Nền văn hóa nào cũng có câu tục ngữ đại ý rằng chỉ giàu có được tới ba đời là cùng.
Ở Việt Nam: "Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời".
Ở Nhật Bản: "Đồng lúa truyền nhau suốt ba đời".
Ở Scotland: "Đời cha mua vào, đời con xây dựng, đời cháu bán đi và cháu của cháu sẽ phải đi xin ăn".
Câu châm ngôn đúng vào nhiều thời kỳ, ứng với nhiều gia cảnh nhưng có lẽ thời thế đã thay đổi. Theo như dữ liệu của Bloomberg Billionaires Index cung cấp, thì có 20 gia tộc quá giàu để bị ảnh hưởng bởi một câu ngạn ngữ truyền miệng bao đời này.
Nguồn tài sản tới từ rác rác khắp các ngành nghề: bánh kẹo, trang phục, chuỗi siêu thị tới chuỗi khách sạn, sản xuất thuốc cho tới những thứ hiện đại hơn như lưu trữ dữ liệu. Khối tài sản kếch sù của họ chỉ có thể dùng từ "tỷ" để diễn tả.
Gia tộc Walton với tổng tài sản lớn nhất thế giới.
Nhưng những số liệu thu về có thể chưa đầy đủ. Tài sản của những gia tộc như Rothchild hay Rockefeller quá rải rác để có được con số chính xác. Nhiều gia tộc với số tài sản có được sau hàng thập kỷ, thậm chí là thế kỷ sẽ khó đo đạc lắm.
Danh sách cũng loại trừ những cá nhân giàu có nhưng lại thuộc thế hệ đầu tiên, chưa tới tầm "ông truyền cha con nối" hay những gia tộc mà tài sản mới chỉ nằm tại một người thừa kế duy nhất. Điều đó đồng nghĩa với việc có 3 gia tộc Châu Á lọt danh sách 20 nhưng không có ai tới từ Trung Quốc, cho thấy thời kì kinh tế bùng nổ của Trung Hoa mới diễn ra rất gần đây thôi, chưa thể vươn tới mức "gia tộc giàu có". Nhưng điều đó sẽ sớm thay đổi thôi.
Có những cá nhân sở hữu số tài sản khổng lồ nhưng lại không duy trì được nó qua nhiều thế hệ, có thể kể đến Pulitzer, Vanderbilt hay Woolworth (của Anh, không phải của Úc). Họ không thể trở thành "những gia tộc giàu nhất lịch sử", nhưng vẫn để lại được những bài học quý giá.
"Một gia đình sẽ gặp rất nhiều chướng ngại vật trong công cuộc bảo tồn số tài sản mình gây dựng được", Rebecca Gooch từ công ty môi giới thương mại toàn cầu Campden Wealth nhận định. "Chìa khóa thành công là kế hoạch chặt chẽ, một nền giáo dục vững chắc và phải giữ mối liên hệ giữa các thành viên gia đình".
Một số tỷ phú khác lại chọn lối đi riêng, không muốn xây dựng một gia tộc tỷ phú của riêng mình. Bill Gates và Mark Zuckerberg là hai trong nhiều tỷ phú kí vào Lời hứa Trao tặng tài sản, chiến dịch do Warren Buffett và Bill Gates lập nên nhằm khuyến khích những cá nhân giàu có quyên góp phần lớn tài sản vì mục đích từ thiện.
Cách thức xử lý tài sản của họ giống với châm ngôn sống của Andrew Carnegie, nhà đại tư bản công nghiệp dẫn dắt ngành thép của nước Mỹ hồi thế kỷ 19, được cho là một trong những cá nhân giàu có nhất lịch sử Hoa Kỳ:
"Trong một phần ba cuộc đời đầu, hãy học hỏi tất cả những gì có thể. Trong phần đời tiếp theo, hãy kiếm được nhiều tiền nhất có thể. Và hãy dành phần đời còn lại để quyên góp tài sản cho những lý do chính đáng".