Năm 2019 sắp khép lại với bức tranh có phần kém khả quan của các doanh nghiệp, dù đâu đó vẫn có những điểm sáng. Ở tầng vĩ mô, ngành sản xuất chưa thực sự được hưởng lợi từ thương chiến như kỳ vọng, hoạt động thoái vốn, cổ phần hóa nhiều doanh nghiệp Nhà nước gặp khó do thị trường cổ phiếu ảm đạm. Với từng doanh nghiệp, câu chuyện nổi bật phần lớn lại là các bê bối liên quan tới sự cố nước sạch, tranh cãi về xuất xứ và những cuộc ra đi bất ngờ…
Cùng Người Đồng Hành nhìn lại những điểm nhấn trong hoạt động của các doanh nghiệp năm qua.
2018 đến nay là giai đoạn bùng nổ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp do tín dụng bị siết chặt, các ngân hàng phải giảm tỷ lệ cho vay trung và dài hạn dẫn tới khả năng tiếp cận vốn trong một số ngành nghề rủi ro giảm. Ngược lại, các điều kiện phát hành được nới lỏng cho trái phiếu theo Nghị định 163/2018. Kênh đầu tư này cũng được nhiều nhà đầu tư hướng đến do sự ảm đạm cũng như diễn biến khó lường của thị trường cổ phiếu.
Theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2018 gấp đôi năm 2017 và 11 tháng năm nay đã vượt 6% so với năm ngoái. Tính đến cuối tháng 6, dư nợ/GDP đạt mục tiêu đề ra đến năm 2020.
Ngân hàng là nhóm phát hành lớn nhất với mục đích huy động vốn cũng như tăng vốn cấp 2 trong bối cảnh tăng vốn cấp 1 gặp khó, tiếp đến là doanh nghiệp bất động sản. Nhiều thương vụ phát hành lớn gây chú ý như Phát Đạt huy động với lãi suất 14,5%/năm, Thương mại Hồng Hoàng với mức lãi suất kỷ lục 20%/năm, Vinametric - một công ty chỉ có 3 nhân viên nhưng huy động thành công gần 16.000 tỷ đồng trái phiếu…
Tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước “rất chậm” là câu chuyện được đề cập nhiều lần thời gian qua. Năm 2019, với diễn biến kém tích cực cả về mặt chỉ số cũng như thanh khoản trên thị trường cổ phiếu, hoạt động này tiếp tục kém khởi sắc.
Số lượng cổ phần và giá trị thu về từ đấu giá trên HNX ghi nhận mức thấp nhất 6 năm. Tại HoSE, tình hình cũng không tích cực hơn khi 47% không đủ điều kiện tổ chức. Nhiều thương vụ bán vốn ngàn tỷ của SCIC không có nhà đầu tư đăng ký tham dự như bán vốn Domesco, Nhiệt điện Quảng Ninh, Vocarimex, Cảng An Giang...
Điểm nhấn cho hoạt động thoái vốn Nhà nước năm 2019 là Bộ Xây dựng bán đấu giá thành công 69 triệu trên tổng số 80,5 triệu cổ phần Viglacera, thu về 1.587 tỷ đồng. Trong khi đó, đơn vị tích cực nhất là Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) với các thương vụ thành công tại Cao su Sao Vàng, Công nghiệp Hóa chất Đà Nẵng, Bột giặt NET và Incodemic và công bố thoái vốn tại nhiều doanh nghiệp khác.
Tính đến cuối tháng 9, số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa và thoái vốn mới đạt 28% và 22% so với kế hoạch đặt ra cho cả giai đoạn 2016-2020. Cộng với đó, Chính phủ đã ra Quyết định số 26/2019 phê duyệt danh mục gồm 93 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020, càng tạo áp lực thoái vốn trong năm tới.
Kinh doanh điện, nước các mặt hàng thiết yếu đã trở thành các đề tài nóng năm qua. Với ngành điện là cuộc đua đầu tư điện mặt trời để được hưởng giá ưu đãi 9,35 US cent/kwh dẫn đến từ 2018 đến hết tháng 6/2019, công suất gấp hơn 51 lần. Việc phát triển ồ ạt này gây ra tình trạng quá tải ở một số đường dây, trạm biến áp dẫn đến các nhà máy điện mặt trời cắt giảm công suất đến 60%.
Đối với ngành nước, giữa tháng 10, công ty Viwasupco, đơn vị vận hành nhà máy nước mặt sông Đà thừa nhận nước đầu nguồn có dầu bẩn do một số cá nhân đổ trộm. Sự việc gây ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt của người dân khu vực Tây Nam Hà Nội, cũng cho thấy các lỗ hổng trong việc kiểm soát chất lượng nước sinh hoạt.
Sau bê bối nước bẩn, một vấn đề khác của ngành nước là trợ giá mà nổi bật là Hà Nội trợ giá cho Nhà máy nước sông Đuống với mức tạm tính 10.246 đồng/m3, cao hơn nhiều so với nhà máy nước sông Đà. Câu chuyện trợ giá nhằm thu hút tư nhân tham gia đầu tư các nhà máy nước có vốn đầu tư lớn trong khi giá bán và khu vực kinh doanh vẫn do Nhà nước chi phối. Tuy nhiên, việc này cũng dẫn tới tình trạng trong giai đoạn đầu khấu hao cao được bù giá còn khi hết khấu hao, các doanh nghiệp ngành nước đang có mức lợi nhuận đáng “ao ước”: bán 2 đồng lãi 1 đồng do tính chất độc quyền.
Hàng loạt vụ việc như Asanzo bị cáo buộc gian lận xuất xứ, lừa dối người tiêu dùng; các cửa hàng Seven AM đóng cửa sau khi quản lý thị trường giữ hơn 9.000 sản phẩm, kiểm tra bóc tem Trung Quốc, dán mác Việt Nam; nồi cơm điện Sunhouse ghi xuất xứ Trung Quốc nhưng dán tem chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao… làm dấy lên tranh cãi hàng tiêu chuẩn hàng hóa “made in Viet Nam”.
Cho tới nay, Việt Nam đã ban hành nhiều quy định về xuất xứ hàng hóa, trong đó có việc như thế nào thì một sản phẩm được coi là có xuất xứ Việt Nam. Song quy định này chỉ áp dụng cho hàng xuất khẩu và nhập khẩu, nhằm hưởng ưu đãi thuế theo cam kết hiệp định thương mại tự do. Trong khi đó, với hàng hóa sản xuất, bao gồm sản xuất từ đầu vào nhập khẩu và sau đó lưu thông trong nước chưa có quy định. Việc này khiến doanh nghiệp hoặc là lúng túng hoặc là lợi dụng kẽ hở để trục lợi. Tổng cục Hải quan năm qua đã phát hiện hàng loạt mặt hàng từ Trung Quốc bóc tem, dán đè, ghi xuất xứ Việt Nam để mượn đường xuất vào Mỹ.
Đầu tháng 8, Bộ Công Thương đã công bố dự thảo thông tư quy định về sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam và sản phẩm, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam sau hơn 1 năm nghiên cứu để lấy ý kiến. Các phương pháp xác định xuất xứ chủ yếu như xuất xứ thuần túy, hàm lượng giá trị khu vực (tỷ lệ giá trị gia tăng nội địa chiếm 30% giá xuất xưởng) hay chuyển đổi mã sản phẩm.
Việt Nam được nhận định là nước được hưởng lợi lớn nhất trong cuộc chiến thương mại Mỹ Trung, mà đặc biệt là ngành hàng dệt may nhờ 2 yếu tố. Thứ nhất, đồng nhân dân tệ mất giá mạnh so với USD, giúp các doanh nghiệp nhập được vải và các nguyên phụ liệu dệt may, da giày với giá rẻ hơn. Thứ hai là Việt Nam có thể lấy thêm được thị phần của Trung Quốc tại thị trường Mỹ nhờ mức giá cạnh tranh hơn.
Tuy nhiên, theo báo cáo Bộ Công Thương, diễn biến thực tế cho thấy đơn hàng ngành dệt may giảm so với năm 2018. Nhiều doanh nghiệp không nhận được đơn hàng dài hạn, thay vào đó là các đơn hàng ngắn hạn theo tháng, dài nhất là theo quý. Lượng đơn hàng của nhiều đơn vị cho đến hết tháng 11 mới chỉ bằng 80% so với cùng kỳ trong khi theo quy luật, đến hết quý IV của năm trước, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu dệt may đã có đơn hàng cho cả năm sau đó.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp dệt may đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn như cạnh tranh khốc liệt từ các cường quốc dệt may như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh... Nhiều nước tập trung hỗ trợ, trong đó có cả những quốc gia mới nổi ở khu vực châu Phi khiến số lượng nhà sản xuất tăng mạnh. Đơn hàng từ Trung Quốc có xu hướng chuyển sang các quốc gia hiện có ưu đãi về thuế suất như Bangladesh, Campuchia.
Nhiều doanh nghiệp dệt may, bao gồm cả các doanh nghiệp lớn trong ngành có mức tăng trưởng âm như Tập đoàn dệt may Việt Nam, Dệt may Thành Công, Dệt may Hà Nội hoặc báo lỗ như Fortex...
Ngược lại, hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Đông Nam Á bao gồm Việt Nam, nhiều doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp báo lợi nhuận tăng mạnh như Sonadezi Châu Đức, Nam Tân Uyên, Long Hậu, Phát triển đô thị công nghiệp số 2 và Đầu tư Sài Gòn VRG..
Báo cáo của SSI Research cho biết vốn FDI vào Việt Nam 10 tháng đầu năm giảm nhưng số lượng dự án tăng cao đi cùng nhu cầu lao động, thuê mặt bằng và các dịch vụ logistic. Giá thuê đất khu công nghiệp tại các tỉnh/thành phố trọng điểm như Đồng Nai, Bình Dương, Bắc Ninh đã tăng liên tục. Trung Quốc đứng số 2 về cả giá trị lẫn số lượng dự án FDI đăng ký mới vào Việt Nam với 2,1 tỷ USD và 541 dự án, tăng 169% và 83%. Nhà đầu tư Hong Kong cũng tăng mạnh vốn đăng ký mới với 1,63 tỷ USD, tăng 151%.
Thị trường hàng không năm 2019 chứng kiến việc nhiều doanh nghiệp tư nhân muốn gia nhập như Vingroup (Vinpearl Air), Vietravel (Vietravel Airlines), Thiên Minh Group (Kite Air). Các doanh nghiệp này hiện vẫn đang trong quá trình hoàn thành việc xin cấp phép.
Sau khi Bamboo Airways đi vào vận hành thương mại từ đầu năm, Việt Nam hiện có 5 hãng hàng không là Vietnam Airlines, Vietjet, Jetstar, Bamboo Airways và Vasco. Cuối tháng 7, Vietstar Airlines đã được cấp chứng nhận khai thác máy bay.
Dù có nhiều đơn vị muốn tham gia thị trường hàng không, ngành này đang cho thấy dấu hiệu tăng trưởng chậm lại và những thách thức cả trên trời lẫn dưới đất do cơ sở hạ tầng quá tải, thiếu nhân sự quản lý và giám sát, khan hiếm phi công...
Đầu tháng 12, Vingroup quyết định sáp nhập Công ty VinCommerce, Công ty VinEco với Công ty hàng tiêu dùng Masan - Masan Consumer Holdings để thành lập tập đoàn hàng tiêu dùng và bán lẻ có tên Masan Blue.
Sau khi hoán đổi cổ phần, do tỷ lệ sở hữu không còn đa số, Vingroup chuyển giao toàn bộ việc điều hành VinCommerce (chuỗi siêu thị VinMart, cửa hàng VinMart+) và VinEco sang cho Masan Group. Ban lãnh đạo Vingroup cũng cho biết việc chuyển nhượng này nhằm tập trung toàn bộ nguồn lực cho 2 lĩnh vực là công nghiệp và công nghệ (hiện có VinFast và VinSmart).
Vingroup chính thức gia nhập vào thị trường bán lẻ từ năm 2014 với việc mua lại hệ thống Ocean Mart. Sau 5 năm phát triển, tập đoàn đã sở hữu hệ thống bán lẻ có độ phủ lớn nhất tại Việt Nam với 115 siêu thị VinMart và 2.438 cửa hàng VinMart+. Cùng với việc mở rộng quy mô, doanh thu mảng bán lẻ tập đoàn tăng mạnh qua các năm nhưng lỗ gần 18.000 tỷ đồng.
Masan Group từng muốn chinh phục thị trường bán lẻ các đây gần 2 thập kỷ (2001) với việc mở chuỗi cửa hàng tiện lợi Masan Mart nhưng thất bại. Đầu năm 2019, tập đoàn của ông Nguyễn Đăng Quang muốn quay lại thị trường này khi công bố sự ra đời của MEATDeli – mảng sản xuất và bán lẻ thịt mát. Bắt tay với Vingroup rõ ràng sẽ giúp kế hoạch của Masan Group được đẩy nhanh và mạnh hơn.
Lãnh đạo Masan từng chia sẻ mảng bán lẻ của Vingroup (VinMart và VinMart+) là mảnh ghép quan trọng để khép kín lĩnh vực hàng tiêu dùng - bán lẻ.
Giữa tháng 10, cuộc khủng hoảng tại Công ty Huy Việt Nam nổ ra khi hàng loạt cửa hàng Món Huế, Phở Ông Hùng, Cơm Thố Cháy, Trà sữa TP Tea, Soi 615… bất ngờ dừng hoạt động.
Huy Việt Nam từng được xem là chuỗi kinh doanh ăn uống (F&B) thành công khi liên tiếp gọi vốn hàng chục triệu USD từ nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Templeton Strategic Emerging Markets Fund do nhà đầu tư Mark Mobius quản lý.
Sau đóng cửa, chuỗi nhà hàng Món Huế còn dính bê bối khi nợ tiền hàng của hàng loạt nhà cung cấp và tiền lương của một số nhân viên. Không chỉ thế, cổ đông của món Huế cũng liên tục “công kích” nhau trên phương tiện truyền thông.
Báo cáo kinh doanh của món Huế cho thấy doanh thu của chuỗi vào khoảng 200 tỷ đồng nhưng ngày càng thua lỗ, khoản lỗ lũy kế đến 2018 lên đến 107 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp của món Huế vẫn ở mức 65%, tương đồng với nhiều chuỗi nhà hàng lớn nhưng do chọn những vị trí đắc địa khiến chi phí bán hàng tăng cao, dẫn đến thua lỗ.
Trước món Huế, nhiều chuỗi kinh doanh ăn uống (F&B) khác cũng từng đóng cửa cho thấy bức tranh kinh doanh ngành F&B đầy khốc liệt. Chuỗi The KAfe của nhà sáng lập Đào Chi Anh đóng cửa vào cuối năm 2016 do bị đối tác tố chây ì công nợ, chiếm dụng vốn. Năm 2017, lần lượt Gloria Jean's Coffees – thương hiệu cà phê Australia và Saigon Café phải đóng hàng loạt cửa hàng. Giữa tháng 8 năm nay, chuỗi 23 cửa hàng trà sữa Ten Ren do The Coffee House mua nhượng quyền chính thức nói lời chia tay sau gần 2 năm hoạt động…
Ngược lại, những chuỗi ẩm thực theo hương vị, phong cách nước ngoài như GoGi, Sumo BBQ, Vuvuzela của Golden Gate, King BBQ, ThaiExpress của Redsun … hay những chuỗi đồ ăn nhanh như KFC, Lotteria, Popeyes…liên tục mở rộng. Theo dự báo của Business Monitor International (BMI), ngành hàng thực phẩm, đồ uống cũng như dịch vụ ăn uống ẩm thực tại Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng kép hàng năm là 10,9% cho giai đoạn 2017 - 2019.
Sau 4 năm tranh chấp, tòa án phúc thẩm vụ ly hôn nghìn tỷ đình đám của vợ chồng ông chủ Tập đoàn Trung Nguyên đã có được phán quyết cuối cùng. Theo đó, tòa án chấp nhập cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo ly hôn, bà Thảo nuôi dưỡng 4 người con và ông Vũ cấp dưỡng mỗi năm 10 tỷ tính từ năm 2013 cho đến khi học xong đại học.
Về phần tài sản, ông Vũ được sở hữu số cổ phần ở các công ty - tương đương 5.365 tỷ đồng và tiếp tục điều hành Tập đoàn Trung Nguyên. Trong khi đó bà Thảo sở hữu tài sản gần 2.000 tỷ đồng là tiền, vàng, ngoại tệ tại ngân hàng cùng Công ty TNHH Trung Nguyên International (TNI) tại Singapore.
Trong khi 2 cổ đông lớn tranh chấp quyền điều hành tại tòa, Trung Nguyên từ chuỗi cà phê có quy mô đứng thứ 2 thị trường năm 2015 thì lần lượt bị các đối thủ mới đánh bật ra khỏi tốp 3. Đồng thời, trong khi Highlands Coffee, The Coffee House, Starbucks hay Phúc Long duy trì tăng tưởng doanh thu từ 30% đến 100% thì chỉ có Trung Nguyên chững lại.
Doanh thu chững lại nhưng chi phí không ngừng gia tăng đã khiến lợi nhuận của tập đoàn liên tiếp giảm trong 5 năm gần đây từ 1.295 tỷ đồng năm 2014 về 347 tỷ đồng năm 2018.