Cách đây hơn chục năm, cụm từ "điện sức gió" ít được mọi nguời để ý tới, kể cả ở các nước công nghiệp tiên tiến. Nó mới được các nước công nghiệp phát triển đầu tư sản xuất theo hướng thử nghiệm, chứ chưa mang tính đại trà. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng điện sức gió là một dạng lượng lượng thông minh, sạch, nó sẽ là xu hướng phát triển năng lượng trong thế kỷ thứ XXI.
Theo phân tích và thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), ở hầu hết các nước đang phát triển, trình độ khoa học kỹ thuật còn hạn chế thì các Chính phủ đầu tư vào nhiệt điện và thủy điện. Nhiệt điện ngốn nguồn tài nguyên (than đá) ghê gớm, để lại hậu quả lớn cho môi trường là xỉ than, khói, bụi. Còn trong điều kiện thời tiết thất thường, hạn hán ngày càng gia tăng như hiện nay thì thủy điện cũng không bền vững, thường xuyên thiếu nước để chạy các tuốcbin.
|
Cánh đồng điện gió trên biển ở Bạc Liêu. Ảnh: Báo Đất Mũi |
Vì thế đa số các nước công nghiệp đã bỏ qua hai nguồn năng lượng trên mà tập trung chủ yếu vào điện hạt nhân. Tuy nhiên việc xây dựng các lò phản ứng hạt nhân quá tốn kém, hơn nữa độ an toàn của điện hạt nhân không phải là tuyệt đối, vẫn để lại di hại cho môi trường. Đó là lý do người ta tìm đến điện sức gió.
Điện sức gió là dạng năng lượng bền vững nhất hiện nay, nó sẽ là lời giải cho bài toán khủng hoảng năng lượng của thế giới. Mặt khác mối quan tâm ngày càng cao của các nước về vấn đề bảo vệ môi trường đã tiếp thêm sức mạnh cho nỗ lực tìm kiếm các dạng năng lượng tái tạo thân thiện với môi trường. Hiện Đức là quốc gia số 1 thế giới về điện sức gió, chiếm tới 30% tổng sản lượng của nước Đức, sau đó đến Tây Ban Nha và Mỹ.
Ở Châu Âu, đất đai không rộng lớn nên đa số các nước đều thuê ruộng của nông dân để đặt các cột có gắn tuốc bin chạy bằng sức gió. Giá thuê đất chiếm khoảng 1/5 giá thành sản xuất ra 1KW điện, vừa mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nông dân, vừa không ảnh hưởng đến diện tích đất canh tác.
Đặc biệt ở châu Phi, nơi không có cơ hội phát triển thủy điện vì lượng mưa quá ít và không có các đồi núi dốc thì các sa mạc cát trắng lộng gió sẽ là cơ hội vàng để Châu Phi phát triển điện sức gió. Nguồn năng lượng dồi dào này sẽ giúp lục địa đen không chỉ đủ năng lượng tiêu dùng mà còn vươn tới xuất khẩu.
Phát triển điện sức gió không chỉ đủ cung cấp điện mà nó còn thúc đẩy ngành du lịch. Tại các hòn đảo ở Australia và New Zealand nơi có lắp đặt các cột điện sức gió thu hút rất đông khách du lịch hiếu kỳ đến xem.
Còn Việt Nam chúng ta thì sao? Theo dự báo của Tổng Công ty Điện lực Việt Nam, năm 2020 Việt Nam sẽ cần khoảng 200.000 GWh, vào năm 2030 là 327.000 GWh. Tuy nhiên, hiện nay khả năng cung cấp điện của chúng ta chỉ đạt mức 165.000 GWh (năm 2020) và 208.000 GWh (năm 2030). Như vậy, tỉ lệ thiếu hụt điện của Việt Nam là khoảng 20-30% mỗi năm.
Để bù đắp khoản thiếu hụt năng lượng, không có cách nào khác là phải sử dụng điện tiết kiệm, hợp lý và đa dạng hóa các nguồn năng lượng. Bên cạnh việc khai thác các nguồn năng lượng truyền thống thì cần đặc biệt chú trọng nguồn năng lượng sạch và nguồn năng lượng tái tạo. Điện gió được xem là một trong những nguồn cung bổ sung đáng kể khi Việt Nam có nhiều thuận lợi trong việc khai thác nguồn năng lượng này.
Theo một chương trình khảo sát của WB, tổng tiềm năng điện sức gió của nước ta ước đạt 513.360MW (lớn nhất Đông Nam Á), tức là gấp hơn 200 lần công suất nhà máy thủy điện Sơn La. Ở Việt Nam, hai địa điểm có lợi thế nhất để phát triển điện sức gió là Sơn Hải (Ninh Thuận) và vùng đồi cát ở độ cao 60 - 100m ở phía tây Hàm Tiến đến Mũi Né (Bình Thuận).
Đây là các khu vực "đồng không mông quạnh" không có vật che chắn vận tốc trung bình của gió lớn, thậm chí rất lớn. Nhưng quan trọng nhất là ở những địa điểm này, cả 12/12 tháng trong năm đều rất nhiều gió. Điều đặc biệt hơn là tuy no gió nhưng nơi đây số cơn bão có khả năng đổ bộ vào gần như bằng 0, vì thế không đe doạ đến sự an toàn của các cột điện sức gió.
Ngoài ra, các vùng đảo ngoài khơi như Bạch Long Vĩ, đảo Phú Quý, Trường Sa... là những địa điểm gió có vận tốc trung bình cao, tiềm năng năng lượng gió tốt, có thể xây dựng các trạm phát điện gió công suất lớn để cung cấp năng lượng điện cho dân cư trên đảo.
Cũng theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam có tiềm năng gió lớn nhất và hơn hẳn các quốc gia lân cận là Thái Lan, Lào và Campuchia. Trong khi Việt Nam có tới 8,6% diện tích lãnh thổ được đánh giá có tiềm năng từ "tốt“ đến "rất tốt“ để xây dựng các trạm điện gió cỡ lớn, thì diện tích này ở Campuchia là 0,2%, ở Lào là 2,9%, và ở Thái-lan cũng chỉ là 0,2%.
Nếu xét tiêu chuẩn để xây dựng các trạm điện gió cỡ nhỏ phục vụ cho phát triển kinh tế ở những khu vực khó khăn thì Việt Nam có đến 41% diện tích nông thôn có thể phát triển điện gió loại nhỏ. Nếu so sánh con số này với các nước láng giềng thì Campuchia có 6%, Lào có 13% và Thái Lan là 9% diện tích nông thôn có thể phát triển năng lượng gió. Bên cạnh đó, việc vận hành các nhà máy điện gió không phức tạp như các nhà máy điện hạt nhân hay thủy điện.
Với những điều kiện thuận lợi như vậy, vấn đề còn lại là chi phí giá thành để triển khai nguồn năng lượng này liệu có hợp lý? Tại châu Âu, các nhà máy điện gió không cần đầu tư vào đất đai để xây dựng các trạm tourbine mà thuê ngay đất của nông dân. Giá thuê đất (khoảng 20% giá thành vận hành thường xuyên) giúp mang lại một nguồn thu nhập ổn định cho nông dân, trong khi diện tích canh tác bị ảnh hưởng không nhiều.
Tại Việt Nam, nếu đầu tư xây dựng Nhà máy thủy điện Sơn La với công suất 2400 MW, tổng mức đầu tư là 2,4 tỷ USD. Để có được 1KW công suất cần đầu tư 1.000 USD trong 7 năm. Trong khi đó để đầu tư cho 1KW điện gió ở nhiều nước Châu Âu cũng vào khoảng 1.000 USD, nhưng giá thành này giảm đều hàng năm do cải tiến công nghệ.
Nhược điểm lớn nhất của năng lượng gió là sự phụ thuộc vào điều kiện thời tiết và chế độ gió. Vì vậy, theo các chuyên gia, khi thiết kế cần nghiên cứu hết sức chi tiết về chế độ gió, địa hình cũng như loại gió không có các dòng rối (ảnh hưởng không tốt đến máy phát).
Một điểm cần lưu ý nữa là khả năng các trạm điện gió sẽ gây ô nhiễm tiếng ồn trong khi vận hành, cũng như có thể phá vỡ cảnh quan tự nhiên và ảnh hưởng đến tín hiệu của các sóng vô tuyến nếu các yếu tố về kỹ thuật không được quan tâm đúng mức. Do vậy, khi xây dựng các khu điện gió cần tính toán khoảng cách hợp lý đến các khu dân cư, khu du lịch để không gây những tác động tiêu cực.
Đầu tư cho nhiệt điện, thủy điện, đặc biệt là điện hạt nhân rất tốn kém, trong khi đó điện sức gió dễ dàng, dễ sử dụng, tốn ít tiền đầu tư mà lại bền vững. Vì vậy, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là Chính phủ phải có quyết sách hợp lý để biến tiềm năng điện sức gió dồi dào và vô tận của Việt Nam thành hiện thực.
Quỳnh Nhi