Những năm đầu thập niên 1990, ông Quang bắt đầu công việc kinh doanh của mình bằng việc bán mì ăn liền cho người Việt tại Nga. Ông đã xây dựng nhà máy đầu tiên với công suất 30 triệu gói/tháng, sản xuất mì, nước tương, nước mắm, tương ớt. Ông Quang được gắn biệt danh “Người dạy cho người Nga ăn mì gói và tương ớt”.
Khi bắt đầu sản xuất mì ăn liền xuất khẩu, ông Quang đã nghĩ rất khác với các doanh nghiệp cùng ngành. "Tại sao lại chỉ sản xuất mì ăn liền cho cộng đồng 200.000 người Việt tại Nga mà bỏ quên đi một thị trường 150 triệu người Nga chưa được khai thác", ông từng chia sẻ với báo giới.
|
Ông Nguyễn Đăng Quang khởi nghiệp với mì gói tại Nga và trở thành tỷ phú USD sau khi về phát triển ngành hàng này tại Việt Nam. Ảnh: Việt Dũng |
Tỷ phú "khởi nghiệp từ mì tôm" từng kể: "Chúng tôi thường nói với nhau về câu chuyện 2 người cùng được giao nhiệm vụ đi tìm thị trường cho giày da tại một nước rất lạc hậu ở châu Phi. Một người đi về thất vọng và báo cáo ở đó chẳng có cơ hội nào cả, bởi người dân không quen đi giày. Người còn lại hồ hởi thông báo, đó là một thị trường khổng lồ. Tất cả mọi người đều có 2 chân và chưa ai bán được một đôi giày nào cho họ cả. Những người ở Masan thuộc mẫu thứ 2".
Cũng chính vì thế ông Quang đã tập trung vào thị trường mì ăn liền và sau đó là tương ớt dành cho người Nga (những người chưa quen ăn mì, tương ớt) chứ không chỉ nhắm vào thị trường người Việt đang sinh sống tại Nga. Kết quả là ông thành công. Lúc cao điểm, doanh số các sản phẩm của doanh nghiệp ông tại thị trường này trên 100 triệu USD/năm.
Công thức tăng trưởng: "Nỗi sợ hãi" của người tiêu dùng
Là một "thế lực" sản xuất mì ăn liền tại Nga nhưng bước đầu tiên về Việt Nam, tỷ phú Nguyễn Đăng Quang chọn nước tương là sản phẩm mở đường.
Năm 2002, Masan đánh dấu sự có mặt ở Việt Nam với sản phẩm đầu tiên là nước tương Chin-su, sang năm 2003 thêm nước mắm. Đến năm 2007, Masan mới bắt đầu đánh chiếm thị trường mì gói bằng sản phẩm Omachi.
Masan Food thành công vang dội khi tham gia vào cả 4 nhóm hàng tiêu dùng đang nổi tại Việt Nam, là nước tương, nước nắm, mì ăn liền và hạt nêm, với doanh thu năm 2009 đạt gần 4.000 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi (106%) so với năm 2008.
Có thời điểm, sản phẩm nào của Masan tung ra là ngay lập tức chiếm lĩnh thị trường. Công thức marketing chung cho các sản phẩm này đều là tung sản phẩm ở nơi nào có "nỗi sợ hãi" của người tiêu dùng. Dưới sự điều hành của ông Quang, Masan đã tạo nên những cú đột phá về tăng trưởng.
|
Với mặt hàng nước chấm, dù đang chiếm thị phần lớn nhất hiện nay, Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang không ít lần vướng phản ứng của dư luận. Ảnh: GTQ. |
Trước năm 2007, mô hình kinh doanh của Masan Food khá đơn giản: một thương hiệu Chinsu cho 4 dòng sản phẩm chính là nước tương (ra đời năm 2002), nước mắm (2003), mì gói (2003), hạt nêm (2003) với doanh thu chưa đến 500 tỷ đồng và chưa có bước phát triển nào nổi trội.
Rồi sự cố chất gây ung thư 3-MCPD trong nước tương xảy ra (bắt đầu từ năm 2005 và kéo dài cho đến năm 2007), làm thay đổi toàn bộ vận mệnh của Chinsu cũng như Masan Food.
“Sự nhạy cảm khủng hoảng” của ông Nguyễn Đăng Quang là nguồn năng lượng lớn để các sản phẩm của Masan chớp thời cơ tăng trưởng nhanh chóng.
Tháng 9/2007, Masan Food cho ra đời nước tương Tam Thái Tử và tuyên bố trao thưởng 1 tỷ đồng cho ai tìm thấy chất 3-MCPD trong nước tương. Trong cơn khủng hoảng của người tiêu dùng, sản phẩm mới của Masan thắng lớn và 80% thị phần thời điểm đó nằm trong tay Tam Thái Tử.
Liên tiếp sau đó, các sản phẩm đều hướng đến nỗi lo sức khỏe của người dùng.
Hàng loạt slogan “nước mắm không cặn” hỗ trợ Nam Ngư và Chinsu, “mì khoai tây không nóng” để hỗ trợ Omachi, “hạt nêm không bột ngọt”… Khi người Việt có một nỗi lo an toàn thực phẩm trước một sự cố về thực phẩm bẩn Masan sẽ có sản phẩm mới xuất hiện với sứ mệnh giải quyết nỗi lo người dùng. Khi nỗi sợ hãi được giải quyết, doanh thu của Masan cũng tăng lên.
Tất nhiên, không phải chiến lược này luôn suôn sẻ mà thường song hành với sự phản ứng, chỉ trích của rất nhiều người tiêu dùng.
Năm 2017, Masan tiếp tục mở rộng sang ngành hàng thịt và các sản phẩm từ thịt. Để tấn công thị trường này, doanh nghiệp của tỷ phú USD đã đầu tư trang trại nuôi heo với quy mô 10.000 con heo nái cùng 230.000 heo thịt/năm. Tổng mức đầu tư 1.000 tỷ đồng.
Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông 2017 của Masan consumer, ông Nguyễn Đăng Quang cho biết theo nghiên cứu của doanh nghiệp, mỗi người Việt đang trả 2 USD/tháng cho sản phẩm của Masan, và mục tiêu đến năm 2020 là 10 USD/tháng.
Tài sản 1,3 tỷ USD nhưng chỉ sở hữu 15 cổ phiếu MSN
Masan được biết đến nhiều trên truyền thông với các sản phẩm tiêu dùng, nhưng trong cả hệ thống thì doanh nghiệp này còn có nhiều hơn thế.
Với sự điều hành của ông Nguyễn Đăng Quang, Masan Group là một trong những tập đoàn tư nhân đa ngành hàng đầu trên sàn chứng khoán Việt, với vốn hóa đạt gần 100.000 tỷ đồng. Tập đoàn này kinh doanh các lĩnh vực thức ăn chăn nuôi (Proconco, Anco), hàng tiêu dùng (Omachi, Chinsu, Vinacafe,...), khoáng sản (mỏ núi Pháo), ngân hàng (Techcombank),...
Theo số liệu trên sàn chứng khoán, dù là Chủ tịch HĐQT Masan Group nhưng ông Nguyễn Đăng Quang chỉ nắm giữ 15 cổ phiếu của tập đoàn này. Tính theo thị giá cổ phiếu MSN ngày 6/3/2019 thì tương đương hơn 1 triệu đồng (90.000 đồng/cp). Tuy nhiên, thông qua CTCP Masan (Masan Corp) - doanh nghiệp đang trực tiếp và gián tiếp nắm giữ 50% cổ phần của Masan Group, thì ông Nguyễn Đăng Quang được xem là cổ đông chính của MSN và có khối tài sản khổng lồ.
Đồng thời, hiện nay cá nhân ông Quang cũng nắm giữ khoảng 9,5 triệu cổ phiếu Techcombank (252 tỷ đồng), và trên cương vị đại diện cho Masan sở hữu 524,3 triệu cổ phiếu nhà băng này với giá trị tương đương 14.000 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đăng Quang bắt đầu được nhìn nhận với danh hiệu tỷ phú USD cách đây khoảng một năm khi cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan đã tăng gấp đôi (từ mức 46.000 đồng lên 90.000 đồng/cổ phiếu) trong vòng 6 tháng. Dù thời điểm đó chưa xuất hiện trong danh sách của Forbes nhưng ở một kênh đánh giá khác là Bloomberg Billionaires Index ghi nhận ông Quang có tài sản đạt 1,2 tỷ USD, trở thành tỷ phú USD thứ ba của Việt Nam được Bloomberg công nhận và công khai tên tuổi.
Ông Quang không trực tiếp sở hữu cổ phiếu kiểm soát tại Masan nhưng các cá nhân liên quan đến ông, bao gồm vợ và mẹ ông lại nắm trong tay một lượng lớn cổ phiếu Masan.
Theo cập nhật đến hết ngày 6/3, bà Nguyễn Hoàng Yến, vợ ông Nguyễn Đăng Quang, sở hữu 42.415.234 cổ phiếu MSN (4,05%). Bà Nguyễn Quý Định, mẹ ông Quang, sở hữu 1.990.896 cổ phiếu MSN. Như vậy, Chủ tịch Nguyễn Đăng Quang và những người có liên quan đang nắm gần 50% cổ phần tại Masan Corp.