CHẬM VÌ VƯỚNG TIỀN THUÊ ĐẤT
Dự án Khu du lịch nghỉ mát giải trí đa năng Saigon Atlantis Hotel do Công ty TNHH Winvest Investment làm chủ đầu tư được cấp phép từ ngày 14-4-2006, có tổng vốn đầu tư 4,1 tỷ USD, nằm trong khu vực Cửa Lấp, Chí Linh (phường 11, 12 TP.Vũng Tàu). Theo đó, dự án sẽ được triển khai trên diện tích đất rộng 307ha, bao gồm các hạng mục: khách sạn, biệt thự 1.200 phòng, khu trò chơi có thưởng (casino), nhà hàng ăn uống, sân golf, bến du thuyền, bãi tắm và các công trình phụ trợ, trung tâm hội nghị quốc tế, nhà hát, rạp chiếu phim, khu hội chợ, triển lãm, trung tâm thương mại và dịch vụ tổng hợp…
Tuy nhiên, hơn 11 năm nay, dự án vẫn chỉ là bãi đất trống. Theo chủ đầu tư dự án Saigon Atlantis Hotel, việc dự án chậm tiến độ là do những khó khăn phát sinh trong tính tiền thuê đất. Cụ thể, năm 2007, DN đã ứng 98 tỷ đồng tiền thuê đất để hỗ trợ tỉnh chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng.
Đến tháng 11-2012, UBND tỉnh mới giao cho nhà đầu tư 87ha đất trong tổng số 307ha đất của toàn bộ dự án. Với phần diện tích được giao, DN đã khoan khảo sát địa chất; dò bom mìn, vật nổ; đo vẽ lập bản đồ địa chính; cắm mốc xác định ranh đất dự án; lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, thiết kế công trình.
Tuy nhiên, vấn đề phát sinh là theo quy định tại Nghị định số 69/2009/NĐ-CP (có hiệu lực từ 1-10-2009), DN phải đóng tiền thuê đất tính vào thời điểm giao đất (tháng 11-2012), tức là sau gần 5 năm so với thời điểm DN ứng tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Trong chừng đó năm, giá đất trên địa bàn tỉnh đã đội lên gấp 7 lần, nên chiểu theo quy định, DN phải đóng số tiền thuê đất lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Đây là số tiền phát sinh quá lớn mà chủ đầu tư không lường trước và không có cách nào để tháo gỡ. Với mong muốn triển khai dự án, Winvest đã nhiều lần đề nghị tỉnh cho phép áp dụng đơn giá thuê đất vào thời điểm 2007.
|
Bản vẽ dự án Khu du lịch nghỉ mát giải trí đa năng Saigon Atlantis Hotel tại khu vực Chí Linh - Cửa Lấp (phường 11, 12, TP. Vũng Tàu).
Ảnh: MỸ PHƯỢNG |
GIẢI QUYẾT VƯỚNG MẮC CHO NHÀ ĐẦU TƯ
Để tháo gỡ khó khăn cho dự án Khu du lịch nghỉ mát giải trí đa năng Saigon Atlantis Hotel cũng như một số dự án khác, UBND tỉnh đã đề nghị Bộ Tài chính giải quyết kiến nghị của địa phương về việc tính giá đất và đơn giá thuê đất theo giá đất tại thời điểm các DN ứng trước tiền thuê đất để thực hiện công tác GPMB.
Sau khi nhận kiến nghị của địa phương, Bộ Tài chính đã có văn bản số 5873/BTC-QLCS ngày 8-5-2017, đề nghị UBND tỉnh BR-VT chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh rà soát hồ sơ cụ thể của các trường hợp phát sinh trên địa bàn tỉnh trước thời điểm 1-7-2014; phối hợp với Bộ Tài chính xem xét, xử lý từng trường hợp theo nguyên tắc: số tiền nhà đầu tư đã ứng trước được quy đổi ra diện tích hoàn thành nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trên cơ sở mặt bằng giao đất từng năm tương ứng với phần diện tích đất đã GPMB theo tiến độ (hàng năm). Đối với phần diện tích đất còn lại, vẫn thực hiện thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định của pháp luật tại thời điểm có quyết định giao đất, cho thuê đất.
Trên cơ sở trả lời của Bộ Tài chính, lãnh đạo tỉnh đã có văn bản số 4338/UBND-VP ngày 23-5-2017 giao cho Sở Tài chính chủ trì, phối hợp Sở KH-ĐT, Sở TN-MT, Cục thuế tỉnh triển khai thực hiện và tham mưu UBND tỉnh để giải quyết dứt điểm các tồn tại vướng mắc của các dự án đã ứng tiền thuê đất để GPMB, trong đó có dự án khu nghỉ dưỡng Sài Gòn-Atlantis.
Theo ông Nguyễn Dương Hùng, Phó Giám đốc Sở Tài chính, về số tiền mà nhà đầu tư đã ứng trước 98 tỷ đồng cho công tác GPMB tại thời điểm 2007, cơ quan này sẽ tham mưu cho tỉnh xác định tiền thuê đất cho nhà đầu tư tại thời điểm này. Nghĩa là, sau khi trừ đi số tiền 98 tỷ đồng nêu trên, thì nhà đầu tư phải nộp gần 100 tỷ đồng để nhận 44,3ha đất. Còn nếu với diện tích này mà xác định tiền thuê đất tại thời điểm bàn giao đất của năm 2012, thì số tiền lớn gấp nhiều lần, ước tính lên đến cả ngàn tỷ đồng.
Về khả năng triển khai dự án khu nghỉ dưỡng Sài Gòn-Atlantis sau khi các vướng mắc được tháo gỡ, ông Peter Luu, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Winvest Investment cho rằng, chỉ cần được giải quyết vướng mắc về tiền thuê đất và nhận được mặt bằng cho phần diện tích còn lại, DN sẽ bắt tay vào triển khai dự án. “Chúng tôi đã theo đuổi dự án này, vì xét về quy mô, đây là dự án nghỉ dưỡng và giải trí có vị trí nằm ngay cửa ngõ vào trung tâm TP. Vũng Tàu, cạnh quốc lộ 51 và bờ biển dài… Đây là điều kiện thuận lợi để hút du khách”, ông Peter Luu nói.
MỘT DỰ ÁN KHÁC CHUNG CẢNH NGỘ VÀ ĐÃ ĐƯỢC THÁO GỠ
Dự án Trung tâm thương mại Thái Dương (diện tích 12 ngàn m2, tại phường 3, TP.Vũng Tàu) do Công ty TNHH Vui chơi - Giải trí và Du lịch Thái Dương làm chủ đầu tư cũng chậm tiến độ do vướng mắc tương tự. Cụ thể, tháng 10-2006, UBND tỉnh ban hành Quyết định thu hồi toàn bộ diện tích đất để đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại Thái Dương. Nhà đầu tư đã ứng 2,5 tỷ đồng vào năm 2007 để góp phần giải tỏa khu đất.
Đến ngày 29-7-2009, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2543/QĐ-UBND cho nhà đầu tư thuê đất với hình thức trả tiền thuê đất một lần và giao UBND TP. Vũng Tàu chỉ đạo đơn vị, địa phương liên quan xác định mốc giới thực địa, bàn giao đất cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, mãi đến ngày 28-10-2009, TP.Vũng Tàu mới bàn giao đất cho nhà đầu tư (theo quy định việc bàn giao đất thực địa không quá 20 ngày kể từ ngày UBND tỉnh có Quyết định cho nhà đầu tư thuê đất). Do vậy, DN không được hưởng tiền thuê đất trước thời điểm Nghị định số 69/2009/NĐ-CP có hiệu lực. Theo tính toán của nhà đầu tư, nếu xác định tiền thuê đất trước thời điểm Nghị định số 69 có hiệu lực thì DN chỉ phải đóng hơn 62 tỷ đồng, còn sau thời điểm này thì số tiền tăng lên khoảng 300 tỷ đồng.
Ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở TN-MT cho biết, Sở TN-MT đã kiến nghị UBND tỉnh giải quyết vướng mắc cho nhà đầu tư theo 2 phương án. Phương án thứ nhất là xác định giá đất và nghĩa vụ tài chính của dự án theo Quyết định 2543/QĐ-UBND ngày 29-7-2009 của UBND tỉnh, tức là trước thời điểm Nghị định 69 có hiệu lực. Phương án thứ hai là cho DN điều chỉnh quy hoạch, thay đổi chức năng dự án Trung tâm thương mại, căn hộ, chung cư để bán và quy đổi diện tích đất đã ứng tiền bồi thường GPMB theo đề nghị của nhà đầu tư.
Trên cơ sở tham mưu của Sở TN-MT và các sở, ban, ngành, tại văn bản số 246/TB-UBND tỉnh ngày 2-6 vừa qua, tỉnh cũng đã chấp thuận cho DN điều chỉnh quy hoạch, công năng dự án Trung tâm thương mại Thái Dương.
|
Dự án khu du lịch Saigon Atlantic hotel: Các hộ dân chưa được bồi thường, vì sao?
Gửi thư đến đến Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, các hộ dân ngụ phường 11, TP. Vũng Tàu phản ánh: Để triển khai Dự án Khu du lịch nghỉ mát, giải trí đa năng Saigon Atlantic Hotel (nằm trên địa bàn phường 11 và phường 12, TP. Vũng Tàu), cấp thẩm quyền đã có quyết định thu hồi đất của các hộ dân nằm trong dự án từ năm 2008. Nhưng đến nay đã hơn 10 năm, các hộ bị thu hồi đất vẫn chưa nhận được tiền bồi thường, làm ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của họ.
|
Khu đất nằm trong Dự án Khu du lịch nghỉ mát, giải trí đa năng Saigon Atlantic Hotel mà người dân có đất bị thu hồi hơn 10 năm nhưng chưa nhận được tiền bồi thường. |
Dự án Khu du lịch nghỉ mát, giải trí đa năng Saigon Atlantic Hotel được quy hoạch xây dựng trên diện tích hơn 297ha, chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH Winvest Investment (vốn đầu tư nước ngoài). Theo kế hoạch, việc bồi thường, giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án sẽ cơ bản hoàn thành năm 2009. Nhưng đến nay, mới bồi thường giải phóng mặt bằng được gần 215ha; diện tích còn lại hơn 82ha/85 hộ với kinh phí bồi thường dự kiến khoảng 1.026 tỷ đồng vẫn chưa được triển khai.
Theo trình bày của ông Nguyễn Quảng Thịnh (ngụ phường 11, TP.Vũng Tàu), gia đình ông đã phải làm lụng rất vất vả mới mua được mảnh đất 23.631m2 tại phường 12, TP.Vũng Tàu. Năm 2008, gia đình ông nhận được Quyết định 3751 ngày 16-9-2008 của UBND TP.Vũng Tàu thu hồi 23.631m2 đất của gia đình ông để thực hiện dự án Saigon Atlantic Hotel. Tuy nhiên, hơn 10 năm qua, gia đình ông và nhiều hộ dân khác vẫn chưa nhận được tiền bồi thường. “Chúng tôi mong lãnh đạo tỉnh, thành phố sớm xử lý dứt điểm vụ việc này, tạo điều kiện cho chúng tôi ổn định cuộc sống”, ông Thịnh kiến nghị.
Được biết, do chưa có kinh phí bồi thường đất cho tất cả 85 hộ dân, ngày 18-10-2018, UBND tỉnh đã có văn bản số 10537/UBND-VP về việc đồng ý giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh thực hiện các trình tự, thủ tục tạm ứng số tiền 100 tỷ đồng từ Quỹ phát triển đất của tỉnh để thực hiện chi trả tiền bồi thường cho hộ ông Nguyễn Quảng Thịnh và 7 hộ dân khác (ngụ phường 11, TP.Vũng Tàu) đã có quyết định thu hồi đất trong dự án, khi có các quyết định phê duyệt giá đất và kinh phí bồi thường của cấp thẩm quyền.
Theo ông Phan Huy Hòa, Trưởng Phòng Bồi thường - Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh, sở dĩ 8 hộ dân trên (trong đó có hộ ông Nguyễn Quảng Thịnh) dù đã có quyết định thu hồi đất từ năm 2008, nhưng họ vẫn chưa được bồi thường là do chưa có quyết định phê duyệt phương án bồi thường cho các hộ dân. Hiện tại, Trung tâm đã cơ bản hoàn thiện hồ sơ bồi thường gồm: lập sơ đồ, vị trí thửa đất thu hồi của 8 hộ theo quy định để làm cơ sở cho các cơ quan chức năng của UBND TP.Vũng Tàu xem xét nguồn gốc đất, trình Hội đồng bồi thường tái định cư thành phố xét duyệt. Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh theo văn bản số 10537/UBND-VP, Trung tâm cũng đã làm thủ tục ứng vốn tại Quỹ phát triển đất để chi trả tiền bồi thường cho các hộ khi có quyết định phê duyệt phương án bồi thường.
Ông Hoàng Vũ Thảnh, Phó Chủ tịch UBND TP.Vũng Tàu cho biết, ngày 27-2 vừa qua, UBND TP.Vũng Tàu đã có Tờ trình số 796/TTr-UBND gửi Sở TN-MT về phương án giá đất cụ thể để tính bồi thường giải quyết khiếu nại của 8 hộ dân nêu trên, với diện tích đất dự kiến bồi thường hơn 4ha, trong đó 656m2 là đất ở đô thị, còn lại là đất trồng cây hàng năm, cây lâu năm. Khu đất này nằm trên đường Đô Lương, phường 12, thuộc vị trí 1, 2, 3,4 và 5 (đường loại 4). Theo đó, UBND thành phố đề xuất: đối với đất ở vị trí 5 được bồi thường 10.934.000 đồng/m2; đối với đất nông nghiệp, vị trí 1 là 2.792.000 đồng/m2, vị trí 2 là 1.952.000 đồng/m2, vị trí 3 là 1.600.000 đồng/m2.
“Với đề xuất trên, UBND thành phố đề nghị Sở TN-MT xem xét, thẩm định, thông qua Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh trình UBND tỉnh phê duyệt giá đất cụ thể tính bồi thường cho các hộ dân. Sau khi có quyết định phê duyệt giá đất của UBND tỉnh, dự kiến trong năm 2019, UBND thành phố sẽ ban hành quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các hộ dân”, ông Hoàng Vũ Thảnh cho hay.