20/05/2020
HP, Microsoft, GM… đều ra đời trong những giai đoạn khó khăn của nền kinh tế Mỹ
Khi dịch bệnh Covid-19 đang có những tác động tiêu cực lên toàn bộ nền kinh tế Mỹ, các nhà kinh tế học dự đoán: một thời kỳ suy thoái là điều khó có thể tránh khỏi.
Thế nhưng, không nhiều người biết rằng những tập đoàn, công ty nổi tiếng như HP, Microsoft hay GM lại ra đời từ chính những giai đoạn khó khăn nhất của nền kinh tế hàng đầu thế giới.
General Motors (GM)
Thành lập trong cuộc suy thoái kinh tế năm 1908.
Cuộc khủng hoảng tài chính nổ ra vào năm 1907 đã kéo nước Mỹ vào một thời kỳ suy thoái mà đến tận năm 1910 mới có dấu hiệu hồi phục, theo Smithsonian Magazine. Cuộc khủng hoảng khởi đầu từ một cơn động đất xảy ra vào năm 1906 tại San Francisco và chiến lược đầu cơ sai lầm đã dẫn đến sự sụp đổ của 2 công ty môi giới lớn.
General Motors được thành lập bởi William Durant và Charles Stewart Mott vào tháng 9/1908. Tại thời điểm đó, bộ đôi này sở hữu một thương hiệu xe hơi có tên Buick. General Motors đã mua lại các thương hiệu xe hơi khác như Oldsmobile và Cadillac. Đến năm 1918, thương hiệu Chevrolet được bổ sung vào các dòng sản phẩm của công ty.
Ngày nay, General Motors được định giá ở mức 32 tỷ USD với khoảng 164.000 lao động làm việc toàn thời gian. (Ảnh: Getty Images)
Hewlett-Packard (HP)
Thành lập vào thời kỳ suy thoái 1937-1938.
Cuộc khủng hoảng vào cuối thập niên 30 của thế kỷ trước xảy ra đúng lúc nền kinh tế Mỹ đang dần hồi phục sau cuộc Đại suy thoái diễn ra vào những năm đầu của thập niên. Đó cũng là thời điểm mà thế giới đang đứng trên bờ vực của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 2, theo Federal Reserve History. Giá trị GDP của nền kinh tế Mỹ đã giảm 10% và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức khoảng 20%. Điều đó khiến cuộc khủng hoảng này trở thành cuộc khủng hoảng tồi tệ thứ 3 trong thế kỷ 20.
Theo Hiệp hội lịch sử thung lũng Silicon, vào đúng thời điểm đó, William Hewlett và David Packard đã thành lập nên công ty là tiền thân của HP ở thời điểm hiện tại. Công ty chính thức đi vào hoạt động vào ngày 1/1/1939, và trong thời kỳ bùng nổ Internet, công ty được biết đến như một ông lớn chuyên sản xuất các dòng sản phẩm máy tính cá nhân.
Công ty được định giá khoảng 22 tỷ USD. Trong năm 2019, HP đang có khoảng 56.000 nhân viên. (Ảnh: Reuters)
Burger King
Burger King mở cửa hàng đầu tiên của mình trong giai đoạn khủng hoảng hậu chiến tranh Triều Tiên vào những năm 1950.
Theo CNBC, cuộc khủng hoảng diễn ra vào các năm 1953-1954 là hệ quả của sự thay đổi lớn trong chính sách chi tiêu của chính phủ. GDP của Mỹ đã giảm 2,2% và tỷ lệ thất nghiệp lúc đó ở mức 6%.
Theo thông tin mà Business Insider thu thập được, nhà hàng đầu tiên của Burger King được khai trương vào năm 1953 tại Jacksonville, bang Florida. Được thành lập bởi Keith Kramer và Matthew Burns, công ty trong thời gian đầu được gọi với cái tên: Insta-Burger King. Vào năm 1954, công ty được điều hành bởi David Edgerton và James McLamore, sau đó họ mở rộng số lượng nhà hàng ra các địa điểm mới.
Theo website của công ty, tổng số lượng khách hàng đến với các cơ sở của Burger King lên tới 11 triệu người mỗi năm. (Ảnh: AP)
Microsoft
Thành lập trong cuộc suy thoái 1973-1975.
Theo CNBC, tổ chức các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ OPEC đã áp đặt lệnh cấm vận lên các quốc gia ủng hộ lực lượng quân đội của Israel, trong đó bao gồm cả Mỹ. Giá dầu tại thời điểm đó đã tăng mạnh, trong khi thị trường cổ phiếu dường như “sụp đổ” vào năm 1973. GDP của Mỹ đã giảm 3,4% và tỷ lệ thất nghiệp nhảy vọt lên mức 9%.
Vào tháng 4/1975, Bill Gates và Paul Allen đã cùng nhau sáng lập nên một công ty phần mềm máy tính, lấy tên là Microsoft. Vào năm 1987, Bill Gates, lúc đó mới 31 tuổi, trở thành tỷ phú trẻ nhất thế giới, theo thông tin từ History Channel.
Microsoft hiện tại được định giá ở ngưỡng 1.300 tỷ USD và là nơi làm việc của 148.465 người. (Ảnh: Reuters)
CNN
Phát sóng chương trình đầu tiên vào giai đoạn khủng hoảng 1980.
Theo CNBC, năm 1980, cục dự trữ liên bang Mỹ đã tiến hành nâng lãi suất ngân hàng nhằm ngăn chặn đà gia tăng của lạm phát, lúc đó đang ở ngưỡng 22%. Điều này khiến cho nền kinh tế phát triển chậm lại, GDP của Mỹ sụt giảm hơn 2%. Tỷ lệ thất nghiệm chạm ngưỡng 7,8%.
Trong ngày 1/6/1980, Ted Tuner đã giới thiệu đến người xem truyền hình toàn quốc ý tưởng về một kênh truyền hình phát sóng 24/24 giờ, với tên gọi Cable New Network hay còn gọi là CNN.
Theo tờ Deadline, vào thời kỳ hoàng kim của công ty vào năm 2019, có trung bình một triệu khán giả đón xem CNN mỗi ngày. (Ảnh: Reuters)
Hyatt
Khách sạn đầu tiên mang thương hiệu Hyatt được khai trương trong giai đoạn khủng hoảng 1957-1958.
Cuộc khủng hoảng đó kéo dài trong 8 tháng, theo CNBC. GDP của Mỹ giảm 3,7% và tỷ lệ thất nghiệp ở ngưỡng 7,4%.
Theo website của Hyatt, trong năm 1957, doanh nhân Jay Pritzker đã mua lại Hyatt House, một nhà trọ nằm gần sân bay quốc tế Los Angeles. Cùng với anh trai của mình, Pritzker phát triển nhà trọ này trở thành một trong những công ty quản lý và vận hành khách sạn mang tầm cỡ quốc gia. Bện cạnh đó, họ chính thức trở thành chủ sở hữu của một công ty khác cùng công ty mẹ với Hyatt House là Hyatt International vào năm 1968. Cả hai công ty kể trên, bên cạnh đó là nhiều tài sản trong lĩnh vực lưu trú của nhà Pritzker đã được hợp nhất thành Hyatt Hotels Corporation vào năm 2004.
Ngày nay, Hyatt Hotels Corporation được định giá khoảng 5,6 tỷ USD. Trong năm 2019, tập đoàn này đang sở hữu 913 khách sạn trong hệ thống của mình. (Ảnh: Shutterstock)
Electronic Arts
Công ty game thành lập trong cuộc khủng hoảng năng lượng 1981-1982.
Nền kinh tế Mỹ đang dần phục hồi sau cuộc khủng hoảng nổ ra vào năm 1980 thì Cục dự trữ liên bang Mỹ bất ngờ tung ra các biện pháp thắt chặt nguồn tiền bơm vào nền kinh tế, nhằm chặn đứng đà tăng của lạm phát, theo CNBC. GDP của Mỹ giảm tới 3% và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức 10,8%. Cuộc khủng hoảng mới này thậm chí còn diễn biến tồi tệ thêm khi thế giới lúc đó cũng đang vấp phải cuộc khủng hoảng năng lượng khi đế chế dầu mỏ Iran quyết định giảm sản lượng khai thác của mình.
Theo Britannica, Trip Hawkins đã rời Apple để thành lập nên một công ty phần mềm trò chơi có tên Electronic Arts vào năm 1982. Công ty trở thành một trong những hãng dẫn dầu trên thị trường trò chơi giải trí khi cho ra mắt hàng loạt các tựa game nổi tiếng như "Madden NFL" và "The Sims."
EA hiện được định giá 33 tỷ USD và có khoảng 9.700 nhân viên làm việc toàn thời gian. (Ảnh: Reuters)
Uber
Công ty khởi nghiệp tiêu biểu ra đời trong giai đoạn khủng hoảng 2007-2009.
Theo CNBC, tại thời điểm đó, GDP của Mỹ giảm 4,3% và tỷ lệ thất nghiệp lên đến 10%. Cuộc khủng hoảng này kéo dài trong khoảng thời gian 18 tháng. Thị trường bất động sản hoàn toàn sụp đổ và một “cơn bão” đã quét qua lĩnh vực ngân hàng khiến các định chế tài chính như Fannie Mae và Freddie Mac buộc phải tuyên bố phá sản. Theo thông tin trước đó được đăng tải bởi Business Insider, những ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng đó vẫn có thể được cảm nhận cho đến tận ngày hôm nay.
Theo website của công ty, công ty chuyên cung cấp dịch vụ chia sẻ chuyến đi Uber được thành lập vào tháng 3/2009. Travis Kalanick và Garrett Camp đã bắt tay nhau sáng lập nên Uber khi họ không thể tìm được phương tiện di chuyển trong chuyến đi tới Paris, Pháp.
Trong tháng 6/2918, công ty này công bố ứng dụng của họ đã được tin dùng trong khoảng 10 tỷ chuyến đi trên khắp thế giới. (Ảnh: Reuters)
Airbnb
Ra đời trong cùng giai đoạn khủng hoảng giống Uber.
Airbnb được thành lập vào năm 2007 khi 2 người bạn cùng phòng trọ Joe Gebbia và Brian Chesky quyết định cho thuê khu vực gác xép trong căn nhà mà họ đang thuê. Họ đã tạo ra một website cho người thuê nhà tiện liên hệ và mua một vài chiếc đệm hơi để làm “giường” cho các “du khách”. Cùng với Nathan Blecharczyk, một người bạn khác, họ quyết định xây dựng một công ty chuyên cung cấp dịch vụ cho thuê phòng.
Ban đầu, công ty gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng đến năm 2019, công ty này được định giá ở ngưỡng 31 tỷ USD. (Ảnh: AFP)
Square
Công ty thanh toán trực tuyến ra đời trong cuộc suy thoái toàn cầu 2009.
Square được thành lập vào năm 2009 bởi Jack Dorsey (người cũng đang nắm vai trò đồng sáng lập kiêm CEO của Twitter) và Jim McKelvey. Công ty khởi đầu bằng việc cung cấp các đầu đọc thẻ bằng nhựa, thứ có thể gắn vào một cổng kết nối trên điện thoại và cho phép chủ các cơ sở kinh doanh nhận được tiền nếu như khách hàng muốn sử dụng hình thức thanh toán bằng thẻ tín dụng. Công ty đã mở rộng sang các dự án kinh doanh khác, trong đó có Cash App, một ứng dụng chuyển tiền.
Công ty đang được định giá ở mốc 26 tỷ USD và có khoảng 3.835 nhân viên toàn thời gian. (Ảnh: Getty Media)