BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2369/QĐ-BGTVT
|
Hà Nội, ngày 29 tháng 7 năm 2016
|
BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Căn cứ Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 năm 2014;
Căn cứ Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế - xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP;
Căn cứ Quyết định số 1037/QĐ-TTg ngày 24 tháng 6 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;
Xét Tờ trình số 4853/TTr-CHHVN ngày 25 tháng 11 năm 2015; Văn bản số 2547/CHHVN-KHĐT ngày 23 tháng 6 năm 2016 của Cục Hàng hải Việt Nam tiếp thu, giải trình các ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định kèm theo hồ sơ quy hoạch; Biên bản Hội đồng thẩm định ngày 09 tháng 6 năm 2016 tại cuộc họp thẩm định điều chỉnh Quy hoạch chi tiết Nhóm cảng biển Trung Trung bộ (Nhóm 3) giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;
Theo đề nghị của Thường trực Hội đồng thẩm định và Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư,
QUYẾT ĐỊNH:
Nhóm 3 bao gồm các cảng biển thuộc các tỉnh, thành phố ven biển khu vực Trung Trung bộ: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi. Phạm vi phục vụ bao gồm các tỉnh, thành phố nêu trên, đồng thời đáp ứng nhu cầu vận tải biển của Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và vùng Đông Bắc của Vương quốc Thái Lan.
1. Quan điểm phát triển
- Phát triển phù hợp với quy hoạch phát triển các chuyên ngành giao thông vận tải, quy hoạch xây dựng, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và các quy hoạch liên quan khác.
- Tận dụng tối đa lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của khu vực để phát triển cảng, khai thác hiệu quả quỹ đất xây dựng cảng và hạ tầng cầu cảng, bến cảng hiện có; chú trọng đầu tư chiều sâu để nâng cao năng lực khai thác, tăng khả năng tiếp nhận tàu trọng tải lớn, đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa vận tải biển của khu vực nói riêng và toàn bộ miền Trung nói chung.
- Phát triển hợp lý giữa cảng tổng hợp quốc gia đầu mối khu vực, chuyên dùng, địa phương đảm bảo thống nhất trong toàn nhóm và trong hệ thống cảng biển quốc gia; kết nối đồng bộ với cơ sở hạ tầng giao thông khác (đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, ven biển); Phát triển cảng Đà Nẵng là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại I), nghiên cứu khả năng phát triển đảm nhận vai trò cảng cửa ngõ quốc tế khu vực miền Trung (loại IA).
- Phát triển cảng chuyên dùng gắn với khu kinh tế, khu công nghiệp tập trung (Hòn La, Mỹ Thủy, Chân Mây, Chu Lai, Dung Quất) phù hợp với tiến trình phát triển các cơ sở công nghiệp, nhu cầu, năng lực của các nhà đầu tư.
- Tận dụng điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển phù hợp, ổn định các bến phao, điểm chuyển tải hàng hóa trên quan điểm không làm ảnh hưởng đến các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội khác, thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn, an ninh hàng hải, nhằm giảm chi phí đầu tư, chi phí vận tải đường biển, góp phần giảm áp lực vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông trên đường bộ.
- Cỡ tàu theo quy hoạch (tấn trọng tải) để làm cơ sở đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng công cộng cảng biển, không là cơ sở để không cho phép tàu có trọng tải lớn hơn hành hải trên luồng và ra, vào cảng. Các tàu có trọng tải lớn hơn nhưng có thông số kỹ thuật phù hợp với khả năng tiếp nhận của cầu cảng, phù hợp chuẩn tắc kỹ thuật của luồng tàu (bề rộng, chiều sâu, tĩnh không...), đảm bảo điều kiện an toàn đều được cấp phép ra, vào cảng.
- Việc đầu tư xây dựng, nâng cấp cầu bến phải gắn liền với đầu tư xây dựng các công trình phụ trợ (kho hàng, bãi...) và đầu tư trang thiết bị bốc dỡ đồng bộ, phù hợp với cỡ tàu tiếp nhận, đảm bảo công suất thiết kế của cảng.
2. Mục tiêu, định hướng phát triển
a) Mục tiêu chung:
- Phát huy được hiệu quả tổng hợp, đồng bộ giữa các cảng biển và cơ sở hạ tầng liên quan, kết hợp đẩy mạnh phát triển công nghiệp và dịch vụ làm động lực phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh cho địa phương, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và các khu vực liên quan.
- Hỗ trợ phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa khu vực giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
b) Mục tiêu cụ thể:
- Bảo đảm thông qua lượng hàng dự kiến tại các thời điểm như sau:
+ Khoảng từ 54 đến 61 triệu tấn/năm (trong đó hàng tổng hợp, công ten nơ khoảng từ 24 đến 28 triệu tấn/năm) vào năm 2020.
+ Khoảng từ 108 đến 124 triệu tấn/năm (trong đó hàng tổng hợp, công ten nơ từ 43 đến 51 triệu tấn/năm) vào năm 2030.
- Tập trung phát triển các cảng đầu mối cho tàu tổng hợp, công ten nơ và các bến chuyên dụng tại các khu công nghiệp, cơ sở công nghiệp tập trung. Nghiên cứu phát triển cảng biển Đà Nẵng tại Liên Chiểu; mở rộng vùng hấp dẫn của cảng để đáp ứng vai trò cảng cửa ngõ của Miền Trung.
- Nghiên cứu đầu tư xây dựng bến cảng trên các huyện đảo để phục vụ vận tải hàng hóa, hành khách phục vụ phát triển kinh tế - xã hội các huyện đảo và bảo đảm quốc phòng - an ninh.
1. Quy hoạch chi tiết các cảng trong nhóm
Nhóm 3 gồm 06 cảng biển: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi. Quy hoạch chi tiết các cảng biển, khu bến, bến cảng như sau:
a) Cảng biển Quảng Bình: Là cảng tổng hợp địa phương (loại II) có bến chuyên dùng, gồm khu bến Hòn La và bến vệ tinh Sông Gianh.
Lượng hàng thông qua dự kiến vào năm 2020 khoảng 8,7 đến 10,1 triệu tấn/năm; năm 2030 khoảng 18,7 đến 21,7 triệu tấn/năm. Cụ thể:
- Khu bến Hòn La: Là khu bến chính gồm các bến tổng hợp địa phương và các bến chuyên dùng. Giai đoạn đến 2020, đầu tư xây dựng mới 02 bến tổng hợp cho tàu 20.000 đến 50.000 tấn. Giai đoạn đến 2030, bổ sung thêm 01 bến cho tàu đến 50.000 tấn (phù hợp với tiến trình nạo vét luồng tàu). Năng lực thông qua năm 2020 khoảng 3,3 đến 3,8 triệu tấn/năm, năm 2030 khoảng 5,7 đến 6,6 triệu tấn/năm.
- Các bến chuyên dùng khác bao gồm:
+ Bến nhà máy nhiệt điện than Quảng Trạch (chuyển từ Mũi Độc xuống Hòn La): gồm 2 bến tiếp nhận tàu đến 70.000 tấn và lớn hơn, phân bổ cho 2 giai đoạn đến năm 2020 và đến năm 2030. Năng lực thông qua năm 2020 khoảng từ 3,7 đến 4,0 triệu tấn/năm, năm 2030 khoảng 6,5 đến 7,4 triệu tấn/năm.
+ Bến xi măng, hàng rời: khu bến phát triển giai đoạn đến năm 2030 gồm 2 đến 3 bến cho tàu từ 30.000 đến 70.000 tấn. Năng lực thông qua từ 2,4 đến 3,0 triệu tấn/năm.
+ Bến xăng dầu Petro Lào: Là bến chuyên dùng phục vụ cung cấp xăng dầu đến tỉnh Khăm Muộn - Lào. Quy mô xây dựng 01 bến, giai đoạn đầu tiếp nhận tàu xăng dầu 20.000 tấn, giai đoạn sau tàu đến 50.000 tấn phù hợp với tiến trình nạo vét tuyến luồng ra/vào cảng. Năng lực thông qua năm 2020 khoảng 2 đến 2,5 triệu tấn/năm, năm 2030 khoảng 4,2 đến 4,7 triệu tấn/năm.
- Bến Sông Gianh: Là bến cảng tổng hợp địa phương vệ tinh, dự kiến lượng hàng thông qua khoảng 0,4 đến 0,5 triệu tấn/năm.
- Bến xăng dầu Sông Gianh: Giữ nguyên quy mô hiện hữu với 01 bến cho tàu đến 1.000 tấn, dự kiến lượng hàng thông qua khoảng 0,1 đến 0,2 triệu tấn/năm.
- Bến cảng Thắng Lợi: 01 bến chuyên dụng đóng, sửa chữa tàu, tiếp nhận tàu 1.000 đến 2.000 tấn. Năng lực thông qua năm 2020 đạt khoảng 0,1 đến 0,2 triệu tấn/năm; năm 2030 đạt khoảng 0,3 đến 0,4 triệu tấn/năm.
b) Cảng biển Quảng Trị: Cảng tổng hợp địa phương (loại II) có bến chuyên dùng, gồm khu bến Bắc Cửa Việt, Nam Cửa Việt và khu bến Mỹ Thủy.
Lượng hàng thông qua dự kiến vào năm 2020 khoảng 3,5 đến 4,3 triệu tấn/năm; năm 2030 khoảng 12,7 đến 15,5 triệu tấn/năm. Cụ thể:
- Khu bến cảng Bắc Cửa Việt: Là bến tổng hợp địa phương kết hợp hành khách phục vụ giao lưu giữa huyện đảo Cồn Cỏ và đất liền. Giai đoạn đến năm 2020, nâng cấp cải tạo và đầu tư chiều sâu trang thiết bị 02 cầu cảng hiện hữu; nghiên cứu bổ sung 01 cầu cảng tổng hợp cho tàu 3.000 đến 5.000 tấn kết hợp đón tàu khách. Năng lực thông qua năm 2020 khoảng 0,8 đến 1,1 triệu tấn/năm, năm 2030 khoảng 1,2 đến 1,5 triệu tấn/năm. Bến xăng dầu Cửa Việt: Quy mô hiện hữu với 01 bến phao cho tàu dầu 40.000 tấn, đến năm 2020 nghiên cứu đầu tư mới 01 bến cứng tiếp nhận tàu trọng tải 5.000 tấn. Năng lực thông qua năm 2020 đạt khoảng 0,5 đến 1,0 triệu tấn/năm, năm 2030 khoảng 1,3 đến 1,4 triệu tấn/năm.
- Khu bến cảng Nam Cửa Việt: Bến cảng chuyên dùng phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa các khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Quảng Trị và 1 phần xăng dầu. Giai đoạn đến năm 2020, xây dựng 02 bến chuyên dùng cho tàu 3.000 đến 5.000 tấn hoặc lớn hơn giảm tải; giai đoạn 2030 dự kiến bổ sung thêm 03 bến. Năng lực thông qua năm 2020 khoảng 0,2 đến 0,5 triệu tấn/năm, năm 2030 khoảng 1,0 đến 1,4 triệu tấn/năm.
- Khu bến cảng Mỹ Thủy: Là khu bến cảng chuyên dùng phục vụ khu công nghiệp, phát triển có điều kiện. Quy mô và tiến trình phát triển phù hợp với nhu cầu thị trường, khả năng huy động vốn của chủ đầu tư, đồng thời đảm bảo sự đồng bộ về cơ sở hạ tầng kết nối đến cảng (đặc biệt là luồng vào, đê chắn sóng, ngăn cát …), dự kiến lượng hàng thông qua phục vụ nhu cầu dự án nhiệt điện Quảng Trị đến năm 2020 từ 1,6 đến 2,0 triệu tấn/năm, năm 2030 từ 3,7 đến 4,0 triệu tấn/năm, cỡ tàu tiếp nhận đến 70.000 tấn và lớn hơn.
c) Cảng biển Thừa Thiên Huế: Là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (Loại I), bao gồm các khu bến chức năng: khu bến Chân Mây, Thuận An và bến chuyên dùng tại Điền Lộc.
Lượng hàng thông qua dự kiến vào năm 2020 khoảng 4,8 đến 5,4 triệu tấn/năm; năm 2030 khoảng 8,9 đến 10,2 triệu tấn/năm. Cụ thể:
- Khu bến Chân Mây: Là khu bến cảng tổng hợp, công ten nơ, kết hợp phục vụ tàu khách du lịch quốc tế; tiếp nhận tàu hàng trọng tải từ 30.000 đến 50.000 tấn, tàu công ten nơ có sức chứa đến 4.000 TEU, tàu khách đến 225.000 GT. Giai đoạn năm 2020, xây dựng mới 02 đến 03 cầu cảng cho tàu đến 50.000 tấn (không kể bến phụ) và nghiên cứu đầu tư tuyến đê chắn sóng phía Bắc; giai đoạn 2030 bổ sung thêm 2 bến tàu hàng 50.000 tấn và 01 bến tàu khách du lịch quốc tế đến 225.000 GT. Năng lực thông qua năm 2020 khoảng 4,6 đến 5,5 triệu tấn/năm và 250 đến 300 nghìn lượt khách/năm, năm 2030 đạt 8,0 đến 9,2 triệu tấn/năm và 450 đến 500 nghìn lượt khách/năm. Bến xăng dầu Chân Mây: Xây mới 01 cầu cảng cứng cho tàu 20.000 đến 30.000 tấn, từng bước di dời bến phao hiện hữu dành quỹ mặt nước xây dựng các bến tổng hợp, công ten nơ. Năng lực thông qua năm 2020 khoảng 0,1 đến 0,2 triệu tấn/năm, năm 2030 khoảng 0,5 đến 1,0 triệu tấn/năm.
- Khu bến Thuận An: Bến tổng hợp địa phương vệ tinh. Giai đoạn đến 2020 hoàn thành nâng cấp cải tạo, đầu tư chiều sâu 02 bến hiện hữu cho tàu 3.000 đến 5.000 tấn, năng lực thông qua khoảng 0,1 đến 0,3 triệu tấn/năm. Giai đoạn đến năm 2030 nghiên cứu phát triển thêm 01 bến cho tàu trọng tải đến 5.000 tấn năng lực thông qua 0,3 đến 0,5 triệu tấn. Phát triển có điều kiện các bến phao chuyển tải tại khu vực cửa biển phục vụ nhu cầu hàng hóa chuyên dùng tại khu vực. Bến xăng dầu Thuận An: Giữ nguyên quy mô gồm 01 bến cho tàu 1.000 tấn. Năng lực thông qua đạt 0,1 triệu tấn/năm. Bến xi măng Điền Lộc: Bến chuyên dùng nhà máy xi măng Đồng Lâm phát triển theo nhu cầu của nhà máy.
d) Cảng biển Đà Nẵng: Là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (Loại I), nghiên cứu khả năng phát triển để đảm nhận vai trò cảng cửa ngõ quốc tế ở khu vực miền Trung (loại IA), bao gồm các khu bến: Tiên Sa, Thọ Quang và Liên Chiểu.
Lượng hàng thông qua dự kiến vào năm 2020 khoảng 11,1 đến 13,2 triệu tấn/năm; năm 2030 khoảng 22,9 đến 27,9 triệu tấn/năm. Trong đó, riêng công ten nơ dự kiến vào năm 2020 khoảng 0,5 đến 0,6 triệu TEU/năm; năm 2030 khoảng 1,5 đến 1,85 triệu TEU/năm. Cụ thể:
- Khu bến Tiên Sa: Là khu bến cảng tổng hợp, công ten nơ phục vụ thành phố Đà Nẵng, một phần Bắc Tây Nguyên và hàng trung chuyển của Lào, Đông Bắc Thái Lan, tiếp nhận tàu trọng tải từ 30.000 đến 50.000 tấn, tàu công ten nơ có sức chở đến 4.000 TEU, tàu khách du lịch quốc tế đến 225.000 GT. Giai đoạn đến 2020, đầu tư xây dựng bến cảng giai đoạn 2, lượng hàng hóa thông qua cảng dự kiến đạt khoảng 8,6 đến 10 triệu tấn/năm, sau 2020 đẩy mạnh đầu tư trang thiết bị công nghệ hiện đại nâng công suất cảng đạt 12 triệu tấn/năm, hành khách thông qua khoảng 300 nghìn đến 370 nghìn lượt khách/năm. Nghiên cứu xây dựng 01 bến cảng chuyên dụng tiếp nhận tàu khách đến 225.000 GT;
- Khu bến Thọ Quang: Là khu bến cảng tổng hợp cho tàu trọng tải từ 10.000 đến 20.000 tấn, có bến chuyên dùng cho tàu trọng tải từ 5.000 đến 10.000 tấn. Bao gồm:
+ Bến tổng hợp: Giai đoạn đến 2020, đầu tư xây dựng mới thêm 01 cầu cảng cho tàu 10.000 tấn. Năng lực thông qua năm 2020 khoảng 1,0 đến 1,3 triệu tấn/năm, năm 2030 khoảng 1,4 đến 1,7 triệu tấn/năm.
+ Bến xăng dầu: Quy mô gồm 01 bến hiện hữu cho tàu 10.000 tấn. Năng lực thông qua năm 2020 đạt 0,3 triệu tấn/năm, năm 2030 đạt 0,6 triệu tấn/năm.
+ Bến khí hóa lỏng, đạm: Quy mô 01 bến cho tàu 5.000 tấn, năng lực thông qua 2020 đạt 0,3 triệu tấn/năm, năm 2030 đạt 0,5 triệu tấn/năm.
+ Bến cảng Sông Thu - X50: Phục vụ chính bốc dỡ nguyên vật liệu, thiết bị phục vụ nhà máy và một phần hàng hóa tổng hợp, tiếp nhận tàu đến 5.000 tấn. Năng lực thông qua khoảng 0,3 đến 0,5 triệu tấn/năm.
- Khu bến Liên Chiểu: Trước mắt có chức năng chính là chuyên dùng hàng rời, hàng lỏng phục vụ trực tiếp các cơ sở công nghiệp dịch vụ tại đây. Nghiên cứu phát triển để đảm nhận vai trò khu bến chính của cảng cửa ngõ quốc tế tại khu vực Miền Trung (nếu có điều kiện), tiếp nhận tàu trọng tải 100.000 tấn, tàu công ten nơ có sức chở từ 6.000 TEU đến 8.000 TEU. Cụ thể:
+ Các bến phao xăng dầu hiện hữu cho tàu 3.000 tấn đến 7.000 tấn. Năng lực thông qua năm 2020 khoảng 0,7 đến 0,8 triệu tấn/năm, năm 2030 khoảng 0,9 đến 1,1 triệu tấn/năm. Các bến cảng này sẽ được di dời phù hợp với tiến trình phát triển bến cảng tổng hợp Liên Chiểu.
+ Bến xi măng Hải Vân: Bến chuyên dùng phục vụ nhà máy xi măng Hải Vân, duy trì bến cảng hiện hữu gồm 01 bến cho tàu 5.000 tấn, năng lực thông qua năm 2020 khoảng 0,2 đến 0,3 triệu tấn/năm. Trong tương lai được di dời cùng với nhà máy.
đ) Cảng biển Kỳ Hà (Quảng Nam): Là cảng tổng hợp địa phương (loại II) có bến chuyên dùng, bao gồm các khu bến: Kỳ Hà, Tam Hiệp.
Lượng hàng thông qua dự kiến vào năm 2020 khoảng 5,0 đến 5,8 triệu tấn/năm; năm 2030 khoảng 11,7 đến 12,7 triệu tấn/năm. Trong đó, riêng công ten nơ dự kiến vào năm 2020 khoảng 60.000 đến 80.000 TEU/năm; năm 2030 khoảng 0,29 đến 0.34 triệu TEU/năm. Cụ thể:
- Khu bến Kỳ Hà: Là bến cảng tổng hợp, tiếp nhận tàu trọng tải 10.000 đến 20.000 tấn, có bến chuyên dùng xăng dầu, gas tiếp nhận tàu trọng tải từ 1.000 đến 5.000 tấn. Giai đoạn đến năm 2020 nâng cấp bến cảng hiện hữu và đầu tư 01 bến cho tàu trọng tải 20.000 tấn. Giai đoạn đến năm 2030 xây dựng bổ sung từ 01 đến 02 bến. Năng lực thông qua năm 2020 khoảng 2,6 đến 3,0 triệu tấn/năm, năm 2030 khoảng 4,7 đến 5,1 triệu tấn/năm.
- Khu bến Tam Hiệp: Là bến cảng tổng hợp, có bến hàng lỏng, hàng chuyên dùng phục vụ trực tiếp Khu kinh tế mở Chu Lai; tiếp nhận tàu trọng tải từ 10.000 đến 20.000 tấn. Giai đoạn đến năm 2020, xây dựng mới 01 đến 02 bến tổng hợp và 01 bến chuyên dùng; giai đoạn 2030, nghiên cứu xây dựng tiếp 02 bến tổng hợp và các bến chuyên dùng khác phục vụ khu kinh tế. Năng lực thông qua năm 2020 khoảng 3,2 đến 3,7 triệu tấn/năm, năm 2030 khoảng 8,5 đến 9,2 triệu tấn/năm.
e) Cảng biển Quảng Ngãi: Là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại I), bao gồm các khu bến: Dung Quất I, Dung Quất II và các bến vệ tinh Sa Kỳ, Lý Sơn.
Lượng hàng thông qua dự kiến vào năm 2020 khoảng 20,9 đến 21,9 triệu tấn/năm; năm 2030 khoảng 32,9 đến 35,6 triệu tấn/năm. Trong đó, riêng công ten nơ dự kiến vào năm 2020 khoảng 10.000 đến 20.000 TEU/năm; năm 2030 khoảng 50.000 đến 60.000 TEU/năm. Cụ thể:
- Khu bến Dung Quất I: Là khu bến tổng hợp, công ten nơ với các bến cho tàu trọng tải đến 50.000 tấn, tàu công ten nơ có sức chở đến 4.000 TEU; có các bến chuyên dùng xuất sản phẩm dầu của liên hợp lọc hóa dầu, bến phục vụ công nghiệp đóng sửa chữa tàu biển, bến chuyên dùng của các cơ sở công nghiệp nặng cho tàu trọng tải đến 150.000 tấn hoặc lớn hơn tùy thuộc vào nhu cầu và năng lực của Nhà đầu tư. Bao gồm:
+ Khu bến tổng hợp, công ten nơ và chuyên dùng: Giai đoạn 2020 xây dựng mới thêm 02 bến tổng hợp cho tàu 50.000 tấn và 01 bến chuyên dùng phục vụ khu công nghiệp; giai đoạn đến 2030 bổ sung thêm 01 bến tổng hợp và 02 bến chuyên dùng. Năng lực thông qua năm 2020 khoảng 6,4 đến 7,5 triệu tấn/năm, 2030 khoảng 8,5 đến 9,5 triệu tấn/năm.
+ Bến nhập dầu thô: Giai đoạn đến 2020 đầu tư mới 01 bến nhập dầu thô cho tàu 300.000 đến 350.000 tấn. Năng lực thông qua năm 2020 khoảng 7,5 đến 8,0 triệu tấn/năm, năm 2030 khoảng 8,0 đến 9,0 triệu tấn/năm.
+ Bến xuất sản phẩm: Giai đoạn 2020 nâng cấp các bến hiện hữu xây dựng bổ sung 02 bến cho tàu 50.000 tấn. Năng lực thông qua năm 2020 khoảng 7,5 đến 8,0 triệu tấn/năm, năm 2030 khoảng 8,0 đến 9,0 triệu tấn/năm.
+ Bến khu công nghiệp: Có chức năng phục vụ trực tiếp các nhà máy luyện thép và công nghiệp hóa dầu, quy mô phát triển có điều kiện phù hợp với tiến trình đầu tư phát triển khu công nghiệp.
- Bến cảng Sa Kỳ: Bến cảng tổng hợp địa phương vệ tinh. Nâng cấp cải tạo bến hiện hữu đảm bảo cho tàu hàng và tàu khách 1.000 đến 2.000 tấn, năng lực thông qua năm 2020 khoảng 0,1 đến 0,2 triệu tấn/năm, năm 2030 khoảng 0,2 đến 0,4 triệu tấn/năm.
- Bến cảng Bến Đình (Lý Sơn): Bến cảng tổng hợp kết hợp bến tàu khách phục vụ huyện đảo Lý Sơn. Quy mô tiếp nhận tàu 2.000 đến 5.000 tấn, năng lực thông qua khoảng 0,1 đến 0,2 triệu tấn/năm và tàu khách 400 ghế.
- Khu bến Dung Quất II: Tại vịnh Mỹ Hàn, là khu bến cảng chuyên dùng tiềm năng, tiếp nhận tàu chở dầu thô, than, quặng trọng tải từ 100.000 đến 350.000 tấn, phục vụ trực tiếp cho liên hợp lọc dầu và luyện kim; có kết hợp bến làm hàng tổng hợp, công ten nơ hỗ trợ khu bến Dung Quất I, phục vụ phát triển Khu kinh tế Dung Quất mở rộng trong giai đoạn sau.
(Chi tiết về dự báo lượng hàng thông qua cảng; quy mô, chức năng, công suất từng bến cảng trong nhóm tại Phụ lục và hồ sơ quy hoạch kèm theo Quyết định này).
2. Quy hoạch đầu tư, cải tạo và nâng cấp luồng tàu
- Nạo vét luồng Hòn La cho tàu đến 70.000 tấn phù hợp tiến trình nhà máy nhiệt điện.
- Cải tạo, nâng cấp luồng Cửa Gianh, Cửa Việt, Thuận An cho tàu 3.000 đến 5.000 tấn, chủ yếu bằng hình thức xã hội hóa.
- Tuyến luồng Kỳ Hà cho tàu 20.000 tấn, đoạn Kỳ Hà đến khu bến Tam Hiệp cho tàu 10.000 đến 20.000 tấn phù hợp với tiến trình xây dựng các bến cảng khu vực này và thực tế phát triển khu kinh tế mở Chu Lai.
- Xây dựng mới tuyến luồng Thọ Quang với quy mô luồng 1 chiều cho tàu 10.000 tấn. Giai đoạn đến 2020 nạo vét cho tàu 5.000 tấn đầy tải, tàu 10.000 tấn giảm tải. Nghiên cứu khả năng nâng cấp luồng Đà Nẵng vào bến cảng Tiên Sa cho tàu trọng tải đến 50.000 tấn phù hợp với tiến trình phát triển các bến cảng và lưu lượng tàu cập bến.
3. Định hướng đối với hạ tầng giao thông kết nối
- Nâng cấp Quốc lộ 12 đoạn từ Quốc lộ 1A đến bến cảng Hòn La và tuyến kết nối từ quốc lộ 1A vào khu bến cảng Gianh.
- Nâng cấp Quốc lộ 9 đoạn từ quốc lộ 1A đến cảng Cửa Việt từ 2 làn xe lên 4 làn xe.
- Nâng cấp Quốc lộ 49 từ cảng Thuận An - đường Hồ Chí Minh, tỉnh Thừa Thiên Huế dài 75 km.
- Hoàn thành dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; cao tốc Cam Lộ - Túy Loan đúng tiến độ.
- Đầu tư đường sắt kết nối tới các cảng Chân Mây, Liên Chiểu, Dung Quất.
- Nghiên cứu cải tạo, nâng cấp các tuyến thủy nội địa (sông Gianh, sông Hàn, sông Hiếu) kết nối ra cảng biển và các vùng neo chuyển tải nhằm giảm áp lực cho vận tải đường bộ.
4. Các dự án ưu tiên đầu tư giai đoạn đến năm 2020
- Nạo vét luồng Hòn La cho tàu đến 70.000 tấn phù hợp tiến trình nhà máy nhiệt điện; luồng Cửa Gianh, luồng Cửa Việt - Quảng Trị cho tàu 3.000 đến 5.000 tấn theo hình thức xã hội hóa.
- Nạo vét luồng Thọ Quang cho tàu 5.000 đến 10.000 tấn.
- Hoàn thành nâng cấp tuyến luồng Kỳ Hà cho tàu 20.000 tấn; tiếp tục nghiên cứu nâng cấp đoạn từ Kỳ Hà đến khu bến Tam Hiệp cho tàu 20.000 tấn.
- Xây dựng cảng cạn và trung tâm phân phối hàng hóa tại Đà Nẵng hỗ trợ cho cảng biển khu vực Đà Nẵng và Chân Mây.
5. Các chính sách, cơ chế và giải pháp thực hiện
a) Giải pháp quản lý thực hiện quy hoạch
- Đẩy mạnh xã hội hóa việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cảng biển bằng các hình thức PPP (BOT, BTO...). Tăng cường xúc tiến đầu tư, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển cảng biển bằng các hình thức theo quy định; khuyến khích các nhà đầu tư thuộc khu kinh tế, khu công nghiệp tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng cảng biển và cơ sở hạ tầng kết nối cảng.
- Nguồn vốn ngân sách chỉ đầu tư cho các hạng mục cơ sở hạ tầng công cộng (luồng tàu, đê chắn sóng,...) của cảng biển, bến cảng quan trọng. Việc đầu tư bến cảng theo quy hoạch được thực hiện theo hình thức xã hội hóa. Các bến cảng do Nhà đầu tư đề xuất sẽ do Nhà đầu tư chịu trách nhiệm về nguồn vốn, hiệu quả đầu tư hạ tầng bến cảng và hạ tầng kết nối cảng.
- Trường hợp Nhà đầu tư đề xuất được đầu tư cầu cảng, bến cảng với quy mô lớn hơn (về trọng tải tàu tiếp nhận) so với quy hoạch, Bộ Giao thông vận tải chấp thuận trên cơ sở xem xét cụ thể loại hàng, chủng loại tàu vào làm hàng tại cảng nhưng không làm thay đổi công năng cảng; đồng thời, Nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm về hiệu quả đầu tư của dự án.
- Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính trong quản lý đầu tư và hoạt động khai thác bến cảng theo hướng đơn giản hóa và hội nhập quốc tế. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong quá trình thực hiện quy hoạch.
- Lưu ý dành quỹ đất thích hợp phía sau cảng để xây dựng trung tâm phân phối hàng hóa với chức năng đầu mối logistics.
- Quy hoạch chi tiết xây dựng bến cảng cần quy hoạch cơ sở làm việc của cảng vụ hàng hải, các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại các khu cảng mới để đảm bảo việc quản lý nhà nước tại các cảng được thuận lợi, hiệu quả.
b) Giải pháp đối với các bến phao, khu chuyển tải
- Các bến phao, điểm chuyển tải hàng hóa theo quy hoạch: Được quy hoạch, tổ chức quản lý quy hoạch và được khuyến khích đầu tư, khai thác ổn định, lâu dài, phù hợp quy hoạch chung của cảng như đối với các cầu cảng, bến cảng.
- Các bến phao, điểm chuyển tải tạm thời: Không được quy hoạch, chỉ được cấp phép hoạt động trong thời gian nhất định, tối đa không quá 5 năm và chỉ khi các cầu, bến cảng, bến phao, điểm chuyển tải theo quy hoạch tại khu vực chưa đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa thực tế. Chủ đầu tư các bến phao phải dừng hoạt động và thu hồi các bến phao khi hết thời hạn hoạt động.
1. Cục Hàng hải Việt Nam
- Chủ trì, phối hợp với Sở, ban, ngành các tỉnh, thành phố và các cơ quan liên quan công bố và quản lý thực hiện quy hoạch được duyệt.
- Chủ trì, phối hợp với Sở, ban, ngành các tỉnh, thành phố và các cơ quan liên quan tham mưu cho Bộ Giao thông vận tải trong việc thỏa thuận đầu tư dự án xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cầu cảng, bến cảng.
- Chủ trì thẩm định, báo cáo Bộ Giao thông vận tải xem xét, quyết định việc cập nhật, bổ sung, điều chỉnh quy mô, chức năng, tiến độ thực hiện các cầu, bến cảng.
- Đối với các cảng, bến cảng tiềm năng: Căn cứ nhu cầu thực tế, theo đề xuất của Nhà đầu tư và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, Cục Hàng hải Việt Nam tổng hợp, báo cáo Bộ Giao thông vận tải xem xét, quyết định.
- Nghiên cứu, đề xuất cơ chế cụ thể để quản lý, khai thác bến phao, khu neo chuyển tải hoạt động dài hạn, tạm thời.
- Thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan, tổ chức kiểm tra tình hình thực hiện quy hoạch phát triển cảng biển, tổng hợp đề xuất xử lý các dự án không tuân thủ quy hoạch; định kỳ hàng năm báo cáo Bộ Giao thông vận tải tổng kết tình hình triển khai thực hiện quy hoạch.
2. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
- Chỉ đạo việc lập các quy hoạch của địa phương phù hợp quy hoạch chi tiết Nhóm cảng biển được duyệt; trên cơ sở đó, tổ chức quản lý chặt chẽ quỹ đất xây dựng cảng; bố trí quỹ đất theo quy hoạch để phát triển đồng bộ cảng và hạ tầng kết nối với cảng, khu dịch vụ hậu cảng, dịch vụ hàng hải đảm bảo điều kiện hoạt động thuận lợi cho các cảng biển.
- Trước khi cấp vùng đất, vùng nước khu vực quy hoạch đầu tư xây dựng cảng biển, bến cảng, cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho dự án đầu tư xây dựng cảng, đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có văn bản lấy ý kiến thống nhất của Bộ Giao thông vận tải về các nội dung liên quan đến quy hoạch cảng (công năng, quy mô, thời điểm, tiến độ đầu tư) theo quy định. Trên cơ sở đó, Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam, cảng vụ hàng hải khu vực phối hợp chặt chẽ với địa phương trong công tác giám sát, quản lý thực hiện quy hoạch.
- Chỉ đạo cơ quan chức năng của tỉnh phối hợp chặt chẽ với Cục Hàng hải Việt Nam trong quá trình lập, thẩm định, trình duyệt quy hoạch chi tiết các khu bến cảng; báo cáo Bộ Giao thông vận tải việc cập nhật, bổ sung hoặc điều chỉnh quy hoạch chi tiết cảng biển, bến cảng theo quy định.
|
BỘ TRƯỞNG
Trương Quang Nghĩa
|