Doanh nhân Trịnh Văn Quyết là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC với giá trị tài sản 22,7 ngàn tỷ đồng, tương đương 1,02 tỷ USD. Tuy ông Trịnh Văn Quyết sở hữu gần 2 tỉ USD trên sàn chứng khoán Việt Nam nhưng không được Forbes ghi nhận tỉ phú USD và vẫn đang theo dõi đánh giá số tài sản này. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu thêm thông tin về ông các bạn nhé!
Tiểu sử Trịnh Văn Quyết
Trịnh Văn Quyết sinh ra tại xã Vĩnh Thịnh, Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc trong gia đình công chức nghèo vào ngày 27 tháng 11 năm 1975. Bố là Trịnh Hồng Quý, mẹ là Đỗ Thị Giáp[4]. Ngay từ năm thứ 2 tại Đại học Luật Hà Nội, ông bắt đầu kinh doanh bằng việc mở một trong những văn phòng gia sư đầu tiên ở Hà Nội và sau đó còn kinh doanh điện thoại. Thời điểm đó, công việc giúp ông và các em gái chi trả học phí và đem lại nguồn vốn ban đầu mở văn phòng luật sư SMiC ngay sau khi ra trường
Danh hiệu, khen thưởng cá nhân và doanh nghiệp
– Bằng khen của UBND Thành phố Hà Nội trao tặng SMiC về thành tích trong hoạt động tư pháp năm 2007.
– Cúp vàng “Doanh nhân Văn hóa” do Trung tâm Văn hoá Doanh nhân Việt Nam trao tặng Tổng Giám Đốc SMiC năm 2009.
– Kỷ niệm chương “Bảo vệ Công lý” do Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội trao tặng Tổng Giám đốc SMiC năm 2009.
– Cúp vàng “Doanh nghiệp tiêu biểu của Việt Nam” do Liên Bộ trao tặng SMiC năm 2009.
– Cúp vàng “Lãnh đạo xuất sắc” do Liên Bộ trao tặng Tổng Giám Đốc SMiC năm 2009.
– Danh hiệu “Hãng luật tiêu biểu của năm 2009”, “Luật sư tiêu biểu của năm 2009”.
– Bằng khen của Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội trao tặng SMiC đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động hành nghề và góp phần xây dựng Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội vững mạnh 2010.
– Bằng khen của Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội trao tặng SMiC đã có thành tích trong công tác bổ trợ tư pháp năm 2010.
– Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trao tặng SMiC đã có thành tích trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa Xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
– Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp trao tặng Tổng Giám Đốc SMiC đã có thành tích xuất sắc trong thi hành Luật Luật sư.
– Danh hiệu “Hãng luật tiêu biểu của năm 2012”, “Luật sư tiêu biểu của năm 2012”.
– Top 10 Giải thưởng Sao Đỏ – Doanh nhân trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2014 trao cho ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC và Tổng Giám đốc Công ty Luật SMiC.
– Tập đoàn FLC hai lần được vinh danh tại giải thưởng Sao Vàng Đất Việt vào các năm 2013 và 2015.
– Danh hiệu “Gương sáng tư pháp năm 2015” trao cho Tổng giám đốc Công ty Luật SMiC.
Con đường khởi nghiệp của ông Trịnh Văn Quyết
Ngay từ khi còn là sinh viên Đại học Luật Hà Nội, Trịnh Văn Quyết đã thể hiện khát vọng kinh doanh khi thành lập văn phòng gia sư – một trong những trung tâm gia sư đầu tiên tại Hà Nội với đội ngũ gia sư lên đến cả trăm sinh viên; và sau đó là mở rộng sang lĩnh vực kinh doanh điện thoại.
24 tuổi, Trịnh Văn Quyết tốt nghiệp cùng lúc hai trường Đại học chính quy là Đại học Luật Hà Nội và Học viện Hành chính Quốc gia. Từ chối nhiều lời mời gọi công việc hấp dẫn, anh quyết định mở Công ty Cổ phần Vietnam Trade Corp, kinh doanh trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ.
Chỉ một năm hoạt động chuyên nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ, thương mại, nhận thấy nhu cầu thị trường tư vấn pháp luật về đầu tư và thương mại lớn, anh quyết định thành lập công ty chuyên về tư vấn và giám sát đầu tư, lấy tên là SMiC. Năm 2001, Văn phòng luật SMiC được tách ra từ Công ty SMiC ra đời.
15 năm hoạt động, SMiC ngày nay là một thương hiệu lớn đang vươn tầm hoạt động ra quốc tế, đạt nhiều danh hiệu, giải thưởng và bằng khen của Bộ Tư Pháp, hai lần được vinh danh hãng luật tiêu biểu, là công ty luật hiếm hoi được Thủ tướng tặng bằng khen cho những hoạt động suất sắc trên lĩnh vực tư vấn pháp luật. Cá nhân Luật sư Trịnh Văn Quyết cũng là một trong 5 luật sư hàng đầu Việt Nam được vinh danh “Luật sư tiêu biểu”.
Không chỉ thành công trong việc kiến tạo SMiC trở thành một hãng luật có vị thế cao trong ngành, với việc thành lập và điều hành Tập đoàn FLC, ông Trịnh Văn Quyết còn thành công trong việc phát triển hàng loạt dự án bất động sản lớn, có tính khai phá tiềm năng kinh tế các vùng miền và mang lại hiệu quả cao cho Công ty.
Với các quần thể du lịch nghỉ dưỡng – sân golf FLC Sầm Sơn tại Sầm Sơn, Thanh Hóa và FLC Quy Nhơn tại Quy Nhơn, Bình Định, Tập đoàn FLC đã đồng thời nâng tầm thương hiệu khi trở thành doanh nghiệp có tốc độ thi công nhanh kỷ lục các đại công trình và góp phần đánh thức tiềm năng du lịch các địa phương này. Từ FLC Sầm Sơn, lần đầu tiên Sầm Sơn có du lịch biển 4 mùa; và với FLC Quy Nhơn, cụm từ du lịch Quy Nhơn, Bình Định đã trở nên quen thuộc, lượng du khách tới Bình Định đã tăng trên 30% trong 6 tháng đầu năm 2016.
Sự tăng trưởng thần kỳ của FLC được Forbes nhận xét “là câu chuyện hiếm trong giới đầu tư bất động sản” và cái tên Trịnh Văn Quyết cũng trở thành một hiện tượng, một minh chứng điển hình về sự khác biệt trong kinh doanh của thế hệ doanh nhân mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và dám ước mơ.
Cổ phiếu FLC niêm yết trên Sở GDCK Hà Nội từ tháng 10/2011 và chuyển sang niêm yết tại Sở GDCK TP.HCM từ tháng 8/2013. Với việc niêm yết này, FLC đã góp phần làm tăng sự sôi động của thị trường chứng khoán khi nhiều năm liền là mã cổ phiếu có khối lượng giao dịch bình quân lớn nhất trên Sở GDCK TP.HCM cũng như TTCK Việt Nam.
Tính đến nay (1/9/2016), FLC có vốn chủ sở hữu xấp xỉ 8.000 tỷ đồng trên vốn điều lệ 6.380 tỷ đồng, với trên 5.000 lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và lao động lành nghề.
Năm 2016, FLC Group đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 7.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.200 tỷ đồng.
Ngoài các dự án bất động sản nghỉ dưỡng đã đưa vào hoạt động như FLC Sầm Sơn, FLC Quy Nhơn, FLC Vĩnh Thịnh Resort và hàng loạt dự án bất động sản nhà ở khác tại Hà Nội, Thanh Hóa, Bình Định… FLC còn đang triển khai nhiều dự án khác ở các phân khúc khác nhau của thị trường bất động sản. Đặc điểm chung của các dự án này đều là tốc độ thi công thần tốc, quy mô lớn, tạo được tiếng vang trên thị trường.
Theo đánh giá của Savills, các dự án của Tập đoàn FLC đang đầu tư hiện có giá trị lên tới trên 3 tỷ USD.
Bên cạnh SMiC và FLC, việc sở hữu 41,79% vốn điều lệ của Công ty cổ phần Xây dựng Faros –doanh nghiệp góp phần tạo nên những dự án quy mô lớn với chất lượng cao và thời gian thi công nhanh kỷ lục trong vai trò tổng thầu – là yếu tố giúp Trịnh Văn Quyết trở thành một trong những người giàu nhất Việt Nam trên sàn chứng khoán.
Là nhà thầu lớn, Faros cũng là chủ đầu tư của nhiều dự án bất động sản lớn, sở hữu trên 2.000 ha đất tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, với tổng mức đầu tư hơn 22.000 tỷ đồng.
Cổ phần chứng khoán của Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC
Từ ngày 17 tháng 12 đến 19 tháng 12 năm 2012, ông Trịnh Văn Quyết đã hoàn tất giao dịch bán xong 4,2 triệu cổ phiếu FLC. Tỷ lệ sở hữu của ông tại Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC đã giảm từ 5,44% về mức 0%. Ông sở hữu 98% vốn tại Công ty TNHH Bất động sản SGInvest mà chính ông là Chủ tịch Hội đồng Quản trị, đơn vị này lúc đó nắm gần 62,4% vốn điều lệ FLC, đồng thời vẫn gián tiếp nắm trên 61% vốn tại Tập đoàn FLC.
Theo thông báo từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), mẹ ông Trịnh Văn Quyết là bà Đỗ Thị Giáp đã đăng ký bán toàn bộ 7,52 triệu cổ phiếu FLC của Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC từ 26 tháng 6 tới 23 tháng 7 năm 2013 với mục đích tái cơ cấu danh mục đầu tư.
Ngày 18 tháng 6 đến ngày 28 tháng 6 năm 2013, Công ty TNHH Bất động sản SGInvest mà ông Quyết nắm giữ hầu hết vốn đã bán xong 48,1 triệu cổ phiếu, tương đương 62,4% vốn tại FLC. Như vậy, sau giao dịch, SGInvest không còn nắm cổ phần tại FLC. Ông Trịnh Văn Quyết đã đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu của FLC từ ngày 21 tháng 6 tới 21 tháng 7 năm 2013.
Tính đến quý I/2017, ông Trịnh Văn Quyết với tư cách Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC (FLC), và là cổ đông nắm giữ phần lớn vốn tại Công ty Cổ phần Xây dựng FLC Faros (ROS) nắm giữ hơn 289,55 triệu cổ phiếu ROS (tương đương 67,34% cổ phần Faros) và 114,18 triệu cổ phiếu FLC (17,9% cổ phần FLC). Trong đó, giá trị tài sản tới từ cổ phiếu ROS chiếm tới hơn 98% tổng tài sản của ông trên sàn chứng khoán. Vợ ông là bà Lê Thị Ngọc Diệp cũng sở hữu 20,2 triệu cổ phiếu, tương đương 4,7% vốn điều lệ ROS.
Ngày 27 tháng 12 năm 2017, Công ty Cổ phần Khoa học và Công nghệ AOS có trụ sở tại TPHCM do bà Trịnh Thị Thúy Nga (em gái ông Trịnh Văn Quyết) làm đại diện pháp luật thông báo đã hoàn thành việc mua vào 20 triệu cổ phiếu FLC. Trước đó, AOS đã gửi thông báo tới bộ phận quản lý cổ đông của FLC kế hoạch mua vào 40 triệu cổ phiếu FLC. Nếu hoàn thành kế hoạch này, AOS sẽ trở thành cổ đông lớn thứ hai của FLC (chiếm 6,27% tổng số cổ phần FLC đang lưu hành), chỉ đứng sau Chủ tịch Trịnh Văn Quyết.
Kết thúc ngày giao dịch trên sàn chứng khoán cuối cùng của năm 2017, ông Trịnh Văn Quyết được ghi nhận tổng tài sản 58.851 tỷ đồng, tăng 25.045 tỷ đồng so với năm 2016. Tài sản này đến từ 318,5 triệu cổ phiếu ROS, hơn 135 triệu cổ phiếu FLC và 2,6 triệu cổ phiếu ART. Dù có tài sản trên sàn chứng khoán lên tới 2,5 tỷ USD, ông Quyết vẫn không có tên trong bất kỳ xếp hạng tỷ phú nào của thế giới.
Tập đoàn FLC khởi công Đô thị Đại học quy mô hơn 700ha tại Quảng Ninh
Tham dự buổi lễ có ông Phùng Xuân Nhạ, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; ông Nguyễn Hoàng Anh, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp; ông Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh; ông Trịnh Văn Chiến, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa; ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC cùng các lãnh đạo trung ương, địa phương và đại diện lãnh đạo Tập đoàn FLC.
“Đào tạo toàn diện” theo chất lượng quốc tế
Hoạt động theo mô hình đào tạo tư thục không vì lợi nhuận, Trường Đại học FLC được Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt chủ trương thành lập vào ngày 3/6/2019.
Với tổng vốn đầu tư gần 4.000 tỷ đồng, trường được xây dựng tại Khu đô thị Đại học FLC Quảng Ninh tại phường Hà Lầm và phường Hà Trung, thành phố Hạ Long. Đây là một tổ hợp hoàn chỉnh với diện tích dự kiến hơn 700ha, được kiến tạo để trở thành mô hình đầu tiên đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế, kết nối trực tiếp hệ sinh thái đô thị thông minh, quần thể nghỉ dưỡng cao cấp của Tập đoàn FLC đang hoạt động.
Điểm nhấn độc đáo và khác biệt của mô hình này là lấy trường Đại học FLC làm hạt nhân trung tâm. Các khu nghỉ dưỡng cao cấp, đô thị thông minh, khu thương mại dịch vụ… với các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất, cung ứng dịch vụ sẽ đóng vai trò như những vệ tinh phục vụ cho nhu cầu nghiên cứu, học tập và huấn luyện nghề nghiệp của học viên.
Thông qua sự kết nối chặt chẽ giữa trường học và nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp, mô hình này được kỳ vọng sẽ giải quyết tình trạng “sinh viên ra trường phải đào tạo lại về kỹ năng” đang là một trong những thách thức lớn của giáo dục Việt Nam.
Với định hướng đào tạo đa ngành, trong đó tập trung vào 3 lĩnh vực mũi nhọn là du lịch, hàng không và công nghệ cao trong giai đoạn đầu, Đại học FLC dự kiến quy mô đào tạo 600 sinh viên trong mùa tuyển sinh đầu tiên vào cuối năm 2020, và tăng lên 6.100 sinh viên vào năm 2024, 20.000 sinh viên vào năm 2035.
Đánh giá cao năng lực và kinh nghiệm của Tập đoàn FLC trong việc triển khai nhiều dự án hạ tầng trọng điểm tại Quảng Ninh, ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho rằng một cơ sở giáo dục tiêu chuẩn quốc tế như Trường Đại học FLC sau khi đi vào vận hành sẽ là bước tiến mới cho hoạt động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ của tỉnh Quảng Ninh mà còn của cả đất nước.
“Với ý nghĩa là công trình quan trọng trên địa bàn tỉnh, Quảng Ninh cam kết sẽ tiếp tục đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để dự án được triển khai thực hiện, đi vào hoạt động theo đúng nội dung và tiến độ đặt ra”, ông Thắng nhấn mạnh.
Mô hình đại học tư thục không vì lợi nhuận
Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết Đại học FLC đã có định hướng chuẩn xác khi tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các lĩnh vực, ngành nghề mang tính trọng điểm, là động lực của sự tăng trưởng hiện nay như du lịch, hàng không, công nghệ cao.
“Chúng ta có nhiều trường tư thục nhưng có rất ít trường đáp ứng được về quy mô, chất lượng. Trong khi đó với mô hình đô thị đại học, cần phải tạo ra một hệ sinh thái đủ lớn để sinh viên không chỉ học tập, nghiên cứu mà còn định hướng nghề nghiệp tương lai”, Bộ trưởng nhấn mạnh và cho rằng tỉnh Quảng Ninh cùng Tập đoàn FLC đã thực hiện rất tốt mô hình này khi biến một vùng khai thác than cũ trở thành một đô thị đại học, giáo dục xanh, kết nối với các ngành nghề khác như du lịch, hàng không, có thể nói là một điểm đến văn hoá đặc thù, tiêu biểu của Quảng Ninh.
“Với tầm nhìn là một trung tâm đổi mới sáng tạo, một trung tâm đào tạo tiên tiến theo các chuẩn mực quốc tế, chúng tôi đánh giá cao định hướng của Đại học FLC và sẽ tiếp tục hỗ trợ để trường sớm đi vào hoạt động, trở thành điểm sáng trong các trường đại học của Việt Nam”, Bộ trưởng kỳ vọng.
Bên cạnh ưu điểm vượt trội về phương pháp đào tạo, Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC cho biết, Đại học FLC hoạt động theo mô hình đại học tư thục không vì lợi nhuận.100% lợi nhuận thu được của trường sẽ được tái đầu tư nhằm phát triển hệ thống, nâng cấp cơ sở vật chất, chuyển giao công nghệ cũng như hợp tác quốc tế… Mô hình này chính là sự cam kết của Tập đoàn FLC đối với chiến lược đầu tư lâu dài và bền vững trong lĩnh vực giáo dục.
“Với sự tuyển chọn kỹ lưỡng từ đầu vào cùng phương pháp và chương trình giảng dạy tuân theo các chuẩn mực quốc tế, 100% sinh viên sau khi ra trường sẽ có cơ hội việc làm tốt nhất không chỉ tại hệ sinh thái của Tập đoàn FLC mà còn tại các doanh nghiệp uy tín hàng đầu trong nước và quốc tế”, bà Hương Trần Kiều Dung khẳng định.
Hợp tác quốc tế
Trong khuôn khổ lễ khởi công, nhiều thỏa thuận, ghi nhớ hợp tác về phát triển giáo dục giữa Tập đoàn FLC và các cơ sở đào tạo hàng đầu trong nước và quốc tế đồng thời diễn ra gồm: Nhận văn bản cam kết đầu tư từ Đại học RMIT Australia; Ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện Tư pháp và Đại học West of England, Bristol, Anh – một trong những trường đào tạo đại học và sau đại học uy tín bậc nhất nước Anh.
“FLC là một trong những tập đoàn đa ngành hàng đầu của Việt Nam với sự phát triển vượt trội trong những năm qua. Việc thành lập Đại học FLC có thể xem là bước tiến mạnh mẽ của doanh nghiệp trong lĩnh vực giáo dục. Dự án tiên phong này không những là nền tảng hỗ trợ cho những ưu tiên trong định hướng phát triển của tập đoàn nói riêng, mà đồng thời còn trang bị cho lực lượng lao động trẻ tâm thế sẵn sàng nắm bắt và thực hiện tốt vai trò của họ trong sự phát triển của đất nước”, Giáo sư Ray Priest, Giám Đốc Quan Hệ Quốc Tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương – Đại Học The West of England nhận định và cho hay, Đại học FLC và Đại học West of England sẽ cùng bắt tay để kiến tạo môi trường giáo dục tốt nhất, nơi sinh viên sẽ luôn là trung tâm và được đặt lên hàng đầu.
Trước đó, ngày 28/7, Tập đoàn FLC đã khởi công xây dựng Viện đào tạo hàng không Bamboo Airways tại Bình Định, cơ sở quy mô lớn đầu tiên được triển khai trong chuỗi các cơ sở đào tạo về hàng không mà FLC đang lên kế hoạch đầu tư tại nhiều tỉnh, thành cả nước. Sự kiện Đại học FLC khởi công hôm nay tiếp tục cụ thể hóa chiến lược cũng như quyết tâm đầu tư của Tập đoàn FLC vào một trong những lĩnh vực quan trọng hàng đầu đối với phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Ông Trịnh Văn Quyết hoàn tất việc bán 70 triệu cổ phiếu FLC Faros
Tính theo giá thị trường, số cổ phiếu FLC Faros vừa được Chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Quyết bán ra có giá trị hơn 1.800 tỷ đồng.
Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Xây dựng FLC Faros Trịnh Văn Quyết vừa gửi văn bản tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM báo cáo kết quả giao dịch cổ phiếu.
Ông Quyết cho biết đã hoàn tất việc bán 70 triệu cổ phiếu của FLC Faros với mục đích giảm tỷ lệ sở hữu như đăng ký trước đó. Thời gian thực hiện giao dịch từ ngày 5/9 đến 1/10 theo phương thức thỏa thuận.
Trong khoảng thời gian trên, giá cổ phiếu FLC Faros dao động trong vùng từ 26.200 đồng đến 27.100 đồng. Nếu tính theo giá thị trường, số cổ phiếu ông Trịnh Văn Quyết vừa bán thành công có giá trị hơn 1.800 tỷ đồng.
Sau khi hoàn tất giao dịch, tỷ lệ sở hữu của Chủ tịch Trịnh Văn Quyết tại FLC Faros giảm từ 67,3% xuống 55%. Số cổ phiếu ông Quyết nắm giữ giảm từ 382 triệu xuống 312 triệu.
Khối tài sản ông Quyết sở hữu trên sàn chứng khoán hiện tại có giá trị hơn 8.600 tỷ đồng sau giao dịch bán cổ phiếu. 94% trong số đó đến từ 312 triệu cổ phiếu FLC Faros. Trong khi đó, 150 triệu cổ phiếu của Tập đoàn FLC, nơi ông Quyết cũng đang là Chủ tịch HĐQT đóng góp giá trị hơn 500 tỷ đồng.
Từ đầu năm đến nay, trung bình hơn 9,2 triệu cổ phiếu FLC Faros được sang tay mỗi phiên. Đây chính là cổ phiếu có khối lượng giao dịch nhiều nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.
6 tháng đầu năm, FLC Faros ghi nhận doanh thu 2.335 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế lại giảm 12% từ 78 tỷ xuống còn 68 tỷ. So với kế hoạch của cả năm 2019, FLC Faros đã hoàn thành 58% chỉ tiêu doanh thu và 21% chỉ tiêu lãi ròng sau nửa chặng đường.
Tiếp bước Vingroup, đại gia bất động sản FLC của tỷ phú Trịnh Văn Quyết bất ngờ nhảy sang lĩnh vực công nghệ
Nguồn tin của ICTnews cho hay FLC bắt đầu lấn sân sang lĩnh vực công nghệ bằng việc bất ngờ chuyển sang làm nền tảng điện toán đám mây. FLC chưa công bố thông tin về chiến lược này nhưng đây là con đường không quá bất ngờ khi mà Cách mạng 4.0 đang lên ngôi.
Nguồn tin của ICTnews cho hay, tập đoàn bất động sản FLC đang xây dựng nền tảng điện toán đám mây. Trả lời ICTnews trước thông tin này sáng ngày 31/10/2019, đại diện truyền thông của FLC cho biết sẽ sớm thông tin về vấn đề này.
Mới đây, FLC và Samsung Vina đã ký kết hợp tác chiến lược toàn diện với nhiều nội dung quan trọng trong việc khai thác, tối ưu hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ của cả hai bên.
Ông Suh Kyung Wook, Tổng Giám đốc Công ty Điện tử Samsung Vina cho biết: “Samsung là tập đoàn điện tử toàn cầu tiên phong trong việc cung cấp các giải pháp cũng như công nghệ thông minh ứng dụng vào cuộc sống.
Chúng tôi tin rằng, với thỏa thuận hợp tác chiến lược này, Samsung và FLC sẽ cùng sát vai nhau để kiến tạo nên những dự án bất động sản ý nghĩa cho tương lai, nhằm nâng tầm trải nghiệm của người dùng Việt Nam”.
Những năm gần đây, FLC đã tạo được những dấu ấn lớn trên thị trường qua việc đưa vào vận hành thành công hệ thống quần thể nghỉ dưỡng tiêu chuẩn quốc tế trên nhiều tỉnh, thành cả nước.
Đồng thời, thương hiệu Bamboo Airways đã đã trở thành một hiện tượng của ngành hàng không Việt Nam, với tỷ lệ bay đúng giờ cao nhất toàn ngành, và cũng là hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam định hướng dịch vụ theo chuẩn 5 sao quốc tế.
FLC đang đặt mục tiêu xây dựng một “hệ sinh thái” hoàn chỉnh, với những sản phẩm, dịch vụ đa dạng, phục vụ nhu cầu của cộng đồng và xã hội.
Giới phân tích cho rằng, việc FLC nhảy vào lĩnh vực công nghệ là con đường không quá bất ngờ bởi ngành bất động sản, khách sạn nghỉ dưỡng đang ứng dụng mạnh mẽ công nghệ 4.0.
Rất nhiều hệ thống bán phòng đại lý thông minh… dành cho khách sạn, resort chạy trên nền tảng điện toán đám mây.
Áp lực cạnh tranh hiện nay đòi hỏi các tập đoàn bất động sản nghỉ dưỡng phải mạnh mẽ trong việc chuyển đổi số. Trước đó Vingroup tập đoàn hoạt động rất mạnh về bất động sản cũng đã tuyên bố trở thành doanh nghiệp công nghệ.
Theo ông Nguyễn Khải Hoàn, Phó Tổng Giám đốc FPT Software, Việt Nam đang ở trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ và có rất nhiều cơ hội và các xu hướng công nghệ như công nghệ AI, blockchain và tự động hóa.
Đón Boeing 787-9 Dreamliner, Bamboo Airways đã chuẩn bị những gì?
“Việc nhận được chứng chỉ AOC trong quý IV/2019 sẽ là lực đẩy lớn giúp Bamboo Airways sớm đưa vào khai thác hiệu quả dòng máy bay thân rộng”, lãnh đạo Bamboo Airways cho biết.
“Định hướng chuẩn hóa”, “tập trung vào dòng máy bay thân rộng Boeing B787-9 Dreamliner và dòng máy bay thân hẹp Airbus A321” là những nội dung liên tục được Bamboo Airways nhấn mạnh liên quan tới kế hoạch phát triển đội bay. Tháng 8 vừa qua, quy mô của đội bay hãng này vừa được Chính phủ phê duyệt cho phép tăng lên số lượng 30.
Bamboo Airways cho biết, trước khi nhận máy bay thân rộng từ Boeing bàn giao vào quý IV/2020, hãng sẽ thuê và đưa vào khai thác Boeing 787-9 Dreamliner ngay trong quý IV/2019 để phục vụ hoạt động.
Việc một hãng hàng không tư nhân đưa vào khai thác một trong những dòng máy bay thân rộng tân tiến nhất thế giới ngay trong năm đầu hoạt động được xem là tốc độ mở rộng khá nhanh, thậm chí được gắn mác “tham vọng” bởi một số ý kiến.
Trên thực tế, sau khi nhận chiếc Boeing 787-9 Dreamliner đầu tiên vào cuối năm nay như đề ra, Bamboo Airways sẽ trở thành hãng hàng không tư nhân đầu tiên tại Việt Nam khai thác dòng máy bay thân rộng.
Vậy hãng hàng không đang thu hút sự chú ý nhiều nhất trên thị trường hàng không Việt Nam hiện nay đã và đang chuẩn bị những gì cho cuộc chơi lớn này?
Tại sao lại là Boeing 787-9?
Trong 8 tháng bay thương mại, dòng máy bay nổi bật trong đội hình của Bamboo Airways là mẫu thân hẹp đời mới A321 NEO của Airbus, tập trung khai thác ở đường bay chặng ngắn nội địa và khu vực.
Tuy nhiên về dài hạn, Boeing 787-9 mới giữ vai trò chủ lực trong hoạt động khai thác của Bamboo Airways, ông Nguyễn Ngọc Trọng – Phó Tổng Giám đốc Bamboo Airways cho biết.
“Dòng máy bay này đáp ứng lý tưởng các yêu cầu về dịch vụ định hướng 5 sao mà Bamboo Airways đề ra, đồng thời phù hợp hơn cho các chặng bay đường dài mà chúng tôi đang xây dựng, bao gồm cả các đường bay vượt châu lục”, ông nói.
Boeing 787-9 hiện là dòng máy bay tiết kiệm nhiên liệu bậc nhất hiện nay, nhiều công nghệ mới đã được áp dụng để làm giảm tối đa trọng lượng của tàu bay cũng như giảm tần suất bảo dưỡng. So với các máy bay cùng chủng loại, Boeing 787-9 tiêu hao ít hơn 20% về chi phí nhiên liệu và ít hơn từ 30-40% chi phí bảo dưỡng.
Cabin của máy bay Boeing 787-9 được thiết kế tạo sự tiện nghi tối đa cho hành khách với không gian rộng rãi hơn, hệ thống chiếu sáng sử dụng công nghệ đèn LED, độ ẩm và áp suất trong cabin được giữ tương đương với áp suất ở độ cao 1,8km, giúp giảm bớt mệt mỏi cho các hành khách trên các chuyến bay dài. Ghế ngồi hành khách được thiết kế rộng rãi với độ ngả thoải mái hơn. Ghế hạng thương gia có chế độ giường nằm ngả 180 độ.
Đây là những yếu tố cấu thành nên danh xưng “khách sạn 5 sao di động” của Boeing 787.
Đội ngũ phi công
Bên cạnh việc mang lại cơ hội mới để tăng sự hiện diện trên bầu trời, vốn đang dần trở nên chật chội trước những hãng bay hiện có và các đơn vị đang trong giai đoạn trứng nước, Boeing 787-9 cũng đặt ra bài toán khá phức tạp về khả năng nhân lực và kỹ thuật cho bất cứ hãng hàng không nào.
Vấn đề đầu tiên, và cũng từng là chủ đề nóng thổi lên các luồng tranh luận trên nhiều diễn đàn, là đội ngũ phi công.
Để đào tạo phi công lái chính các dòng máy bay thân hẹp như Airbus A321 NEO, cần ít nhất 3 – 4 năm, và con số này tăng tới lên gấp đôi, kéo dài 8 -10 năm đối với phi công lái máy bay thân rộng như Boeing 787-9.
Phi công máy bay A321 lên lái chính được Boeing 787 phải tích lũy 3.000-5.000 giờ bay. Đây là lý do những nhân sự này luôn được xem là tài sản quý của các hãng hàng không, cả tại Việt Nam và trong khu vực.
Liên quan đến vấn đề này, ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Bamboo Airways – từng cho hay, hãng hiện có khoảng 300 phi công, tức vẫn đang “dư” gần 200 phi công với số máy bay hiện có, nên đã sẵn sàng chờ đón các máy bay sắp được bổ sung.
Thông tin sâu hơn, bà Hồ Thị Thu Trang – Giám đốc Nhân sự Bamboo Airways cho biết, các công tác chuẩn bị liên quan đến đội ngũ phi công lái máy bay thân rộng đã được hoàn thiện. Toàn bộ nhóm gần 50 cơ trưởng này đều đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe về mặt tuyển chọn như: kinh nghiệm giờ bay ít nhất 1.500 tiếng đối với máy bay thân rộng của Boeing, và 500 giờ bay đối với mẫu Boeing 787.
Trả lời về nguồn phi công, bà Trang cho biết phần lớn đến từ nước ngoài, là kết quả của sự hợp tác giữa Bamboo Airways với trên 10 đơn vị đối tác cung ứng nguồn nhân lực quốc tế uy tín như Brookfield, Flight Crew International, Rishworth, Paramount, Jetwork, Wings, Apas,…
Trước đó, ông Eddy Doyle, Phó Tổng giám đốc Bamboo Airways từng cho biết, các tiêu chí tuyển dụng phi công khắt khe của hãng khiến có giai đoạn cứ 10 ứng viên thì chỉ chọn được 1 người. “Tuyển dụng phi công không đơn giản là lấp đầy các chỗ trống, mà là tìm được “đúng người”. Họ là người chịu trách nhiệm sự an toàn của hàng trăm hành khách, nên buộc phải là những phi công chuyên nghiệp nhất”, ông nêu quan điểm.
Song song với tuyển dụng, Bamboo Airways cũng đang chuẩn bị phương án tự chủ về nguồn phi công thông qua việc xây dựng chương trình tuyển dụng phi công tập sự cho Viện đào tạo hàng không Bamboo Airways và Học viện hàng không Bamboo Airways, dự kiến sẽ được triển khai trong tháng 10/2019.
Trong đó, Học viện Hàng không Bamboo Airways đã được cấp Chứng nhận Tổ chức huấn luyện hàng không (ATO) từ Cục Hàng không Việt Nam, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn lực nhân sự chất lượng cao theo tiêu chuẩn của Cục Hàng không Việt Nam và thế giới.
Lực đẩy lớn
Về mặt kỹ thuật và hạ tầng, Bamboo Airways cho biết các công tác liên quan đến đầu tư mua sắm thiết bị, khí tài phần cứng và phần mềm đã được hoàn thiện.
Đội ngũ nhân lực với các chứng chỉ bắt buộc như đào tạo cơ bản bảo dưỡng máy bay chuyên ngành cơ giới và bộ môn (điện, điện tử); chứng chỉ ủy quyền liên quan như CRS level A, CRS level B1/B2, Engine Run-Up của Boeing 787-9… cả về số lượng và xếp loại đều đã đầy đủ.
Liên quan đến công tác xây dựng tài liệu quy trình các bộ phận, Bamboo Airways đang được sự hỗ trợ lớn từ Boeing và các đối tác sẵn có.
“Hiện các bộ phận nòng cốt đã được tập huấn và trang bị đầy đủ kiến thức, chứng chỉ liên quan để làm chủ Boeing 787. Các công đoạn kỹ thuật đang được rốt ráo hoàn thiện để sớm đệ trình cơ quan chức năng kiểm chứng ngay sau khi tiếp nhận máy bay, theo tiêu chí đảm bảo đúng các quy định của Cục Hàng không, của ICAO, châu Âu và nhà chức trách Hoa Kỳ. Việc nhận được chứng chỉ AOC trong quý IV/2019 sẽ là lực đẩy lớn giúp Bamboo Airways sớm đưa vào khai thác hiệu quả dòng máy bay thân rộng này”, ông Nguyễn Ngọc Trọng nhấn mạnh.
Vị Phó Tổng Giám đốc cho biết thêm, ngay từ đầu, Bamboo Airways đã xây dựng và đệ trình xin phê duyệt lộ trình điều động nguồn lực để phục vụ kế hoạch vận hành 40 máy bay ngay từ tháng 6/2019, tuy nhiên với số lượng máy bay được thông qua là 30 máy bay vào tháng 9/2019, thì bộ máy hiện tại đang dư năng lực để thực hiện kế hoạch đề ra.
Bloomberg: Bamboo kỳ vọng niêm yết đầu năm 2020, vốn hóa lên đến 1 tỷ USD
Theo tin từ Bloomberg, Hãng hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) dự kiến sẽ niêm yết ngay trong quý đầu tiên của năm tới. Vốn hóa kỳ vọng lên đến 1 tỷ USD khi lên sàn.
Cũng theo Bloomberg, hãng hàng không non trẻ này sẽ niêm yết tổng cộng khoảng 400 triệu cổ phiếu trên sàn HoSE hoặc sàn Hà Nội. Thông tin này cũng đã được ông Nguyễn Khắc Hải xác nhận với Bloomberg qua phỏng vấn điện thoại.
Bamboo Airways cũng kỳ vọng giá IPO khoảng 50-60.000 đồng/cổ phiếu tương ứng khoảng 2,59USD/cổ phiếu.
Ngay khi Bloomberg đưa tin sáng nay, cổ phiếu FLC của Tập đoàn FLC-đơn vị sở hữu 100% vốn của hãng hàng không Bamboo Airways đã tăng trần sau chuỗi ngày giảm sâu. Tính đến 9h50′, cổ phiếu FLC đạt dư mua trần hơn 2 triệu đơn vị.
Trước đó, cũng theo Bloomberg, hãng hàng không Bamboo Airways kỳ vọng sẽ huy động được khoảng 100 triệu USD từ vụ IPO dự kiến sẽ diễn ra vào năm tới để phục vụ cho tham vọng mở rộng mạnh mẽ ở Việt Nam, một trong những thị trường hàng không tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
“Số vốn thu được sẽ giúp chúng tôi mở rộng đội bay với mong muốn chiếm lĩnh 30% thị phần nội địa vào năm 2020”, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch của Bamboo Airways từng trao đổi với phóng viên Bloomberg qua điện thoại. Ông cũng cho biết hiện hãng đang nắm khoảng hơn 10% thị phần.
Tầng lớp trung lưu ngày càng lớn mạnh trong bối cảnh nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 7% đang giúp tăng thu nhập của người tiêu dùng Việt Nam có thêm thu nhập để có thể di chuyển bằng máy bay nhiều hơn. Theo Cục Hàng không Việt Nam, năm 2018 các sân bay trong nước đón tiếp 106 triệu hành khách, tăng 13% so với năm trước.
Bamboo Airways hiện vận hành 10 tàu bay trên 25 đường bay cả nội địa và quốc tế. Tháng 8 vừa qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký vào quyết định cho phép Bamboo đến năm 2023 có thể tăng đội bay lên 30 máy bay. Đội bay gồm cả máy bay thân rộng và thân hẹp.