03/09/2019
Dự kiến đường dẫn phía TP HCM và Đồng Nai sẽ do 2 địa phương tự thực hiện theo hình thức BT.
Phần cầu chính sẽ do Đồng Nai thực hiện theo hình thức BOT.
Mới đây, Thủ tướng vừa đồng ý giao UBND tỉnh Đồng Nai triển khai thực hiện dự án cầu thay thế phà Cát Lái. UBND tỉnh Đồng Nai sẽ thống nhất với UBND TP HCM về hình thức đầu tư và phương án triển khai thực hiện các hạng mục công trình. Hai địa phương có trách nhiệm triển khai dự án theo đúng quy định.
Dự án Cầu Cát Lái được khởi công từ năm 2020 với tổng mức đầu tư gần 7.200 tỷ đồng. Theo Báo Đồng Nai, nếu triển khai theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) cho toàn bộ dự án sẽ không khả thi nên UBND tỉnh kiến nghị tách dự án làm 3 dự án thành phần.
|
Vị trí phà Cát Lái được dự kiến thay thế bằng cầu. Ảnh: Google Maps.
|
Ông Từ Nam Thành, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, 3 dự án thành phần dự kiến gồm phần đường dẫn phía TP HCM dài 623 m, quy mô mặt cắt ngang rộng 60m. Tỉnh kiến nghị Chính phủ giao UBND TP HCM triển khai thực hiện theo hình thức đầu tư hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT). Phần đường dẫn phía tỉnh Đồng Nai dài 263m, rộng 56 m sẽ do tỉnh Đồng Nai triển khai thực hiện theo hình thức BT. Phần cầu chính sẽ do UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện theo hình thức BOT.
Cũng theo ông Thành, đối với phần cầu chính, trong quá trình nghiên cứu, nếu việc triển khai thực hiện theo hình thức BOT không khả thi sẽ nghiên cứu triển khai theo phương án BOT kết hợp BT. Quỹ đất đối với phần BT này sẽ nghiên cứu sử dụng quỹ đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh lựa chọn phương án đầu tư phù hợp.
Dự án cầu Cát Lái được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 vào tháng 5/2017 theo đề nghị của Bộ Giao thông Vận tải.
Cùng với dự án này, Cảng hàng không quốc tế Long Thành khi đi vào hoàn thiện kết hợp với tỉnh lộ 25C sẽ hình thành tuyến kết nối TP HCM - Long Thành, chia sẻ lưu lượng giao thông cho cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây.