Về việc mua nhà tại nước ngoài, hiện nay, pháp luật hiện hành không có quy định nào cho phép công dân Việt Nam được chuyển tiền ra nước ngoài để mua nhà ở cho mục đích tiêu dùng cá nhân.
Theo Điều 7 Nghị định số 70/2014/NĐ-CP ngày 17/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh ngoại hối và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ngoại hối, công dân Việt Nam chỉ được chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài cho các mục đích tiêu dùng cá nhân như sau: a) Học tập, chữa bệnh ở nước ngoài; b) Đi công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài; c) Trả các loại phí, lệ phí cho nước ngoài; d) Trợ cấp cho thân nhân đang ở nước ngoài; đ) Chuyển tiền thừa kế cho người hưởng thừa kế ở nước ngoài; e) Chuyển tiền trong trường hợp định cư ở nước ngoài.
Tuy nhiên, Pháp lệnh ngoại hối và Luật Đầu tư 2015 đều cho phép nhà đầu tư cá nhân được chuyển tiền ra nước ngoài để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh ngoài lãnh thổ Việt Nam. Chính vì vậy, nhiều người đã lợi dụng quy định này để lách quy định về kiểm soát dòng tiền chuyển ra nước ngoài nêu trên.
Theo đó, để chuyển được tiền mua nhà ra nước ngoài, họ “vẽ” ra dự án đầu tư ra nước ngoài ảo theo dạng mua và kinh doanh bất động sản và xin cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài, tạo vỏ bọc pháp lý để yêu cầu ngân hàng cho phép chuyển tiền ra nước ngoài một cách hợp pháp.
Vậy còn trách nhiệm về thuế?
Về nguyên tắc, cá nhân đầu tư ra nước ngoài phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế đến dự án đầu tư ra nước ngoài đối với Nhà nước Việt Nam theo quy định của pháp luật về thuế. Cụ thể là nghĩa vụ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với lợi nhuận từ hoạt động đầu tư tại nước ngoài. Tuy nhiên, trên thực tế, đa phần các cá nhân mua nhà tại nước ngoài theo phương thức đầu tư ra nước ngoài nêu trên thường báo cáo lỗ hoặc không phát sinh lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bất động sản để tránh việc phải nộp thuế nêu trên.
Theo bà, đầu tư bất động sản ra nước ngoài qua một công ty trung gian liệu có an toàn cho đồng vốn?
Theo tôi, điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro vì nhiều lý do.
Thứ nhất, việc có được định cư hay không chỉ là viễn cảnh và hứa hẹn của công ty trung gian, không có xác nhận chính thức của nước xin định cư. Do vậy, có nhiều rủi ro về tài chính nếu hồ sơ nhập cư không được nước sở tại chấp thuận, chưa kể đến rủi ro về đạo đức kinh doanh của không ít đơn vị trung gian.
Thứ hai, dự án đầu tư thường chỉ là dự án ảo, không có thực, lập ra để hợp lý hóa việc chuyển tiền ra nước ngoài và do vậy, có thể rủi ro khi bị cơ quan nhà nước Việt Nam hoặc nước ngoài phát hiện, thu hồi giấy phép và xử phạt theo quy định.
Việc nhập tịch nước khác (tức là song tịch) có vi phạm không, thưa bà?
Điều 4 Luật Quốc tịch Việt Nam số 24/2008/QH12 ngày 13/11/2008 được sửa đổi bởi Luật Quốc tịch Việt Nam ngày 24/6/2014 quy định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp Luật này có quy định khác”. Theo đó, nguyên tắc chung của Việt Nam là nguyên tắc một quốc tịch.
Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam thừa nhận có những ngoại lệ về việc một người có thể có hai quốc tịch. Theo Điều 21, Văn bản hợp nhất số 5183/VBHN-BTP ngày 23/12/2014 của Chính phủ: “Kể từ ngày 1 tháng 7 năm 2009, công dân Việt Nam vì lý do nào đó mà có quốc tịch nước ngoài và chưa mất quốc tịch Việt Nam, thì vẫn có quốc tịch Việt Nam”. Trong thời hạn 2 năm, kể từ ngày có quốc tịch nước ngoài, người nêu trên hoặc người giám hộ của người đó sẽ phải thông báo về việc họ có quốc tịch nước ngoài đến Cơ quan đại diện Việt Nam có thẩm quyền tại nước ngoài hoặc Sở Tư pháp.
Mặc dù có các quy định nêu trên, trên thực tế, do pháp luật không có quy định xử lý rõ ràng với những người có hai quốc tịch và không đăng ký hai quốc tịch với cơ quan nhà nước. Do vậy, tình trạng người Việt nhập tịch vào nước khác hiện vẫn không kiểm soát được và không có biện pháp nào xử lý triệt để.
Vậy chúng ta phải quản lý như thế nào với trường hợp một số người đầu tư bất động sản ra nước ngoài để tránh nghĩa vụ pháp lý tại Việt Nam?
Như đã nêu ở trên, hiện nay nước ta chưa có cơ chế để kiểm soát được việc người Việt nhập quốc tịch quốc gia khác. Đây là một kẽ hở cho những người muốn trốn tránh nghĩa vụ pháp lý tại Việt Nam.
Thực tế cho thấy, chỉ sau khi người phạm tội bỏ trốn ra nước mà họ đăng ký quốc tịch thứ hai, thì các cơ quan chức năng mới phát hiện ra họ đã đăng ký quốc tịch nước đó.
Nhìn chung, việc yêu cầu một quốc gia dẫn độ tội phạm là người Việt Nam đồng thời mang quốc tịch nước đó là tương đối khó khăn, vì xu thế chung là quốc gia nào cũng có những chính sách để bảo vệ cho người mang quốc tịch của họ. Điều này càng khó khăn hơn đối với những nước mà Việt Nam chưa có hiệp định về dẫn độ ở dạng song phương hay đa phương.
Trong trường hợp này, việc dẫn độ chỉ có thể thực hiện theo nguyên tắc "có đi có lại" giữa hai quốc gia, hoặc có những nhân tố tác động về mặt kinh tế, chính trị…