Cao Thị Ngọc Dung được biết đến như một nữ doanh nhân thép trong lĩnh vực kinh doanh vàng bạc, đá quý. Bà đã góp phần tạo nên tập đoàn trang sức PNJ chiếm lĩnh thị phần lớn ở Việt Nam. Thế nhưng, tiểu sử Cao Thị Ngọc Dung luôn đầy rẫy những biến cố mà chúng tôi sẽ bật mí dưới đây.
Tiểu sử Cao Thị Ngọc Dung
Tên đầy đủ Cao Thi Ngọc Dung
Ngày sinh Ngày 8 tháng 10 năm 1959
Cung hoàng đạo Thiên Bình
Quốc tịch Việt Nam
Nơi sinh Quảng Ngãi
Nổi tiếng với Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc tập đoàn đá quý Phú Nhuận PNJ. Cựu chủ tịch hội nữ doanh nhân Việt Nam. Bà cũng nắm giữ số lượng lớn cổ phiếu của ngân hàng Đông Á. Cao Thị Ngọc Dung từng nằm trong top 8 người giàu nhất Việt Nam.
Giá trị tài sản ròng 1138 tỷ đồng

Quá trình công tác
Từ 1979 – 1982: Sinh viên Kinh tế thương nghiệp – Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (Khóa 4 UEH)
Từ 1984 – 1985: Phó phòng Kế hoạch Công ty Thương nghiệp Tổng hợp Phú Nhuận
Từ 1985 – 1987: Trưởng phòng Kế hoạch Công ty Nông sản – Thực phẩm Quận Phú Nhuận
Từ 1988 – 2003: Giám đốc Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận
Năm 1990: Giám đốc Trung tâm tín dụng Phú Gia
Từ 1991 – 1992: Giám đốc Công ty Thương mại Phú Nhuận
Từ 1992 – 1997: Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đông Á
Từ 2003 – 2014: Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Địa ốc Đông Á
Từ 2005 – 2011: Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Năng lượng Đại Việt
Từ 2004 – 20/04/2018: Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Vàng bạc Đá Quý Phú Nhuận (PNJ)
Từ 2004 – nay: Chủ tịch HĐQT CTCP Vàng bạc Đá Quý Phú Nhuận (PNJ)
Các chức vụ đang nắm giữ
Chủ tịch HĐQT CTCP Vàng bạc Đá Quý Phú Nhuận (PNJ)
Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Chế tác và Kinh doanh trang sức PNJ
Thành viên HĐTV Công ty TNHH Kỷ nguyên Khách hàng
Thành viên HĐQT CTCP Saigon Food
Chủ tịch Hội nữ doanh nhân Thành phố Hồ Chí Minh – HAWEE
Phó Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam – VAWE
Gia đình
Cha mẹ Trần Thị Môn
Anh chị em Cao Ngọc Duy, Cao Ngọc Hiệp, Cao Ngọc Hải, Cao Ngọc Huy, Cao Thị Ngọc Hồng, Cao Thị Ngọc Tâm.
Vợ/chồng Trần Phương Bình
Con cái Trần Phương Ngọc Thảo, Trần Phương Ngọc Giao, Trần Phương Ngọc Hà.
Cao Thị Ngọc Dung là ai?
Cao Thị Ngọc Dung là một doanh nhân nổi tiếng khi cùng chồng xây dựng ngân hàng Đông Á và công ty cổ phần đá quý Phú Nhuận PNJ. Nữ doanh nhân từng giữ vị trí giàu thứ 8 trong số những người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam. Cao Thị Ngọc Dung giữ chức vụ chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc của Cty cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận. Ngoài ra, Cao Thị Ngọc dung còn là cổ đông lớn của ngân hàng Đông Á.
Cty cổ phần đá quý Phú Nhuận tiền thân vốn là một cửa hàng kinh doanh trang sức nhỏ. Sau hàng thập kỷ phát triển, PNJ đã có đến 7000 nhân viên, hơn 450 cửa hàng. Cao Thị Ngọc Dung đã tạo nên triết lý kinh doanh cho PNJ đó là lòng tin giữa các phòng ban với nhau. Bà cho rằng kinh doanh trang sức, kim loại quý cần phải tin tưởng lẫn nhau thì mới có thể kinh doanh lâu dài và phát triển. Chính niềm tin này đã gắn kết lãnh đạo, nhân viên PNJ để đạt được những thành công như ngày hôm nay.
Cao Thị Ngọc Dung được mệnh danh là “người đàn bà thép” khi bà đã giúp PNJ vượt qua giai đoạn khó khăn từ năm 2007 đến 2011. Bà cũng thành công trong việc tái cơ cấu PNJ bằng những chiến lược kinh doanh xuất sắc. PNJ dưới sự lãnh đạo xuất sắc của bà đã đạt được những mức tăng trưởng cực kỳ ấn tượng và trở thành một trong những doanh nghiệp kinh doanh vàng và trang sức hàng đầu Việt Nam. Năm 2019, Cao Thị Ngọc Dung nhận doanh hiệu thành tựu trọn đời ngành kim hoàn châu Á.
Cuối năm 2019, PNJ ghi nhận lợi nhuận lên đến 1000 tỷ, doanh thu lên đến 17.000 tỷ, nắm hơn 1/4 thị phần ngành trang sức vàng. Chính sự thành công của PNJ đã giúp nữ doanh nhân sở hữu khối tài sản hơn 1000 tỷ đồng và nhiều năm nằm trong top những người giàu nhất Việt Nam.
Cơ duyên đến với ngành vàng bạc, đá quý
Cựu sinh viên trường kinh tế
Bà Cao Thị Ngọc Dung sinh tại thành phố Quảng Ngãi trong một gia đình làm kinh doanh lâu đời. Tuy được sinh ra trong một gia đình khá giả nhưng bà Dung vẫn phải tham gia lao động và trải qua những khó khăn trong thời kỳ đất nước chiến tranh. Chính sự ảnh hưởng từ gia đình nên ngay từ nhỏ bà đã luôn có đam mê với công việc kinh doanh.
Năm 1979, bà thi đỗ vào trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh (Khóa 4) chuyên ngành thương mại và tốt nghiệp Cử nhân Kinh tế thương nghiệp vào năm 1982. Tại trường kinh tế, lần đầu tiên bà đã gặp chồng mình là ông Trần Phương Bình lúc đó cũng là Sinh viên K4 chuyên ngành thương mại (cùng khóa với Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đông Phong Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng Trường Đại học kinh tế Tp Hồ Chí Minh giai đoạn 2011-2020).
Sau khi tốt nghiệp, bà Cao Thị Ngọc Dung bắt đầu công việc đầu tiên của mình tại Công ty Thương Nghiệp Tổng Hợp Phú Nhuận. Nhờ sự nỗ lực trong công tác mà bà được đề bạt giữ chức Phó phòng tại công ty từ năm 1984 đến năm 1985.
Đến năm 1985, bà chuyển sang Công ty Nông sản và thực phẩm quận Phú Nhuận với vai trò trưởng phòng kế hoạch. Trong khoảng thời gian công tác, bà luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được đồng nghiệp cũng như cấp trên yêu mến.
Đến năm 1988, Cao Thị Ngọc Dung được bổ nhiệm giữ chức vụ Giám đốc Cửa hàng kinh doanh Vàng bạc Đá quý Quận Phú Nhuận (tiền thân PNJ ngày nay) lúc đó mới thành lập vào ngày 28/04/1988 với vốn liếng lúc đầu chỉ 14 triệu đồng (7,5 lượng vàng) cùng với 20 nhân viên mặc dù lúc đó bà là một cán bộ nhà nước trẻ và chưa biết gì về kinh doanh vàng bạc đá quý.
Dấn thân vào… vàng bạc đá quý
Cuối những năm 80, Nhà nước thành lập các xí nghiệp vàng bạc theo mô hình thí điểm để chính thức đưa ngành này thành một sản phẩm hàng hóa, không còn bị cấm đoán như trước. Quận Phú Nhuận cũng thành lập Cửa hàng Kinh doanh Vàng bạc Phú Nhuận – tiền thân của PNJ ngày nay.
“Ngày đó, tôi còn trẻ và được được giao nhiệm vụ thành lập công ty này. Đây là nhiệm vụ, buộc tôi phải nhận, và sau này chị cán bộ mới cho biết rằng ‘nhìn vào mắt em, chị biết em làm được’. Đó cũng là niềm tin khiến tôi phấn đấu vì PNJ”, bà Cao Thị Ngọc Dung nhớ lại.

Đồng ý đứng ra làm chủ cửa hàng, bà Dung cũng rất quyết đoán lựa chọn mô hình hoạt động cho “đứa con” của mình, dù thời điểm đó, cách thức hoạt động của PNJ được xem là không giống ai. Nguyên nhân là hầu hết công ty vàng bạc của thành phố và quận huyện ra đời đều đi theo mô hình hợp tác với tư nhân.
“Tôi nhớ rất rõ chú Trần Thiện Tứ lúc đó là đại biểu Quốc hội cũng cho rằng phải đi bằng con đường hợp tác tư nhân để phát triển doanh nghiệp. Nhưng tôi thì ngược lại, tôi chọn cách mình tự làm. Tôi nói với chú là ‘nếu chú đã tin cháu, cho cháu làm thì phải làm theo cách của cháu’. Tôi không chấp nhận hợp tác để kinh doanh vàng”, bà Cao Thị Ngọc Dung vẫn giữ vẻ cương quyết nói về quyết định cuối những năm 80.
Dù bị các bậc tiền bối cho là quá “cứng đầu” nhưng cuối cùng, mô hình của PNJ đã chứng minh là đi đúng hướng khi năm 1992, Nhà nước cho tư nhân kinh doanh vàng, vậy là xảy ra một làn sóng các nhà buôn bỏ đi kinh doanh riêng.
Trong khi các doanh nghiệp Nhà nước khác điêu đứng thì PNJ vẫn trụ vững. Thậm chí trong kí ức của bà Dung, PNJ thời đó lại nổi lên như một ngôi sao khi không bị phụ thuộc và có được đội thợ chế tác kim hoàn được xây dựng từ những ngày đầu tiên. Không chỉ có đội ngũ nghệ nhân nhiều kinh nghiệm mà PNJ còn có hẳn xí nghiệp kim hoàn riêng.
“Cũng năm 1992, đây là cột mốc vừa thách thức, vừa khẳng định chúng tôi khi thành phố có giới thiệu cho PNJ một đối tác của Úc để thành lập công ty liên doanh sản xuất trang sức theo hướng công nghiệp hóa. Thời điểm đó, tôi lại đặt ra câu hỏi tại sao mình phải liên doanh“, bà Cao Thị Ngọc Dung cho biết.
Với bản tính cẩn thận, bà Dung đã chủ động đề nghị lãnh đạo quận Phú Nhuận sang nước họ để xem họ kinh doanh thế nào rồi hãy quyết định có liên doanh hay không.
“Sau khi học hỏi mô hình tại nước bạn, thời điểm đó, tôi cương quyết nói với các anh rằng với những gì tôi học hỏi được thì thế giới làm được, tôi cũng làm được. Tôi sẽ cho thế giới thấy ngành công nghiệp kim hoàn của Việt Nam phải ngang bằng thế giới”, bà Dung cho biết và quyết định không chấp nhận liên doanh.
Sau đó, ngay lập tức, bà Cao Thị Ngọc Dung cho nhập máy móc để có những sản phẩm công nghiệp đầu tiên cho ngành kim hoàn Việt Nam. Bà cho rằng đây là giai đoạn hết sức khó khăn của doanh nghiệp lẫn toàn thể cán bộ, nhân viên của công ty. Thậm chí, có những hoài nghi nhưng cuối cùng tất cả đã vượt qua và tên tuổi PNJ lại càng sáng hơn.
Bà Dung là người ham học hỏi. Cụ thể, từ năm 1995, bà đã thuê chuyên gia tư vấn nước ngoài từ Hội đồng Vàng Thế giới. Năm 2006, bà là người đầu tiên ở Việt Nam mời chuyên gia nước ngoài, ông Richard Moore – Giám đốc sáng tạo của Công ty Richard Moore Asociate (Mỹ) về Việt Nam giúp PNJ xây dựng thương hiệu nữ trang cao cấp CAO. Bà còn đi đầu áp dụng ERP trong việc quản trị công ty… . Từ đó PNJ ngày càng phát triển, khẳng định tên tuổi của mình trên thị trường ngành kim hoàn cả trong nước và quốc tế.
Hiện PNJ có các nhãn hàng đáp ứng cho từng phân khúc thị trường, trong đó, 3 nhãn hàng CAO Fine Jewellery, PNJGold, PNJSilver đã tạo được dấu ấn tích cực. Thương hiệu kiểm định Kim cương PNJ chiếm vị trí số một tại Việt Nam, ngang bằng với thương hiệu số một quốc tế là GIA và được GIA đưa vào bảng xếp hạng toàn cầu của mình.
Hiện nay, PNJ là công ty kinh doanh vàng bạc nữ trang lớn nhất Việt Nam với hơn 349 cửa hàng trải dài khắp đất nước cùng đội ngũ gần 7.000 cán bộ công nhân viên. PNJ hiện có vốn hóa 19.000 tỷ đồng, tổng doanh thu đạt hơn 17.500 tỷ đồng với lợi nhuận đạt hơn 1.000 tỷ đồng (năm 2020). PNJ là nhà bán lẻ số 1 ngành kim hoàn của châu Á.
Thương hiệu PNJ không những khẳng định được vị thế ở thị trường nội địa, mà còn vươn tầm khu vực. Sản phẩm nữ trang PNJ cũng đã được xuất khẩu sang các nuớc thuộc châu Âu, Mỹ, Australia… Để có được thành công như ngày hôm nay, bà Dung cho biết: “Đối với cá nhân tôi, không có bí quyết của thành công, bởi đơn giản, chúng tôi luôn đặt chữ tín lên hàng đầu”.
Bén duyên ngành ngân hàng
Sau khi PNJ thành lập 2 năm, năm 1990 bà được Thành ủy TP.HCM điều động để giải quyết đổ vỡ của Trung tâm Tín dụng Phú Gia . Với uy tín được tạo dựng trên văn hoá kinh doanh của mình, cùng sự tin tưởng của các lãnh đạo chính quyền, bà đã đưa ra phương án trả vốn cho dân. Mọi việc được giải quyết ổn thoả.
Thành công từ vụ Tín dụng Phú Gia là cơ sở để nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm khuyến khích bà cùng với một số thành viên khác thành lập DongA Bank với tỷ lệ vốn góp của PNJ lúc đó là 40%. Bà là chủ tịch đầu tiên của ngân hàng Đông Á trong giai đoạn 1992-1997.
Năm 1998, ông Trần Phương Bình (chồng bà Dung) giữ chức vụ Tổng giám đốc ngân hàng Đông Á kiêm Phó Chủ tịch HĐQT ngân hàng này cho đến khi bị miễn nhiệm vào tháng 8/2015.
Năm 2011, Dong A Bank đạt doanh thu 2.467 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế lên tới 1.267 tỷ đồng, đạt kỷ lục ở nhà băng này. Tính đến ngày 31/12/2014, Dong A Bank có vốn điều lệ 5000 tỉ đồng, tổng tài sản 87.258 tỉ đồng, 4183 nhân viên, 223 chi nhánh trên toàn lãnh thổ Việt Nam
Cá nhân ông Trần Phương Bình đã ngồi “ghế nóng” DongA Bank hơn 20 năm chỉ sở hữu 3% cổ phần nhưng nếu tính cả sở hữu của bà Cao Ngọc Dung, vợ ông Bình, và các con thì tỷ lệ sở hữu là 9,62% cổ phần. Ngoài ra, bà Cao Ngọc Dung là Chủ tịch HĐQT CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) – cổ đông lớn sở hữu 7,7% Dong A Bank.
Từ một ngân hàng không tên tuổi với số vốn điều lệ vỏn vẹn 20 tỷ đồng, vợ chồng ông Bình và bà Dung cùng các đồng sự đã định vị được thương hiệu DongA Bank với một mô hình ngân hàng bán lẻ, quy mô vốn năm 2013 là 5.000 tỷ đồng. DongA Bank được xem là một trong những nhà băng hàng đầu về mảng dịch vụ thẻ và là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam tự chế tạo ra được máy ATM bán vàng tự động.
Chiều ngày 14/08/2015, Ngân hàng Nhà nước quyết định kiểm soát đặc biệt đối với Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank). Ngày 20/08/2015, Trần Phương Bình bị Ban Kiểm soát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đình chỉ chức vụ Tổng Giám đốc Ngân hàng Đông Á.
Ngày 09/12/2016, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế và chức vụ (C46), Bộ Công an Việt Nam đã ra quyết định khởi tố vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” tại ngân hàng Đông Á, khởi tố bị can và bắt tạm giam Trần Phương Bình. Ông Bình bị khởi tố về 2 tội là “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Ngày 18/4/2018, C46 ra Quyết định khởi tố bị can bổ sung đối với Trần Phương Bình và Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”) về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại điều 355 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Tại giai đoạn 1 của đại án DAB, ông Trần Phương Bình và Phan Văn Anh Vũ cùng 24 bị cáo khác đã bị đưa ra xét xử vì hành vi gây thiệt hại cho ngân hàng 3.600 tỷ đồng. Kết quả, ông Bình bị phạt tù chung thân, Phan Văn Anh Vũ nhận 25 năm tù.
Hai lần mắc bệnh ung thư
Để đạt được những thành công như hiện tại, bà Cao Thị Ngọc Dung và PNJ đã trải qua không ít thăng trầm trong quá trình xây dựng và phát triển.
Cuối năm 2000, Cao Thị Ngọc Dung được chuẩn đoán mắc bệnh ung thư lúc bà đang ở đỉnh cao của sự nghiệp. Hồi tưởng lại quãng thời gian đó, bà cho hay: “Thời điểm đó, tôi đã nghĩ bây giờ ngồi khóc than cũng chẳng thể giúp tôi hết bệnh. Nếu tôi không thể chữa hết bệnh ung thư thì tôi sẽ chết. Vì thế, những ngày còn lại của cuộc đời tôi thì tôi sẽ phải sống ra sao và nên làm những gì”.
Chính khoảng thời gian bị bệnh đã giúp bà có thời gian nhìn lại cuộc đời mình. Trước lúc mắc bệnh, bà Cao Thị Ngọc Dung tự nhận mình là một người nóng tính, làm việc bất chấp sức khỏe, thích hơn thua trong mọi việc. Nhưng khi đối diện với cái chết, bà nhận thấy rằng sự ganh ghét, hơn thua và tích cách nóng nảy chẳng thể mang lại lợi ích. Từ đó, bà quyết tâm thay đổi tính cách của bản thân và bà đã tìm được bản tâm của chính mình.
Bằng nghị lực của bản thân cùng tâm thái an nhiên, bà đã vượt qua được căn bệnh ung thư. Trải qua biến cố đó, nhân sinh quan của bà cũng thay đổi, bà luôn tự nhủ với bản thân phải luôn cố gắng sống sao cho xứng đáng với cuộc đời, không thể gục ngã trước những khó khăn, thách thức.
Lần thứ hai là năm 2013, khi bà Dung phát hiện mình bị tái lại căn bệnh ung thư.
Bà Dung chia sẻ:
Nhiều người nói tôi là người quá kiên cường, nhưng kiên cường chỉ là sự chống lại, như một lớp sơn phủ ra ở phía bên ngoài thôi, còn bên trong mình vẫn đầy rẫy khổ đau. Tôi cũng không phải là “người đàn bà thép”, vì ai gặp tôi cũng nói sao chị dịu dàng, nhẹ nhàng, thanh thản quá! Chính cái mềm yếu đó, dịu dàng đó mới là bền vững, để mình nương theo. Còn cứng như thép thì chỉ là sự gồng lên, sự chịu đựng. Tôi mạnh bởi đã ngộ ra rằng khi tâm mình an thì vạn sự an.
Mỗi ngày, tôi đứng trước Phật Bà Quan Âm và chỉ cầu mong một điều duy nhất Phật Bà phù hộ cho mình Tâm an, Trí sáng. Tôi thường nói với bạn bè tôi buồn, chứ không có khổ. Là con người mà, làm sao không buồn được trước những biến cố, tai nạn, mất mát… nhưng tôi biết cách nhìn thẳng vào nỗi buồn, chấp nhận nó, và tìm cách giải quyết nó. Có như vậy thì nỗi buồn mới qua đi. Đó là cách tôi thực tập mỗi ngày.
Khi tôi bị ung thư, tôi dám đối diện với bệnh tật. Gặp sự cố xảy ra với gia đình tôi, với doanh nghiệp của tôi, một khủng hoảng không nhỏ, nhưng tôi vẫn dũng cảm đối diện và hướng đến tương lai, kiên trì theo đuổi mục tiêu, sáng suốt hoạch định những chiến lược kinh doanh, chiến lược về con người, và các hoạt động cộng đồng.
Chị gặp tôi biết bao nhiêu năm nay rồi, hẳn chị biết tôi sống bằng triết lý cho đi. Cho đi không điều kiện. Chính vì thế tôi nhận được rất nhiều sự cảm thông, tình thương yêu của mọi người, dù trong bất cứ hoàn cảnh nghiệt ngã nào mọi người vẫn nhìn thấy chân giá trị của mình. Nhờ vậy mà tôi vẫn ung dung, tự tại.
Đối với tôi, sức khỏe thì tôi đã hai lần cận kề cái chết, tôi sẵn sàng đương đầu và đã vượt qua, danh vọng cũng không quan trọng, tiền tôi có rất nhiều nhưng cũng không để ý đến mình có bao nhiêu. Tôi không hề thích được bình chọn là “nữ doanh nhân giàu có hay quyền lực”.
Ngẫm thấy cuộc đời mình có đủ mấy thứ đó mà không màng, mất đi cũng không sợ thì còn sợ gì nữa. Và khi không sợ mất gì cả thì có nghĩa mình đã giác ngộ và sống theo triết lý vô thường của đạo Phật.
Vì vậy, cuộc sống hiện tại của tôi rất vui, rất khỏe, không sợ điều gì, không giận hờn, sân si, không chấp nê, không hơn thua, bon chen. Và đó chính là sức mạnh nội lực lớn nhất.
Ba ái nữ tài năng của bà Dung
Vợ chồng ông Bình bà Dung có 3 người con gái là: Trần Phương Ngọc Thảo; Trần Phương Ngọc Giao, Trần Phương Ngọc Hà. Cả 3 người con gái này đều cực kỳ tài năng và vô cùng xuất sắc, vượt sướng học giỏi, là tấm gương để nhiều bạn trẻ noi theo.
Chị cả “siêu nhân” Trần Phương Ngọc Thảo
Trần Phương Ngọc Thảo sinh năm 1984, chính là con gái đầu của Chủ tịch PNJ Cao Thị Ngọc Dung. Thảo hiện là Giám đốc trung tâm chuyển đổi số hóa của PNJ. Ái nữ Chủ tịch Cao Thị Ngọc Dung được chú ý từ rất sớm, bơi cô chính là sinh viên Việt Nam đầu tiên được kết nạp Đảng tại Mỹ vào năm 2007.

Trần Ngọc Phương Thảo du học tại New Zealand từ tháng 7/1999, khi vừa học xong lớp 9 ở Việt Nam. Đứng thứ bảy trong kì thi học sinh giỏi quốc gia toàn New Zealand, cô được tuyển thẳng vào đại học Oxford (Anh) danh giá năm 2004, và theo học Cử nhân ngành Quản lí kinh tế tại đại học danh giá này.
Từ khi chưa tốt nghiệp Oxford, cô sinh viên sinh năm 1984 người Việt Nam đã được 5 trường chấp nhận tuyển thẳng làm nghiên cứu tiến sĩ. Đó là các trường Harvard, North Westhern (Mỹ), Cambridge và London Economic School.
Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đồng ý tài trợ học bổng toàn khóa học cho Trần Ngọc Phương Thảo. Sau khi học xong tại Oxford năm 2004, Thảo học tiếp Tiến sỹ Kinh tế học tại Đại học Harvard và tốt nghiệp năm 2010. Ở độ tuổi 26, Trần Ngọc Phương Thảo là Tiến sỹ trẻ nhất Việt Nam với tấm bằng Tiến sỹ danh giá của Đại học Harvard, trường đại học xuất sắc nhất thế giới.
Trong suốt 3 năm sau đó, Trần Phương Ngọc Thảo là Giảng viên ĐH Kinh tế TPHCM và Giám đốc quản lí dự án tại Ngân hàng TMCP Đông Á. Từ 2013 – 2015, ái nữ Chủ tịch PNJ Cao Thị Ngọc Dung tạm dừng các công việc tại Việt Nam, để sang Anh tiếp tục theo đuổi con đường học vấn, với bằng Thạc sĩ Quản trị kinh doanh tại London Business School.
Từ 2015 – 2018, bà Thảo làm quản lí tại Ngân hàng ANZ Bank Group, chi nhánh Melbourne, Australia. Hiện nay bà Thảo là Giám đốc trung tâm chuyển đổi số hóa của PNJ.
Hiện tại Trần Phương Ngọc Thảo đang sở hữu 5.741.400 cổ phiếu PNJ, tương đương 2,55% cổ phần PNJ. Tính theo giá 83.000 đồng/cổ phiếu thì hiện số cổ phần này đang có giá trị hơn 470 tỷ đồng.
Tại đại hội cổ đông PNJ ngày 10/06/2020, bà Trần Phương Ngọc Thảo – con gái Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) PNJ đã trúng cử thành viên HĐQT PNJ.
Nhị tiểu thư Trần Phương Ngọc Giao
Trần Phương Ngọc Giao là con gái thứ 2 của ông Bình và bà Dung, so với chị gái mình là Trần Phương Ngọc Thảo và em gái mình là Trần Phương Ngọc Hà thì Trần Phương Ngọc Giao khá kín tiếng, có rất ít thông tin về ái nữ thứ 2 này.
Hiện tại Trần Phương Ngọc Giao đang sở hữu 7.250.861 cổ phiếu PNJ, tương đương 3,22% cổ phần PNJ. Tính theo giá 83.000 đồng/cổ phiếu thì hiện số cổ phần này đang có giá trị hơn 600 tỷ đồng. Đó là chưa kể đến 2% cổ phần đang nắm giữ tại ngân hàng Đông Á, tuy nhiên số cổ phần này đang bị cấm chuyển nhượng do ngân hàng Đông Á đang bị kiểm soát đặc biệt.
Cô em út Trần Phương Ngọc Hà
Cô con gái út của ông Bình và bà Dung là Trần Phương Ngọc Hà, người em gái út này có thành tích học tập khủng chẳng kém người chị gái đầu Trần Phương Ngọc Thảo là bao nhiêu.
Trần Phương Ngọc Hà (Haily Tran) sở hữu gương mặt sáng, lối nói chuyện thông minh. Nguồn năng lượng dồi dào và sự tự tin toát ra từ cô gái 26 tuổi này khiến bạn có cảm tình ngay từ lần đầu tiên gặp mặt.
Du học từ năm 15 tuổi, đi qua 4 năm đại học trong Ivy League tại Đại học Brown, 2 năm theo học Thạc sỹ ngành Quy hoạch đô thị ở Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT), mới đây Hà đã giành được học bổng Tiến sỹ ngành International Development (phát triển cộng đồng và phát triển bền vững) ở ĐH Oxford, một trong những trường ĐH danh giá nhất toàn cầu, ngôi trường mà người chị đầu theo học khi còn là sinh viên.
Hiện tại Trần Phương Ngọc Hà đang sở hữu 9.200.000 cổ phiếu PNJ, tương đương 4,042% cổ phần PNJ. Tính theo giá 83.000 đồng/cổ phiếu thì hiện số cổ phần này đang có giá trị hơn 760 tỷ đồng. Đó là chưa kể đến 2,06% cổ phần đang nắm giữ tại ngân hàng Đông Á.