố Sài Gòn Gia Định.
Khép lại hành trang cuộc đời trong chiến tranh, lửa khói, người lính Lê Văn Kiểm đoàn tụ cùng gia đình. Nhưng niềm vui chưa trọn vẹn thì đói nghèo, lạc hậu và nhiều thách thức khác buộc Ông Bà phải tiếp tục vững vàng ý chí “chiến đấu” trên mặt trận kinh tế mới đó là “thương trường”.
Sự nghiệp kinh doanh
Nhận thấy nhu cầu của người dân, ông bà bắt tay vào nghiên cứu, sản xuất bột màu dùng cho sản xuất gạch lát nền nhà, quét tường và chế biến thức ăn gia súc. Sản phẩm đạt chất lượng cao và được thị trường toàn quốc ưa chuộng. Khi công cuộc đổi mới của Đảng và Nhà nước bắt đầu được khởi động, cũng là lúc vợ chồng ông Lê Văn Kiểm – bà Trần Cẩm Nhung chính thức bước vào thương trường với việc thành lập Công ty TNHH Huy Hoàng, đặt nền tảng cho sự hình thành, phát triển của Tập đoàn KN.
Huy Hoàng là một trong những công ty tư nhân ra đời sớm nhất ở Việt Nam. Với việc đầu tư dây chuyền thiết bị tiên tiến nhất nhập khẩu từ Nhật Bản, Italy, Công ty trở thành doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc có quy mô lớn và hiện đại nhất Việt Nam những năm 1987 – 1990. Công ty góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn người, giúp Việt Nam dần thích ứng, hội nhập với máy móc, công nghệ của thể giới.
Năm 1990, với sự lớn mạnh của doanh nghiệp, công ty của ông bà còn mở rộng sang lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông vận tải. Và khi nhắc đến ông bà, người ta sẽ nhớ đến ngay công trình nút giao thông Hàng Xanh – Công trình đã giải quyết nạn kẹt xe trên đường phố Thành phố Hồ Chí Minh lúc bấy giờ.
Năm 1997, cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực xảy ra đẩy doanh nghiệp của ông bà kề cận bờ vực bị phá sản. Nhờ những quyết sách đúng đắn và sự kiên định, vợ chồng ông bà đã vượt qua trở ngại và hoàn trả toàn bộ số nợ và lãi cho ngân hàng, tránh thất thoát cho nhà nước hơn 500 tỷ đồng.
Năm 2001, ông bà quyết định xây dựng sân golf Long Thành với kinh phí đầu tư hơn 600 tỷ đồng, diện tích 350 ha. Đây là sân golf đầu tiên của Việt Nam hoàn toàn do ông bà là người Việt Nam duy nhất tự quy hoạch, thiết kế, tự thi công xây dựng và tự quản lý điều hành đạt tiêu chuẩn quốc tế. Đa phần CBCNV trong công ty là con em các gia đình chính sách, gia đình thương binh liệt sĩ hoặc đã từng tham gia bộ đội và các gia đình nghèo tại địa phương. Ngày nay, Golf Long Thành đã trở thành thương hiệu golf hàng đầu Việt Nam.
Gia đình sở hữu hàng loạt quỹ đất và các dự án khủng
Năm 2001, Ông Kiểm thành lập Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh Golf Long Thành. Với mục đích đầu tư vào dự án Golf Long Thành tại Đồng Nai, đây cũng là hướng đi mới vào bất động sản đầu tiên của gia đình ông Lê Văn Kiểm.
Sân Golf Long Thành được quy hoạch 350ha, tọa lạc xã Phước Tân, Tp. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Bên cạnh sân golf với diện tích 100ha, bao gồm 18 đường golf sân đồi và 18 đường golf sân hồ. Ngoài ra, còn có 500 căn biệt thự được xây dựng tại đó.
Những năm 2007, Công ty TNHH Thiên Đức cũng là một thành viên công ty gia đình ông Kiểm (do bà Lê Nữ Thùy Dương, con gái ông Lê Văn Kiểm) đảm nhiệm vị trí điều hành, đã hợp tác cùng với đối tác nước ngoài thành lập Công ty TNHH Capitaland – Thiên Đức đã phát triển thành công dự án The Vista quy mô 850 căn hộ cao cấp. Từ đó, Thiên Đức là đối tác hàng đầu của CapitaLand đồng thời xây dựng nhiều dự án căn hộ, biệt thự khắp cả nước.
Dự án Thùy Dương Resort – khu nghỉ dưỡng thuộc Công ty CP Du lịch – thương mại xây dựng Trân Châu, một thành viên công ty gia đình ông Kiểm. khu nghỉ dưỡng có quy mô 15ha nằm tại Phước Hải, Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Công ty TNHH KN Cam Ranh (một thành viên của Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Golf Long Thành) được thành lập năm 2015. Hiện tại, sau 5 lần tăng vốn KN Cam Ranh có vốn điều lệ lên tới 7.000 tỷ đồng. Trong đó, Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Golf Long Thành góp 6.300 tỷ đồng (tương đương sở hữu 90%) và ông Lê Văn Kiểm góp 700 tỷ đồng (tương đương 10%).
Theo Forbes Việt Nam, gia đình ông Lê Văn Kiểm có khoảng 10 công ty, sở hữu nhiều dự án bất động sản rải rác ở quận 2 (TP.HCM), Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đà Lạt…tổng diện tích đất hơn 2.000ha.
Năm 2012, Công ty TNHH Tập đoàn KN Viêng Chăn (vốn 1.934 tỷ đồng quy đổi) – thành viên của Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Golf Long Thành đã khánh thành sân golf 36 hố tại Viêng Chăn – Lào. Đây là một phần trong tổng thể Đặc khu kinh tế Long Thành Viêng Chăn có tổng diện tích 557,74ha, vốn đầu tư 1 tỷ USD được Chính phủ Lào cấp phép từ năm 2008, thời hạn hoạt động 99 năm.
Cũng tại Lào, Công ty ông Kiểm đã đầu tư hoạt động lĩnh vực khai khoáng (với vốn đăng ký 100 triệu USD). Ngoài ra, ông Kiểm còn đẩy mạnh phát triển năng lượng mặt trời (vốn 500 tỷ đồng).
Trong vài năm trở lại, Long Thành Golf đẩy mạnh phát triển năng lượng mặt trời, với công ty con Công ty TNHH Đầu tư & Phát triển Điện mặt trời KN Vạn Ninh (vốn 500 tỷ đồng) cùng 2 công ty liên kết là CTCP Cam Lâm Solar (vốn 280 tỷ đồng) và CTCP Điện mặt trời KN Cam Lâm (vốn 222 tỷ đồng).
Golf Long Thành đầu tư nắm 20% cổ phần tại các công ty Cam Lâm Solar và Điện mặt trời KN Cam Lâm, chủ đầu tư của dự án điện mặt trời Cam Lâm 100 MW khánh thành tháng 7/2019.
Năm 2020, Golf Long Thành đề xuất đầu tư dự án điện mặt trời nổi Sêrêpốk 3 (Đăk Lăk) công suất 380 MW, tổng mức đầu tư hơn 6.200 tỷ đồng.
Mới đây, công ty của ông Lê Văn Kiểm cũng được tỉnh Kon Tum chấp thuận chủ trương đầu tư dự án điện mặt trời nổi Ialy Kon Tum, công suất thiết kế 200 MW và tổng mức đầu tư dự kiến 4.100 tỷ đồng.
Đầu tháng 6/2021, UBND tỉnh Gia Lai cũng vừa có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời KN Ialy - Gia Lai công suất 500MW với tổng kinh phí hơn 9.559 tỷ đồng.
Golf Long Thành kinh doanh thế nào?
Năm 2018, tập đoàn của gia đình ông Lê Văn Kiểm đạt doanh thu 487 tỷ đồng, giảm mạnh so với năm 2017 (622 tỷ đồng), dẫn tới khoản lỗ sau thuế 16,3 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh của Golf Long Thành khá biến động: năm 2017 báo lãi 167,2 tỷ đồng, trong khi năm 2016 lại lỗ (công ty mẹ) 13,1 tỷ đồng.
Còn theo báo cáo hợp nhất năm 2019, Golf Long Thành của ông Lê Văn Kiểm có tổng tài sản hơn 21.800 tỷ đồng, ghi nhận doanh thu đạt 609 tỷ, tăng 15% so với cùng năm trước; lãi gộp là 319 tỷ đồng, tương ứng với biên lợi gộp đạt 52%. Công ty của ông Kiểm báo lãi 93 tỷ đồng.
Hoạt động từ thiện vì cộng đồng
Trong sự kiện công bố Quỹ vắc xin phòng chống Covis 19, doanh nhân cựu chiến binh – Anh hùng Lao động (AHLĐ) Lê Văn Kiểm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và kinh doanh Golf Long Thành đã trao tặng số tiền 500 tỉ đồng.
Trải suốt dọc dài của đất nước, vợ chồng doanh nhân Lê Văn Kiểm và Trần Cẩm Nhung đã tự thành lập cũng như đóng góp cho nhiều quỹ học bổng, ví dụ Quỹ học bổng giúp đỡ sinh viên nghèo Trường Đại học Thủy Lợi, Quỹ khuyến học cho con cháu cựu chiến binh Việt Nam, Quỹ học bổng “Trần Cẩm Nhung – Chắp cánh ước mơ”, ủng hộ “Chương trình Sữa học đường”,…Ông Kiểm còn ký cam kết vận động đóng góp 5 triệu USD vào Quỹ Vietnam Health Fund cùng tỷ phú Mỹ Bill Gates giúp đỡ, chăm sóc sức khỏe cho người Việt nghèo ở trong và ngoài nước…
Năm 2019, tạp chí Forbes bình chọn và công bố danh sách 30 Anh hùng từ thiện châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có sự góp mặt của hai doanh nhân Việt Nam là ông Lê Văn Kiểm và bà Trần Cẩm Nhung. Ông bà là người Việt Nam duy nhất có tên trong danh sách, cả hai xếp thứ 7 trong top 10 nhà từ thiện hào phóng nhất.
Ông bà từng chia sẻ tâm niệm giản dị của mình như sau: “Vợ chồng tôi cùng các con luôn có chung suy nghĩ, bài tập thể dục thứ nhất cho trái tim là động tác đưa đôi tay của mình giúp đỡ cộng đồng”.
Tạm kết: Ông Lê Văn Kiểm và vợ là bà Trần Cẩm Nhung được biết đến như tầng lớp doanh nhân tiên phong thời kỳ đổi mới của nước ta. Với ý chí và tinh thần làm việc không biết mệt mỏi thì ông và gia đình đã gây dựng nên một khối lượng tài sản khổng lồ với hàng chục công ty, trên nhiều ngành nghề từ sản xuất đến xây dựng và bất động sản, sau này là năng lượng điện. Và thật đáng quý vì không chỉ làm giàu mà ông Lê Văn Kiểm cùng vợ là những người năng nổ trong hoạt động từ thiện và đóng góp to lớn cho quỹ vaccine Covid 19 giúp đất nước vượt qua hoàn cảnh khó khăn hiện nay.
(Tư liệu tham khảo)