Lắng nghe là hành vi nghe chăm chú, hay là quá trình tập trung chú ý để giải mã sóng âm thanh thành ngữ nghĩa. Lắng nghe tốt giúp người nghe thu thập được lượng thông tin nhiều nhất, đồng cảm được với người nghe từ đó giải quyết vấn đề một cách chính xác nhất mở rộng được nhiều mối quan hệ cho riêng mình…
1. Kỹ năng lắng nghe để thu thập thông tin
Hiểu và lưu giữ thông tin của người truyền đạt. Khi muốn thu thập thông tin có thể tiến hành theo 2 cách sau:
- Bí mật về mục đích thu thập thông tin của mình. Cách này làm cho đối tượng không đề phòng nên dễ dàng nói thông tin mật. Muốn làm được vậy thì phải dấu được cảm xúc, dấu mục đích, gợi mở thông tin vô tình vào luồng thông tin cần khai thác.
- Nêu thẳng nhu cầu muốn có thông tin và nhờ đối tượng đối thoại giúp đỡ. Cách này thường dùng trong phỏng vấn. Khi nêu vấn đề cần thông tin ở đối tượng ta phải thể hiện và việc sử dụng thông tin đấy để làm gì, giúp đối tượng yên tâm nói ra và cần đặt câu hỏi phù hợp với tâm trạng, tâm lý, sở thích để thuyết phục đối tượng.
2 Kỹ năng lắng nghe để giải quyết vấn đề
Hiểu và đánh giá ý nghĩa thông tin của người truyền đạt ở nhiều mức độ khác nhau. Khám phá quan điểm của diễn giả. Kỹ năng này đồi hỏi phải hiểu rõ vấn đề cần giải quyết là vấn đề gì? Cách này có ba cấp độ:
- Vấn đề đối tượng phản ứng mạnh mẽ. Đây là vấn đề khó và dễ bị từ chối khi giao tiếp, vì thế phải chú ý lắng nghe cùng với những lời cảm ơn, xin lỗi, rút kinh nghiệm, mong bỏ qua,… với nét mặt thiện chí và ánh mắt cảm động mong chờ sự tha thứ từ đối tượng.
Muốn làm được như vậy cần phải kiềm chế khi phải nghe những câu xúc phạm. Nghe được câu nói khó nghe là người có nội lực thính giác rất cao, có nội tâm mạnh.
- Khi đối tượng chưa có chứng kiến rõ ràng thì lời nói thường là “vòng vo”, vì thế phải kiên nhẫn ngồi nghe một cách chăm chú, chờ cơ hội để xin được giải thích những gì đối tượng hiểu không đúng. Nghe chăm chú và chờ đợi là một nghệ thuật của kỹ năng lắng nghe.
Luôn tôn trọng ý kiến của đối tượng và từ từ đưa ý kiến của mình để tiếp cận tư duy của đối tượng một cách thuyết phục.
- Những vấn đề được đối tượng ủng hộ, chấp nhận thì đấy là sự thuận lợi, vì thế cần nghe và gợi mở cho đối tượng giãi bày tâm sự. Nghe để cổ vũ đối tượng nói là sự thông minh của người nghe.
3. Kỹ năng lắng nghe thấu cảm
Thấu là xuyên qua, biết nhiều, biết rõ; cảm là cảm nhận, cảm thụ, cảm thấy, có nghĩa “thấu hiểu và cảm thông một cách sâu sắc”. Thấu cảm là khả năng hiểu được thân chủ đang nghĩ gì, nói gì - hiểu như chính họ hiểu - đặt mình vào vị trí và hoàn cảnh của họ, đi vào thế giới của họ và truyền đạt lại cho họ là mình đang hiểu họ và họ đang được hiểu, quan điểm của họ đang được chú ý và chấp nhận.
Người lắng nghe thấu cảm là giữ cho đối tượng thoải mái và không rơi vào trạng thái đề phòng. Để làm được điều này, chúng ta cần tránh hỏi thẳng, tranh luận với họ hoặc tranh cãi về vấn đề. Những điều đó hãy để sau, điều quan trọng trước mắt là tập trung tuyệt đối về câu chuyện và cảm nhận của người kể.
Hiểu được những cảm giác, nhu cầu, mong muốn của người nói để có thể hiểu được quan điểm của họ. Giúp cá nhân người nói bộc bạch cảm xúc.
Đa số chúng ta lắng nghe không phải là để thấu hiểu người khác mà là đối đáp. Người ta thường thông qua mô thức của mình để gạn lọc những điều nghe và thói quen “suy bụng ta ra bụng người” để phán xét cuộc sống của người khác.
Một ông bố nọ có lần tâm sự với tôi: “Tôi không thể hiểu được thằng nhóc nhà tôi. Nó chẳng chịu nghe tôi gì cả”.
“Tôi xin nhắc lại, anh không hiểu được con trai anh vì nó không chịu nghe anh?”
“Tôi nghĩ rằng muốn hiểu ai, trước hết anh cần phải lắng nghe người đó”.
Trường hợp này cũng đúng với nhiều người trong chúng ta. Trong tâm trí mỗi người đều đầy ắp những điều mình tự cho là đúng. Nên các cuộc đối thoại đều biến thành độc thoại và chúng ta sẽ không bao giờ thực sự hiểu được điều gì đang diễn ra trong đầu người khác.
Chúng ta thường “lắng nghe” người khác nói với một trong bốn thái độ sau:
Làm ngơ – thái độ này khó có thể gọi là lắng nghe.
Giả vờ lắng nghe – có thể buông những lời cam thán như: vâng, à há, hay đấy xen vào câu chuyện của người khác nhưng thực ra không hề chú tâm.
Lắng nghe chọn lọc – tức chỉ nghe một phần của cuộc đối thoại.
Chăm chú lắng nghe – là tập trung hoàn toàn vào những lời người khác đang nói.
Tuy nhiên, rất ít người trong chúng ta biết cách lắng nghe với mức độ thứ 5 – mức độ cao nhất của sự lắng nghe - lắng nghe và thấu hiểu.
Lắng nghe và thấu hiểu không phải là một xảo thuật để lấy lòng người khác, cũng không phải kiểu lắng nghe “có suy nghĩ”. Lắng nghe “có suy nghĩ” nghĩa là bạn lắng nghe với ý định đối đáp, để kiếm soát, để điều khiển người khác. Còn lắng nghe và thấu hiểu là mô thức hoàn toàn khác, đó là lắng nghe với mục đích trước hết là để thực sự hiểu được đối phương.
Lắng nghe và thấu hiểu là đi vào bên trong khung tham chiếu của người khác. Bạn nhìn sự việc thông qua họ theo cách của họ, để hiểu được mô thức,và cảm nghĩ của họ.
Bản chất của lắng nghe thấu hiểu không phải ở chỗ bạn đồng ý với người khác, mà là hiểu đầy đủ, sâu sắc về người đó, cả tình cảm cũng như suy nghĩ của họ. “Ai cũng lắng nghe điều bạn phải nói. Bạn bè lắng nghe điều bạn nói. Bạn thân lắng nghe điều bạn không nói”
Lắng nghe và thấu hiểu không chỉ dừng lại ở sự ghi nhận, suy tư hay hiểu rõ những gì được nghe. Theo tính toán của các chuyên gia về giao tiếp, trong thực tế, chỉ có 10% giao tiếp của chúng ta thông qua lời nói, 30% được thể hiện qua âm thanh và 60% qua ngôn ngữ cử chỉ điệu bộ. Khi lắng nghe thấu hiểu, bạn không chỉ nghe bằng tai, mà quan trọng hơn, bạn còn nghe bằng mắt và cả con tim. Bạn lắng nghe để cảm nhận, để giải nghĩa, để hiểu hành vi của người khác.
Công ty bảo hiểm Prudential của Anh thật thông minh khi họ đưa ra tiêu chí “luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu”. Rõ ràng, họ đã ý thức được con đường nhanh nhất và chính xác nhất đưa tới sự thấu hiểu đó là lắng nghe.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng phát hiện ra nghệ thuật lắng nghe này nên đã viết “im lặng thở dài tôi đang lắng nghe”. Khi nghe một bản tình ca, nếu ta nhắm mắt lại để thưởng thức thì ta sẽ dễ dàng đón nhận toàn bộ cảm xúc của người thể hiện và cả linh hồn của bản nhạc.
Cho nên phải lắng nghe và thấu hiểu chính mình ta mới lắng nghe và thấu hiểu được người khác. Vậy ta hãy thường xuyên tìm cho mình một không gian tĩnh lặng lắng nghe từng cảm xúc nhớ nhung hay khao khát, từng ý niệm giận hờn hay ganh ghét, những quyết định sai lầm hay những lần tự mãn, và ngay cả khi tâm tư hoàn toàn vắng lặng, để ta nhận ra thái độ sống của mình. Chỉ cần im lặng lắng nghe mà đừng vội can thiệp hay phán xét, để ta hiểu hết những ngõ ngách sâu kín trong tâm hồn. Càng biết lắng nghe chính mình trong mọi lúc mọi nơi, dù ở một mình hay khi tiếp xúc với người khác, thì ta sẽ dần cách ly sự ràng buộc và điều khiển của hoàn cảnh, và ta sẽ có nhiều cơ hội để làm chủ được cuộc đời mình.
Lắng nghe thấu hiểu có sức mạnh lớn lao vì nó đem lại những dữ liệu chính xác để bạn sử dụng. Thay vì dựa vào chủ quan của mình để nhìn nhận, lý giải những suy nghĩ, tình cảm động cơ và hành vi của người khác, bạn sẽ dựa vào thực tế khách quan. Và quan trọng hơn nữa là hành động lắng nghe thấu hiểu của bạn phải được đối tác thừa nhận. Nếu không, dù bạn có cố gắng đến đâu để tạo ra “khoản gửi”, nó cũng biến thành “khoản chi”. Đối tác còn có thể xem những cố gắng của bạn chỉ là thủ đoạn lôi kéo, nhằm phục vụ cho mục đích riêng, hoặc để gây sức ép, vì bạn không hiểu được điều quan trọng đối với họ là gì.
Lắng nghe thấu hiểu tự thân nó là một “khoản gửi” rất lớn vào tài khoản tình cảm. Nó có tác dụng biến chuyển tinh thần theo hướng tích cực vì mang đến cho con người một “bầu không khí tâm lý” thoải mái.
Khi lắng nghe thấu hiểu người khác, bạn sẽ cho người đó một bầu không khí tâm lý trong lành. Rồi sau đó, bạn mới có thể tập trung vào việc gây ảnh hưởng hoặc giải quyết vấn đề tồn tại. Bầu không khí giao tiếp thân mật và chân thành có tác dụng rất lớn đến sự thành công trong mọi lĩnh vực cuộc sống.
Cố gắng thấu hiểu người khác là một nguyên tắc đúng đắn đã được minh chứng trong lĩnh vực của cuộc sống. Ralph Ellison nói rằng: “Tôi có thể tránh được nhiều sứt mẻ với người khác nếu tôi hiểu được họ”. Hiểu người khác nó là một nguyên tắc phổ biến, là mẫu số chung, và có sức mạnh lớn nhất trong mối quan hệ giữa người với người.
Do thường lắng nghe người khác một cách chủ quan nên chúng ta sẽ có xu hướng phản ứng lại như là phản xạ theo bốn kiểu sau:
- Đánh giá – đồng ý hoặc không đồng ý;
- Thăm dò – đặt câu hỏi xuất phát từ khung tham chiếu của chính chúng ta;
- Khuyên bảo – đưa ra lời khuyên dựa vào kinh nghiệm của mình;
- Lý giải – tìm cách lý giải động cơ và hành vi của người khác theo kiểu “suy bụng ta ra bụng người”.
Lắng nghe thấu hiểu phải có thời gian, nhưng sẽ không mất nhiều thời gian bỏ ra để khắc phục và sửa chữa những sai lầm. Thật khó để chung sống với những vấn đề chưa được nói ra và giải quyết, cũng như với những hậu quả tai hại mà bầu không khí giao tiếp căng thẳng tù túng gây ra.
Một người sáng suốt biết lắng nghe thấu hiểu sẽ đọc được ý nghĩ của người khác một cách nhanh chóng. Khi biểu lộ sự chấp nhận ý kiến, quan điểm của mình.
Khi biết lắng nghe người khác, bạn sẽ thấy có sự khác biệt lớn trong nhận thức của bạn. Bạn cũng sẽ hiểu và nhận thức tác động của những khác biệt này khi người ta nỗ lực làm việc với nhau trong những tình huống có tính tương thuộc. Người đó thích hỏi ý kiến của bạn hay thích bày tỏ quan điểm của mình hơn? Người đó hay trò chuyện về công việc hay mối quan hệ hơn?
Trước tiên, hãy cố gắng lắng nghe và thấu hiểu người khác, rồi sau đó người ta sẽ hiểu mình. Biết cách làm người khác hiểu mình là một nửa thói quen lắng nghe, rất quan trọng để đạt được giải pháp cùng thắng, nhất là trong các tình huống có mối quan hệ tương thuộc.
Nguyên tắc vàng cho rằng: “Hãy cư xử với người khác theo cách bạn muốn họ cư xử với mình”- tức là hãy làm cho người khác những điều mà bạn muốn họ làm cho mình. Tuy nhiên, nguyên tắc trên còn có một ý nghĩa khác sâu sắc hơn: hãy hiểu rõ người khác như bạn muốn họ hiểu rõ bạn, và đối xử với họ thông qua sự hiểu biết đó. Trong mối quan hệ giữa con người với nhau, những điều có vẻ như nhỏ nhặt với người này nhưng lại là chuyện lớn với người khác.
Bí quyết lớn nhất của thành công là lắng nghe ý kiến một cách thành thật. Một người có thể thành công trong hầu hết mọi việc nếu anh ta lắng nghe thấu hiểu và thành thật quan tâm đến người khác một cách nhiệt tình. Thay vì dựa vào kinh nghiệm chủ quan của mình để nhìn nhận, lý giải những suy nghĩ, tình cảm, động cơ và hành vi của người khác, bạn sẽ dựa vào thực tế khách quan.
Người ta càng làm nhiều, thấy nhiều và cảm nhận nhiều, người ta càng có thể làm được nhiều, và càng biết đánh giá chân thực về những điều cơ bản như gia đình, tình yêu và thấu hiểu sự đồng hành.
Nhà phân tâm học lỗi lạc Freud gây ấn tượng với người khác qua thái độ chăm chú lắng nghe. Một người đã nói về thái độ của ông khi lắng nghe người khác như sau: “Ông ta tạo cho tôi ấn tượng mạnh mẽ đến nỗi tôi chắc chắn sẽ không bao giờ quên ông. Ông có những phẩm chất mà tôi chưa hề thấy ở bất kỳ người nào khác. Thái độ tập trung lắng nghe hết mức. Một tâm hồn sáng suốt thể hiện qua cái nhìn sâu sắc. Đôi mắt dịu dàng và tinh anh. Giọng nói khẽ và thân ái. Rất ít cử chỉ. Sự chú ý mà ông dành cho tôi, việc ông trân trọng, đánh giá cao những điều tôi nói, ngay dù cho tôi nói có sai đi nữa, tất cả quả thật phi thường”.
Chỉ cần cái ôm thật chặt, một sự im lặng cảm thông, một cái chạm tay thân thiện, một đôi tai biết lắng nghe là bạn có thể chia sẻ với tất cả mọi người. Xin hãy nhớ rằng, những người đang trò chuyện đều luôn quan tâm đến chính họ và ước muốn của họ. Hãy nhớ điều đó mỗi khi bắt đầu cuộc trò chuyện. Bởi vì, miệng là một vũ khí sắc bén có thể làm tổn thương hoặc giết chết người khác. Xin hãy nhớ câu này: “Nói ít, nhìn và lắng nghe nhiều”. Và nguyên tắc quan trọng quản lý con người: “Mọi người thường không quan tâm đến bạn hay công việc của bạn cho đến khi họ biết bạn quan tâm thật sự đến những vấn đề của họ”. Hãy nói minh bạch điều bạn nghĩ, và lắng nghe tha nhân không thành kiến. Càng trong im lặng, càng nghe được nhiều. Sự im lặng du dương hơn bất cứ bản nhạc nào.
Tóm lại: Khi chúng ta lắng nghe với ý muốn thấu hiểu người khác, chứ không phải để đối đáp, thì đó là khi chúng ta bắt đầu một cuộc giao tiếp thật sự và xây dựng mối quan hệ bắt đầu bằng tình cảm, đạo đức và lý lẽ. Ngược lại, hầu hết mọi người khi giao tiếp trình bày vấn đề thường đi thẳng vào lý lẽ mà không xét đến đạo đức và tình cảm ngay từ đầu. Khi người khác cảm thấy mình được thấu hiểu, họ sẽ cảm thấy được ủng hộ và tôn trọng, hàng rào phòng thủ được hạ xuống, cơ hội nói chuyện cởi mở và thấu hiểu lẫn nhau sẽ đến một cách tự nhiên và dễ dàng hơn. Muốn thấu hiểu người khác cần sự tử tế, muốn được người khác thấu hiểu cần sự can đảm. Tính hiệu quả nằm trong sự cân bằng giữa hai vế đó.
“Nói là bạc, im lặng là vàng, lắng nghe là kim cương”. Vậy, đâu là bí quyết “khai thác kim cương”? Chúng ta nên lắng nghe như thế nào để đời sống vật chất và tinh thần của chúng ta ngày càng tốt hơn?
Trước tiên chúng ta phải nói đến thái độ lắng nghe:
Nếu thái độ chỉ biểu hiện bằng sự im lặng bên ngoài thì chưa đủ mà sâu lắng nhất là sự tĩnh lặng ở bên trong. Không đánh giá, không phán xét mà chỉ lắng nghe thôi, khi đó chúng ta sẽ thu nhận được rất nhiều kim cương.
Theo chu trình lắng nghe, ta thấy trung tâm của chu trình là thái độ. Thái độ đầu tiên là thể hiện sự tôn trọng và lòng biết ơn đối với người nói. Người nói như khách hàng, như thượng đế đem đến cho ta lợi nhuận, tri thức, tình cảm, cơ hội...
Mong muốn lắng nghe và hiểu đúng những điều người nói muốn chia sẻ. Hơn nữa là thấu hiểu và đồng cảm với nhu cầu, nguyện vọng. Không thành tâm, không có thiện chí, không muốn lắng nghe thì tất cả các kỹ năng đều không mang lại kết quả. Khoa học đã thực nghiệm là 80% hiệu quả lắng nghe phụ thuộc vào thái độ. Thái độ là một cách nghĩ, cách nhìn và cách hành động theo một hướng nào đó trước một vấn đề hay một tình hình cụ thể. “Cách” ở đây là từ cách trong cụm từ: suy nghĩ một cách tích cực, làm việc một cách nhiệt tình... Phải có thái độ tốt rồi mới đến kỹ năng. Kỹ năng mà không có thái độ chỉ là những hành vi vô cảm như những cỗ máy.
Bước 1: Tập trung - Yếu tố đầu tiên để lắng nghe hiệu quả đối tác giao tiếp là tập trung. Tập trung có nghĩa là trong một thời điểm chỉ làm một việc. Nhiều người giao tiếp không thành công vì trong khi lắng nghe người khác truyền tải thông điệp thì để các công việc khác xen vào. Nên chú ý vào người nói, thể hiện sự mong muốn lắng nghe cũng là biểu hiện tôn trọng người nói, giúp người nói có thêm sự tin tưởng để giao tiếp một cách cởi mở hơn.
Hãy tập trung nghe để nắm được những khái niệm và tư tưởng cũng như các sự kiện; biết được sự khác biệt giữa sự kiện và nguyên tắc, ý kiến và ví dụ, bằng chứng và lập luận. Hãy xem lại những điểm quan trọng. Nó có ý nghĩa không? Những khái niệm có được minh họa bằng sự kiện không?
Bước 2: Tham dự - Người nói phải có người nghe, người gửi phải có người nhận. Tham dự trong cuộc giao tiếp lắng nghe được biểu hiện bằng sự chú ý của đôi mắt, những cái gật đầu của người nghe, thay vì ngồi im ta hãy thể hiện cho người nói biết mình đang lắng nghe họ bằng những câu nói phụ họa hoặc các từ đệm (vâng, dạ, thế ạ…).
Một người nghe tốt phải biết dành thời gian cho người khác bày tỏ ý kiến cá nhân. Khi muốn nói điều gì, hãy đợi người nói dứt câu và dừng trong giây lát. Điểm dừng này cho phép chúng ta xem xét lại những gì vừa trình bày cũng như người nói xem xét cách lắng nghe của chúng ta.
Bước 3: Hiểu - Nhiều cuộc giao tiếp diễn ra trong bối cảnh ông nói gà, bà nói vịt vì không hiểu được thông điệp của giao tiếp. Để hiểu được thông điệp của người gửi, yêu cầu người nghe phải xác định lại thông điệp bằng cách trình bày lại nội dung của người nói theo cách hiểu của mình hoặc bằng cách đặt câu hỏi để xác nhận như: Tôi hiểu như thế này có đúng không? Hoặc ý anh là thế này…?
Bước 4: Ghi nhớ - “Cái gì cũng chép cũng ghi, / Không biết thì hỏi tự ti làm gì”, là nguyên tắc cơ bản của giao tiếp. Để ghi nhớ thông điệp của quá trình giao tiếp bạn không thể nhớ hết tất cả những gì mà người nói truyền tải.
Bạn phải biết chọn lọc những thông điệp chính mà người nói muốn truyền tải. Cách tốt nhất để bạn không quên đi những thông tin cơ bản của một cuộc giao tiếp là trước mỗi cuộc giao tiếp bạn nên chuẩn bị cho mình một cuốn sổ và một cây bút. Đó là những công cụ quan trọng nhất giúp bạn ghi nhớ những thông tin quan trọng của một cuộc giao tiếp.
Bước 5: Phản hồi - Giao tiếp là một quá trình tương tác hai chiều giữa người gửi và người nhận. Sau khi nhận thông điệp, người nhận giải mã thông điệp bước tiếp theo cần có sự hồi đáp với người gửi. Có đi có lại mới toại lòng nhau, mới có thể hoàn chỉnh quá trình giao tiếp cũng như lắng nghe. Đây là một kỹ năng mà người Việt ta đặc biệt yếu, thường thì ta chỉ nghe mà không có hồi đáp. Ta phải trả lời, giải đáp các băn khoăn thắc mắc của đối tác trong điều kiện có thể. Hãy đưa ra ý kiến phản hồi bằng những câu hỏi nếu còn vấn đề nào đó bạn chưa sáng tỏ, hoặc nếu không chắc về những điều được trình bày. Cách tốt nhất là ghi nhớ câu hỏi đó và sau khi người nói đã nói hết những điều họ muốn thì bạn hãy đặt câu hỏi. Những phản hồi sẽ là những tín hiệu dẫn đường giúp người nói điều chỉnh nội dung và phong cách nói chuyện cho phù hợp và cũng là những tín hiệu giúp người nói tự tin hơn khi thấy có người thực sự muốn nghe và hiểu mình.
Bước 6: Phát triển - Giao tiếp không phải là một thời điểm mà là một quá trình. Quá trình hồi đáp là sự chấm dứt cho một chu trình giao tiếp và tìm hiểu thông điệp. Phát triển sẽ giúp cho quá trình giao tiếp được bước sang một chu trình mới. Chu trình lắng nghe được mô tả như trên là một mô hình khép kín và diễn ra liên tục theo chiều xoáy trôn ốc đi lên.
Nếu tuân thủ các nguyên tắc trong quy trình trên, tôi tin chắc bạn có thể lắng nghe và giao tiếp rất hiệu quả. Và một điều quan trọng mà bạn cần ghi nhớ là nếu giao tiếp ở môi trường có nhiều âm thanh gây ồn điều này làm ta mất tập trung và không thể lắng nghe tốt được.
Chu trình 6 bước này liên tục lặp đi lặp lại trong quá trình giao tiếp đảm bảo lắng nghe một cách hiệu quả nhất.
Tóm lại, lắng nghe là lắng đọng tâm tư để nghe, nghe một cách chăm chú, nghe đầy đủ những lời đối tác nói với mình, không bỏ sót lời nào, khuyến khích để đối tác nói hết lời, để nắm ý - đằng - sau - lời của đối tác; lắng nghe còn là nghe và nghe cho được những gì đối tác không thể nói bằng lời.
KỸ NĂNG LẮNG NGHE HIỆU QUẢ
Song song với chu trình lắng nghe, chúng ta cần thực hành và sử dụng một số kỹ năng để lắng nghe hiệu quả hơn.
Nghe xong rồi hãy nói. Khi hai người tranh nhau nói hoặc chỉ chờ người kia kết thúc để mình nói thì kết quả là cả hai đều không nghe được ý kiến của nhau. Những người còn lại rất khó chịu vì họ cũng chẳng nghe được gì. Không khí buổi nói chuyện trở nên rất căng thẳng.
Người thực sự khôn ngoan không cãi nhau. Họ nói hoặc họ nghe, họ tìm hiểu sâu hơn. Khi lắng nghe, bạn muốn hỏi hay phát biểu ý kiến thì hãy để người nói trình bày xong ý đó. Rồi đề nghị giải thích hoặc trình bày quan điểm của mình. Ví dụ: “Xin lỗi, anh vừa nói về chế độ tiền thưởng. Tôi chưa rõ lắm, anh làm ơn nói kỹ hơn”.
Gác các việc khác lại. Hành động này thể hiện là ta đã sẵn sàng lắng nghe. Khi không phải chú ý đến các hoạt động khác nữa thì ta sẽ tập trung và chú ý hơn đến người nói và nội dung được trình bày, hiệu quả lắng nghe sẽ cao hơn.
Hồi đáp để ủng hộ người nói. Hồi đáp tích cực sẽ truyền cảm hứng và gây hưng phấn cho người nói. Người nói sẽ đem hết tâm huyết để truyền đạt cho ta. Hồi đáp trong lắng nghe cần lưu ý: Hãy dừng lại một chút trước khi hồi đáp, làm như vậy sẽ giúp chúng ta không phản ứng trước ý kiến của người nói và giúp người nói có thời gian kết thúc ý kiến của mình.
Nhìn vào người nói. Hãy nhìn vào người nói khi lắng nghe “mắt là cửa sổ của tâm hồn”.
Trong giao tiếp người nói như cái gương của người nghe và ngược lại. Hãy nhìn vào sự thể hiện bên ngoài của người nói, ta sẽ biết ta đang nghe như thế nào. “Nhìn mặt mà bắt hình dong”.
Hãy nhìn vào người nói để lắng nghe cả những điều không nói. Điều này đặc biệt quan trọng khi các bạn lắng nghe phụ nữ. Phụ nữ thường nói bóng gió xa xôi, thậm chí nói ngược. Nếu chỉ ghi nhận đầy đủ thông tin họ cung cấp bạn sẽ không bao giờ hiểu hết ý họ muốn nói “cái nói ra và cái định nói ra”.
Không nên ngắt lời người nói khi chưa thực sự cần thiết. Đặc biệt, đừng vội vàng tranh cãi hay phán xét về những gì đang được trình bày.
“Lời chưa nói ra ta là chủ nó, lời nói ra rồi nó là chủ ta”. Nếu bạn ý thức rõ về điều này thì bạn sẽ cẩn thận hơn khi đưa ra ý kiến hồi đáp. Có người trình bày theo cách quy nạp từ chi tiết đến tổng quan, có người trình bày theo cách diễn dịch từ tổng quan đến chi tiết. Chỉ lắng nghe hết ta mới hiểu đầy đủ ý người nói muốn nói.
Nhắc lại và diễn giải nội dung. Tốc độ nghe của ta gấp 4 lần tốc độ nói. Vì vậy nếu ta không tập trung thì sẽ rất hay nghĩ sang việc khác. Để tránh điều này chúng ta hãy diễn giải lại ý người nói theo cách hiểu của ta. Làm như vậy giúp tư duy của chúng ta luôn tập trung vào vấn đề đang lắng nghe.
Đặc biệt, não của chúng ta làm việc bằng hình ảnh và khái niệm, vì vậy khi nghe chúng ta hãy hình dung, diễn giải theo khung cảnh trong đầu thì sẽ giúp ta nhớ lâu hơn.
Tìm ra ý chính. Sau mỗi buổi nói chuyện thường có rất nhiều thông tin. Người thông minh không nhớ tất cả các chi tiết mà họ chắt lọc và tìm ra ý chính để ghi nhớ. Não chúng ta làm việc bằng những liên kết các thông tin. Khi ta nhớ được ý chính thì những thông tin bổ trợ xung quanh sẽ theo đó mà tái hiện lại (từ khóa).
Hỏi để làm rõ vấn đề. Trong giao tiếp và lắng nghe, nếu chúng ta chưa hiểu thì thay vì ậm ừ cho qua chuyện, hãy đặt câu hỏi để làm rõ. Điều này không khiến người nói khó chịu mà ngược lại họ cảm thấy rất vui vì biết rằng ta thực sự quan tâm và cho họ một cơ hội để thể hiện rõ hơn ý tưởng đang được trình bày.
Nỗ lực và tập trung. Độ chú ý của chúng ta trong mỗi cuộc giao tiếp phụ thuộc rất nhiều yếu tố như: Thái độ, sức khỏe, môi trường, người nói, nội dung... Khi chúng ta mệt mỏi, buồn chán là những lúc chúng ta dễ mất tập trung nhất. Trong những trường hợp đó để tập trung hơn chúng ta có thể làm như sau: Ngồi 1/3 ghế phía trước; không tựa lưng vào ghế; người hơi nghiêng về phía trước; không chống tay hay tỳ ngực lên bàn. Với tư thế như vậy cùng với các kỹ năng khác sẽ giúp chúng ta tập trung hơn vào lắng nghe.
Tóm lại: Muốn có tài ăn nói thì phải biết chăm chú lắng nghe. Muốn được người khác quan tâm, bạn nên quan tâm đến người khác: hỏi những câu mà họ thích trả lời, khuyến khích họ nói về chính họ và thành tích của họ. Bởi sự cảm thông chia sẻ mạnh hơn lời nói, và niềm vui cùng với sự chân thành sẽ thật sự bền vững khi bạn biết quan tâm đến người khác như đã từng quan tâm bản thân mình.
Hãy nhớ rằng, chúng ta được sinh ra chỉ với một cái miệng, nhưng miệng là một vũ khí sắc bén. Miệng có thể làm tổn thương hoặc đau lòng hay thậm chí có thể giết chết người khác. Một lời nói bất cẩn, thiếu suy nghĩ có thể làm mất tình cảm, gây ra bất hòa. Lời chưa nói ra ta làm chủ nó, lời nói ra rồi nó là chủ ta. Hãy lắng nghe lời của trái tim mình vì mọi vấn đề trên đời đều nảy sinh từ đó. Xin hãy nhớ câu này: “Nói ít, nhìn và lắng nghe nhiều” đây là nguyên tắc quan trọng trong quản lý con người.
Hãy lắng nghe và thông cảm, thấu hiểu mọi người thay vì oán trách, chỉ trích hay than phiền họ. Hãy đặt mình vào vị trí của họ để hiểu sao họ lại có những hành xử như vậy. “Biết mọi thứ cũng có nghĩa là tha thứ mọi thứ”, vị tha mới là điều đáng tự hào!