Với việc nắm giữ hàng chục thương hiệu nổi tiếng, Bernard Arnault hiện là một trong những tỷ phú hàng đầu thế giới với khối tài sản kếch xù lên tới 41 tỷ USD và là một trong những công dân Pháp hiếm hoi có tầm ảnh hưởng lớn nhất trên toàn cầu.
Nhờ tháo vát và nhanh nhẹn với sách lược kinh doanh hiếm có, Bernard Arnault nắm giữ những thương hiệu đắt giá nhất nhì thế giới như mỹ phẩm Dior, đồ da Louis Vuitton, đồng hồ Tag Heuer đến champagne Moet Chandon, cognac Hennessy…
Thiên tài nhạy cảm với ngành công nghiệp xa xỉ, Bernard Arnault hứng thú với công việc kinh doanh khi còn nhỏ. Từ lúc lên 7, Arnault đã được ông nội dẫn đi tham quan các công trình xây dựng của gia đình – công ty xây dựng Ferret-Savinel. Được tiếp xúc với môi trường kinh doanh từ sớm đã tạo cho ông niềm đam mê và sự nhạy cảm với kinh doanh.
Sau khi tốt nghiệp bằng kỹ sư tại ngôi trường danh tiếng Ecole Polytechnique nước Pháp, ông theo cha quản lý công ty của gia đình ở tuổi 25. Đầu thập niên 1980, ông bỏ ra 3 năm trời để phát triển một chi nhánh bất động sản tại Florida. Mặc dù nỗ lực này không thành công, nhưng Arnault đã học được cách tiếp quản và điều hành doanh nghiệp kiểu Mỹ.
Vào năm 1984, khi Chính phủ Pháp tìm kiếm người mua lại Boussac, công ty sản xuất tã giấy và dệt đã bị phá sản, Arnault nhận thấy ngay đó là một cơ hội vàng. Boussac không có giá trị, điều mà ông thèm muốn là nhãn hàng thời trang và trang sức Christian Dior mà Boussac sở hữu. Arnault bỏ ra 15 triệu USD tiền túi và thuyết phục được hãng đầu tư của Pháp Lazard Frères rót thêm 80 triệu USD để tài trợ cho vụ thâu tóm Boussac.
Tiếp đó, ông dùng 400 triệu USD thu được từ việc bán các tài sản của Boussac, cùng với số vốn vay từ Lazard để thực hiện mục tiêu tiếp theo – thâu tóm cổ phiếu của LVMH (Louis Vuitton Moet Hennessy).
Lợi dụng lúc nội bộ lãnh đạo LVMH tranh giành quyền lực, ông đã đứng về phía Henri Racamier, Chủ tịch Louis Vuitton và mượn tay ông này loại bỏ Alain Chevalier, đứng đầu Moet-Hennessy. Sau đó, ông thông qua hàng loạt vụ tranh chấp tại tòa án để sửa đổi luật pháp địa phương nhằm mở đường thâu tóm LVMH. Cuối cùng, Arnault thâu tóm LVMH vào năm 1990. Làm giàu từ một ý tưởng kinh doanh táo bạo và ít người mơ đến: LVMH từ khi thuộc về tay Bernard Arnault chỉ làm mỗi một việc “chuyên phục vụ người giàu”. Sự “nhặt nhạnh” nghe qua có vẻ hoang đường đó đã làm nên kì tích đáng ngưỡng mộ, đưa Bernard Arnault trở thành người giàu nhất nước Pháp.
Quá trình nuốt chửng LVMH của Arnault được xem là một trong những thương vụ thâu tóm cam go nhất trong lịch sử doanh nghiệp Pháp và khiến cho Arnault trở nên nổi tiếng vì sự tàn khốc và không khoan nhượng của mình. Giới kinh doanh càng kính sợ ông sau hàng loạt vụ sa thải các nhà điều hành cấp cao tại LVMH, kể từ khi ông lên nắm quyền.
Sau khi tiếp quản LVMH, Arnault tạo dấu ấn với lối thiết kế sáng tạo, phá cách, trái với hình ảnh già cỗi và vô vị của 20 năm về trước. Tham vọng của Arnault là đưa LVMH trở thành một trong những tập đoàn xa xỉ lớn nhất thế giới, ngang tầm với hai tên tuổi trong lĩnh vực là Richemont (Thụy Sĩ) và Kering (Pháp).
Chỉ trong 11 năm, trị giá thị trường của LVMH đã tăng lên ít nhất 15 lần, cả doanh thu và lợi nhuận tăng lên 500%. Nguyên lý của ông là các thương hiệu thuộc tập toàn khi được mua về sẽ vẫn hoạt động như những công ty độc lập, theo văn hoá và bản sắc lịch sử riêng.
Vai trò của tập toàn là hỗ trợ những lợi ích chung cho các thương hiệu. Cách làm này giúp cho sức sống của các thương hiệu thuộc LVMH phát triển bền vững và giữ được truyền thống trong bối cảnh kinh tế nhiều biến động.
LVMH tiếp tục thâu tóm thêm Celine (năm 1988), Berluti và Kenzo (năm 1993), Guerlain (năm 1994), Marc Jacobs và Sephora (năm 1997), Emilio Pucci (năm 2000), Fendi, DKNY (năm 2001), 17% của Hermes (năm 2010) và gần đây nhất là toàn bộ nhà mốt Christian Dior (tháng 4/2017).
Những năm gần đây LVMH vẫn tiếp tục thâu tóm thêm các thương hiệu khác, trong cả lĩnh vực đồng hồ xa xỉ như: Zenith, Tag Heuer và Hublot. Arnault được biết đến là một CEO khốc liệt, sẵn sàng sa thải các nhân sự cao cấp. Giống với Amancio Ortega, tỷ phú Bernard Arnault cũng kinh doanh trong lĩnh vực thời trang, có điều những thương hiệu do ông sở hữu nằm ở phân khúc cao cấp hơn. Trong năm nay, doanh nhân người Pháp đã bước sang tuổi 69 và sở hữu khối tài sản ước tính vào khoảng 84,8 tỷ USD, theo thống kê của Forbes.
Nhờ LVMH – tập đoàn kinh doanh đa ngành do Arnault làm Chủ tịch kiêm CEO – đạt được doanh thu kỷ lục hồi năm ngoái mà Arnault đã có thể soán ngôi của ông chủ Zara trong bảng xếp hạng năm nay. Đáng nói là vào năm 2017, người đàn ông 69 tuổi này thậm chí không có tên trong top 10 người giàu nhất thế giới do Forbes công bố. Được biết, LVMH là tập đoàn quy tụ hơn 70 thương hiệu xa xỉ nhất thế giới trong lĩnh vực thời trang, với doanh thu tăng trưởng 10% trong quý đầu năm nay.
Theo Forbes, tài sản của Arnault đã tăng 30,5 tỷ USD nhờ thương vụ chính thức mua lại Christian Dior với giá 13,1 tỷ USD vào tháng 4 năm ngoái. Nhờ đó, cổ phiếu của Dior cũng tăng 52%. LVMH là một thế lực lớn trong ngành thời trang khi nó sở hữu nhiều thương hiệu nổi tiếng như Louis Vuitton, Fendi, Céline, Christian Dior, Givenchy, Marc Jacobs… Tập đoàn này cũng đứng sau những thương hiệu mỹ phẩm và nước hoa có tiếng, trong đó có Fenty Beauty by Rihanna của nữ ca sĩ nổi tiếng Rihanna mới ra mắt năm ngoái.
Ngoài ra, tập đoàn này còn có nhiều công ty hoạt động trong những lĩnh vực khác, như chuỗi bán lẻ Sephora hay các thương hiệu đồng hồ và đồ trang sức Tag Heuer, Bvlgari và các thương hiệu rượu. Có thể nói, một trong những sức mạnh lớn nhất của LVMH là Louis Vuitton. Theo Bloomberg, nhãn hàng này có doanh số vượt kỳ vọng trong quý đầu năm nay, với tăng trưởng sức mua chủ yếu đến từ thị trường Trung Quốc. Louis Vuitton đã gây chú ý với show diễn ở bảo tàng Louvre khi bổ nhiệm giám đốc nghệ thuật người Mỹ gốc Phi đầu tiên là nhà thiết kế nổi tiếng Virgil Abloh và chọn Kanye West làm giám đốc sáng tạo cho mảng thời trang nam.