Kiến trúc là một ngành nghệ thuật và khoa học về tổ chức sắp xếp không gian, lập hồ sơ thiết kế các công trình kiến trúc. Kiến trúc sư với kiến thức chuyên ngành kiến trúc, ngoài công tác thiết kế công trình có thể tham gia vào rất nhiều các lĩnh vực thiết kế quản lý khác, như quy hoạch đô thị, thiết kế đô thị, thiết kế cảnh quan, quản lý đô thị, quản lý giám sát dự án, thiết kế nội thất, thiết kế đồ họa hay thiết kế tạo dáng công nghiệp.
Từ những vật liệu sẵn có, những tri thức khoa học, kinh nghiệm, nhu cầu thực tế, quan niệm về ý nghĩa và giá trị thẩm mỹ của các hình thức kiến trúc, mỗi nền văn hóa thường để lại hàng loạt các công trình kiến trúc có chung những phong cách kiến trúc riêng, đặc trưng cho các thời kỳ lịch sử.
Kiến trúc hiện đại đi theo xu hướng tôn sùng công nghệ và vật liệu mới, công năng sử dụng, và năng lực sáng tạo cá nhân, do đó các công trình kiến trúc hiện đại thường không có nhiều liên hệ đến văn hóa bản địa.
Sự khô cứng, vô tính của kiến trúc hiện đại bị phê phán mạnh mẽ trong những năm 1970 khiến trào lưu kiến trúc hậu hiện đại ra đời. Công nghệ và vật liệu mới vẫn được áp dụng mạnh mẽ trong kiến trúc hậu hiện đại, mà áp dụng chúng một cách khôn ngoan đầy cảm xúc hơn, nhằm nhấn mạnh các đặc thù của công trình và mối liên hệ của công trình đến khung cảnh tự nhiên văn hóa xã hội xung quanh.
Các loại kiến trúc
Kiến trúc Tân cổ điển
Kiến trúc tân cổ điển là một phong cách kiến trúc được tạo ra bởi phong trào tân cổ điển bắt đầu vào giữa thế kỷ 18, thể hiện cả trong chi tiết của nó như là một phản ứng chống lại kiến trúc Rococo mang đậm phong cách trang trí tự nhiên, trong công thức kiến trúc của nó như là một quả tự nhiên của một số tính năng cổ điển hóa Cuối Baroque. Ở dạng tinh khiết nhất của nó là một phong cách chủ yếu bắt nguồn từ kiến trúc của Hy Lạp cổ điển và kiến trúc của kiến trúc sư Ý Andrea Palladio. Trong hình thức, kiến trúc tân cổ điển nhấn mạnh vào bức tường chứ không phải là về phối hợp màu sáng và tối và duy trì bản sắc riêng biệt cho mỗi bộ phận của nó.
Kiến trúc Hậu Hiện đại
kiến trúc Hậu hiện đại, được xem như sự tiếp tục của kiến trúc Hiện đại, bắt đầu xuất phát từ cuối thập niên 1950, kéo dài đến thời điểm hiện tại.
Mở đầu cuốn sách “Ngôn ngữ của kiến trúc Hậu hiện đại”, tác giả Charles Jencks đã thông báo “Kiến trúc Hiện đại đã chết ở Saint Louis, Missouri ngày 15 tháng 7 năm 1972 vào hồi 15h32”. Kèm theo đó là bức ảnh chụp một ngôi nhà nhiều tầng đang bị nổ tung. Đó là một trong những block của quần thể lớn nhà ở do kiến trúc sư Mỹ gốc Nhật Minoru Yamasaki thiết kế. Cuốn sách này đã gây tiếng vang lớn trong giới kiến trúc và được tái bản nhiều lần, được dịch ra nhiều thứ tiếng. Nó báo hiệu một trào lưu kiến trúc mới ra đời: Kiến trúc Hậu hiện đại.
Trường phái kiến trúc này, trái ngược với trường phái của kiến trúc Hiện đại, là sự xuất hiện của các chi tiết trang trí, tính đa nghĩa của biểu tượng trong kiến trúc.
Kiến trúc Hiện đại
Kiến trúc Hiện đại (Modernism) là một khái niệm rất rộng được sử dụng để miêu tả các công trình khác nhau có các đặc điểm tương đồng về sự đơn giản trong bố cục hình khối không gian, tổ chức mặt bằng tự do phi đối xứng, mặt đứng loại bỏ việc sử dụng các họa tiết trang trí của trường phái cổ điển cũng như việc sử dụng vật liệu mới như kính, thép, bê tông. Kiến trúc hiện đại là một sự đoạn tuyệt mạnh mẽ với kiến trúc cổ điển, thể hiện một lối tư duy mới của sự phát triển bùng nổ của các xã hội châu Âu cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20.
Trường phái kiến trúc này, xuất phát ở châu Âu từ cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20 và đã nhanh chóng phổ biến, trở thành một trường phái chủ đạo ra trên toàn thế giới đến thập niên 1970.
Hiện nay mặc dù một định nghĩa chuẩn xác về khái niệm kiến trúc hiện đại vẫn còn đang được tranh luận, nhưng người ta thống nhất rằng trào lưu kiến trúc Hiện đại của thế kỉ 20 đã được thay thế bằng trào lưu kiến trúc Hậu Hiện đại(Postmodernism)