Chey Ki-won, một giám đốc tại SK Happy Nanum Foundation và người em gái của chủ tịch Tập đoàn SK Chey Tae-won, là những người giàu nhất trong gia tộc kiểm soát tập đoàn SK.
Số cổ phiếu của các công ty thuộc Tập đoàn SK mà Chey nắm giữ trị giá 1 nghìn tỷ won. Ngoài tài sản chứng khoán, Chey còn được trả thêm 18,75 tỷ won cổ tức.
Bất động sản giá trị nhất mà Chey nắm giữ là tòa nhà trụ sở cũ của JYP Entertaiment ở Cheongdam, phía nam Seoul. Chey mua tòa nhà rộng khoảng 1.085 mét vuông này với giá 7,6 tỷ won vào năm 2014.
Một thành viên khác trong gia đình Chey, Chang-won, phó chủ tịch SK Gas và SK Chemical, cũng lọt vào danh sách 100 người giàu nhất Hàn Quốc với tài sản 370 tỷ won.
LG
LG có bảy thành viên gia đình lọt vào tốp 100 người giàu nhất nước.
Koo Bon-sik, anh trai chủ tịch LG Koo Bon-moo, người đứng đầu Tập đoàn Heesung là người giàu có nhất trong gia tộc kiểm soát LG với tài sản 1 nghìn tỷ won.
Một người anh em khác, Bon-neung, chủ tịch của Tập đoàn Heesung, nắm trong tay 904,8 tỷ won. Ông Bon-neung cũng đứng đầu Hiệp hội Bóng chày Hàn Quốc.
Ngoài ra còn năm thành viên khác trong gia đình kiểm soát LG có mặt trong danh sách trên, bao gồm Kim Young-sik, vợ chủ tịch Koo. Tổng cộng số tài sản của năm thành viên này lên tới 2,5 nghìn tỷ won.
Lotte
Tập đoàn Lotte có hai "ông trùm" lọt vào danh sách 100 người giàu nhất nước.
Một người là Shin Dong-joo, con trai cả của Shin Kyuk-ho, người sáng lập Tập đoàn Lotte, hiện đang là chủ tịch của SDJ Corp.
Dù vẫn chưa chiếm lại được quyền lãnh đạo Tập đoàn Lotter từ tay em trai nhưng khả năng tài chính của Dong-joo cực kỳ mạnh mẽ với khối tài sản lên tới 1,64 nghìn tỷ won. Khối tài sản này chủ yếu là cổ phiếu đang được giao dịch. Ngoài ra, Dong-joo còn sở hữu số cổ phiếu trị giá 27 tỷ won của các hãng chưa lên sàn giao dịch.
Ông Shin Kyuk-ho chỉ nắm trong tay khối tài sản 270,5 tỷ won.
Tuy nhiên, không thể tính được giá trị của số bất động sản khổng lồ nằm trong tay ông Shin. Trong năm 1988, số bất động sản trong tay ông Shin đã được định giá 18,6 nghìn tỷ won. Thời điểm đó ông Shin được Forbes bình chọn là người giàu thứ tư thế giới,
15 khối bất động sản của Shin tại Hàn Quốc có diện tích trên 1 triệu mét vuông được định giá 305 tỷ won. Ngoài đất đai tư nhân, các chi nhánh của Lotte còn sở hữu 5,7 triệu mét vuông đất trong trên cả nước, gần gấp đô kích thước của đảo Yeouido ở Seoul.
Giá số bất động sản này đã tăng lên 14 nghìn tỷ won kể từ khi Tập đoàn Lotte mua chúng.
Trong số 125 doanh nhân giàu có nhất Hàn Quốc có 89 người tích lũy tài sản thông qua các kết nối gia đình, chỉ có 36 người là doanh nhân tự làm lên từ hai bàn tay trắng.
Theo Korea Herald
Chaebol, tức Tài phiệt (財閥, 재벌) là tên gọi các tập đoàn lớn của Hàn Quốc. Thông thường tài phiệt là các tập đoàn đa quốc gia, với thành viên bao gồm rất nhiều doanh nghiệp quốc tế nằm dưới sự điều khiển của một ông chủ nắm quyền hành trên tất cả các cơ sở này. Thuật ngữ này lần đầu tiên xuất hiện vào năm 1984. Hiện nay ở Hàn Quốc có khoản vài chục nhóm tài phiệt như vậy, nằm dưới sự điều khiển của một vài gia tộc. Năm 2015, các gia tộc này được cho là kiểm soát khoảng 80% nền kinh tế Hàn Quốc
Nhờ quyền lực kinh tế, các tài phiệt cũng đóng một vai trò rất quan trọng trong chính trị Hàn Quốc. Ví dụ năm 1988, chủ tịch của công ty Hyundai là ông Jeong Mong-jun đã trúng cử Quốc hội Hàn Quốc. Một số lãnh đạo tài phiệt khác cũng trúng cử đại biểu quốc hội thông qua cơ chế đại biểu tỷ lệ. Công ty Hyundai cũng là một trong những thành tố nổi bật trong quá trình hòa giải mối quan hệ giữa hai miền Nam Bắc Triều Tiên từ năm 2000 trở đi.
Các tài phiệt Hàn Quốc là các tập đoàn rất lớn, nhưng nhiều công ty đã bị chia nhỏ ra thành nhiều doanh nghiệp có mối quan hệ lỏng lẻo và có chung tên thương hiệu. Trong cả hai trường hợp, các tài phiệt đều chịu sự kiểm soát gần như tuyệt đối của một đại gia tộc nào đó.
Các tài phiệt Hàn Quốc thường được so sánh với mô hình keiretsu (系列, hệ liệt) của Nhật Bản - mô hình kế tục trực tiếp của các tài phiệt Nhật (zaibatsu) thời trước năm 1945. Tuy nhiên, các tài phiệt Hàn Quốc có những điểm khác biệt như sau:
Tài phiệt Hàn Quốc chịu sự chi phối của gia tộc khai sinh ra doanh nghiệp đó, trong khi các công ty Nhật nằm dưới sự điều hành của một nhóm người. Cơ cấu quyền lực của tài phiệt Hàn Quốc mang tính tập trung cao độ, trong khi các tập đoàn Nhật có sự phân quyền nhiều hơn.
Tài phiệt Hàn Quốc tự thành lập các hãng riêng của mình để phục vụ cho việc xuất khẩu, trong khi các tập đoàn Nhật thường thuê mướn các công ty bên ngoài để lo việc này.
Tài phiệt Hàn Quốc không sở hữu toàn bộ các cơ sở tài chính và thường phụ thuộc nhiều hơn vào chính phủ. Tài phiệt Hàn Quốc không được phép có ngân hàng riêng, một phần nguyên do của điều này là để tăng cường sự kiểm soát nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng. Luật pháp và sự kiểm soát của chính phủ khiến các tài phiệt Hàn Quốc khó có thể phát triển các mối quan hệ và thương vụ riêng biệt về tài chính, ngân hàng. Trong khi đó các tập đoàn của Nhật Bản từ lâu đã hợp tác chặt chẽ với các ngân hàng có liên quan, điều này khiến họ rất dễ dàng trong việc tiếp cận nguồn vốn, mặc dù không phải các công ty Nhật nào cũng được như thế.
Mô hình tài phiệt Hàn Quốc chủ yếu dựa trên một hệ thống phân chia quyền sở hữu rất phức tạp và chồng chéo lên nhau. Người đứng đầu các tài phiệt chỉ nắm quyền kiểm soát ở ba hay bốn công ty chính, các công ty chính này lại điều hành các hãng con trực thuộc vào nó; việc điều hành nhận được sự trợ giúp từ các thành viên trong gia tộc, của nguồn quỹ do cả gia tộc sở hữu, và của các nhân viên quản lý lão thành trong tài phiệt. Một ví dụ đó là tập đoàn Doosan, tài phiệt này có hơn 20 công ty con nhưng người đứng đầu chủ yếu điều hành qua 5 công ty chính
Sự hình thành các chaebol bắt đầu từ sau thế chiến 2. Sau khi quân Nhật rút khỏi năm 1945, một số doanh nhân Hàn Quốc được sở hữu các tài sản của một số doanh nghiệp Nhật Bản, một vài trong số này đã phát triển thành các chaebol. Các chaebol được hình thành bao gồm nhiều công ty có mối quan hệ liên kết về tài chính, chiến lược kinh doanh và sự điều phối chung trong hoạt động, ví dụ như Samsung, Daewoo hay LG. Nét đặc trưng của các Chaebol là toàn bộ các công ty thành viên thường do một hoặc một số ít gia đình sáng lập và nắm giữ cổ phần chi phối.
Sau cuộc binh biến năm 1961, Tổng thống Park Chung Hee quyết định cải tạo tình trạng nghèo nàn của đất nước bằng một công cuộc công nghiệp hóa thần tốc thông qua việc khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp lớn có sẵn – các chaebol. Chính phủ đưa ra kế hoạch phát triển công nghiệp, chaebol thực hiện các kế hoạch này. Để các chaebol yên tâm thực thi nhiệm vụ, chính phủ chủ động cho các chaebol vay với lãi suất rất thấp thông qua các ngân hàng nhà nước. Các ngân hàng quốc doanh còn được lệnh phải bảo lãnh nợ nước ngoài cho các chaebol, để họ có thể vừa thoải mái tiếp cận nguồn tín dụng trong nước, vừa "vô tư" đi vay nợ nước ngoài. Tổng thống Park cũng giảm thuế đánh vào sản phẩm của các chaebol, đặc biệt là các công ty xây dựng, khi chính phủ bắt đầu xây dựng cơ sở hạ tầng như đường cao tốc và cầu ở Hàn Quốc.
Chính nhờ những chính sách ưu đãi này, các Chaebol nhanh chóng phát triển thành các tập đoàn tầm cỡ thế giới. Cuối thập niên 1980, chaebol đã chế ngự lĩnh vực công nghiệp và đặc biệt nổi tiếng về sản xuất, thương mại và các ngành công nghiệp nặng. Các chaebol được cho đã giúp nền kinh tế xứ kim chi thoát được cảnh thâm hụt mậu dịch, trở thành nước có thặng dư mậu dịch lớn kể từ năm 1986. Bước sang thập niên 90 của thế kỉ 20, Hàn Quốc "lột xác" từ một đất nước nghèo nàn bị chiến tranh tàn phá thành một trong những nước công nghiệp mới lớn nhất thế giới, người dân được hưởng chất lượng cuộc sống tương đương với các nước công nghiệp phát triển, tất cả đều được tin là công lao của các "người hùng" chaebol.
Chỉ tính riêng năm 2003, tổng kim ngạch xuất khẩu của 4 chaebol Daewoo, Hyundai, LG và SK đã lên đến 111,7 tỷ USD, tương đương 58% tổng giá trị xuất khẩu của Hàn Quốc, chiếm 1/3 tổng giá trị tư bản của thị trường. Riêng Samsung chiếm tới 20% xuất khẩu của nước này. Ba chaebol lớn nhất (năm 2008) là Samsung (Tam Tinh), Hyundai (Hiện đại) và Daewoo (Đại Vũ) được dân Hàn gọi là "tam trụ" – 3 trụ cột – chống giữ nền kinh tế nước nhà.
Trong thời kỳ trước khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, khoảng 80% GDP của Hàn Quốc có nguồn gốc từ các chaebol
Một thống kê năm 2015 cho thấy chỉ tính riêng 5 chaebol đứng đầu kiểm soát 58% GDP Hàn Quốc. Số lượng các chi nhánh thuộc sở hữu của 30 chaebol hàng đầu cũng đã tăng lên 1.246 vào năm 2012. Thông qua việc sở hữu chéo giữa các công ty chính và các công ty con của họ, các gia đình tài phiệt sáng lập tiếp tục là người chi phối chính của chaebol[
Hệ thống tài phiệt Hàn Quốc hình thành nhờ cuộc chiến tranh Triều Tiên, khi sự tàn phá của chiến tranh khiến sản xuất công nghiệp chững lại, và nhà nước Hàn Quốc buộc phải in tiền để chi trả chiến phí và đáp ứng các tiêu chuẩn về tiền tệ do Liên Hiệp Quốc đặt ra - điều này đã gây ra lạm phát quy mô lớn. Thời gian đó vật giá cứ tăng lên gấp đôi sau mỗi 6 tháng. Điều này buộc chính phủ phải giao quyền phân phối các sản phẩm thiết yếu, hàng tiêu dùng, vốn vay và nhập khẩu nguyên liệu thô cho các gia tộc kinh doanh lớn, dẫn tới sự thăng tiến nhanh chóng của các nhóm kinh doanh này. Những nhóm tài phiệt đó hưởng lợi từ việc họ khống chế khả năng thâm nhập thị trường của các công ty khác và ngăn chặn những "người ngoài" nhảy vào cạnh tranh với họ. Vì vậy các công ty không thuộc nhóm tài phiệt được ưu đãi đó đã cáo buộc hệ thống là suy đồi và tham nhũng.
Quyền lực khống chế kinh tế và chính trị
Người đứng đầu các tài phiệt nắm giữ một phần nhỏ cổ phần nhưng lại có rất nhiều quyền lực và có khả năng kiểm soát tất cả hệ thống quản lý. Ví dụ Samsung trên danh nghĩa chỉ sở hữu có 0,5 phần trăm tài sản của các hãng thuộc quyền nó. Điều này cho thấy mức độ pháp trị và thượng tôn pháp luật ở các tài phiệt là rất thấp. Chủ các tài phiệt duy trì quyền lực của mình thông qua việc sở hữu chéo (cross-holding).
Vào thời điểm cực thịnh những năm cuối thập niên 1990, các chaebol trong cùng một tập đoàn có mức độ sở hữu chéo lên tới 43%. Các khoản vay giữa các thực thể kinh tế khác nhau trong cùng một tập đoàn luôn được thực hiện một cách dễ dàng, tất cả là để bảo vệ quyền sở hữu và kiểm soát của gia đình làm chủ.
Người dân Hàn Quốc thập niên 1990 có một câu đùa như thế này: "Nếu nhân viên của các chaebol vô tình bắt gặp một con gấu trong rừng, họ sẽ làm gì?". Câu trả lời: "Nhân viên của Hyundai sẽ 'đập' chết con gấu mà không cần phải suy nghĩ gì cả. Nhân viên Daewoo sẽ gọi cho Chủ tịch Kim Woo-jung và đợi lệnh ngài. Nhân viên Samsung sẽ tổ chức một cuộc họp ngay trước mặt con gấu để đưa ra quyết định sẽ làm gì tiếp theo. Nhân viên LG sẽ chờ đợi phản ứng của Samsung và sau đó... bắt chước y hệt". Đó chỉ là một ví dụ nhỏ về ảnh hưởng của các chaebol đới với cuộc sống của người dân Hàn Quốc
Phát triển dưới sự bảo hộ của chính phủ cùng mối quan hệ chặt chẽ với giới chính trị gia, các tập đoàn chaebol Hàn Quốc không chỉ giàu mà còn có tầm ảnh hưởng chính trị. Các chính trị gia thường dựa vào sự hẫu thuận về chính trị và tài chính của các tập đoàn này trong quá trình vận động bỏ phiếu.
Vụ bê bối khiến Tổng thống Park Geun-hye bị kết tội tham nhũng vào năm 2017 còn động đến vấn đề nhạy cảm ở Hàn Quốc là vai trò của những tập đoàn Chaebol. Phó Chủ tịch Samsung Electronics, ông Lee Jae-yong bị cáo buộc chi hơn 37 triệu USD để đổi lấy sự hậu thuẫn của chính phủ về việc sáp nhập hai công ty con của Samsung, nhằm củng cố quyền lực của mình tại tập đoàn. Nhiều người Hàn Quốc cảm thấy lo lắng và bức xúc về tình trạng các Chaebol làm khuấy đảo chính trường nước này
Giám đốc điều hành các chaebol được cho là có thể đứng trên pháp luật dù những bê bối của họ thu hút sự chú ý của dư luận. Các ông trùm tài phiệt Hàn Quốc chỉ thỉnh thoảng mới bị điều tra và truy tố, thường thì họ có thể hoạt động mà không bị trừng phạt. Ví dụ như Chủ tịch Samsung Lee Kun-hee từng bị kết tội tham nhũng hai lần, nhưng đều được chính phủ ân xá do những lo ngại về ảnh hưởng đến nền kinh tế Hàn Quốc trong tương lai. Năm 2008, Lee Kun-hee bị kết tội gian lận trốn thuế, nhưng được Tổng thống lúc đó là Lee Myung-bak ân xá
Trách nhiệm giải trình các giao dịch thị trường nội bộ
Nhà nước Hàn Quốc chủ động khuyến khích sự phát triển và hỗ trợ kinh doanh cho các tài phiệt, vì vậy nhà nước có khá nhiều quyền hành đối với các tài phiệt này. Tuy nhiên, việc kiểm soát và yêu cầu giải trình các giao dịch kinh doanh thì chưa thực hiện được, nói cách khác nhà nước không có một hệ thống giám sát độc lập để có thể kiểm tra xem nguồn vốn phân bổ cho các dự án của chúng có đem lại hiệu quả cao hay không. Các hoạt động giao dịch của tài phiệt đều được thực hiện dưới hình thức giao dịch thị trường nội bộ (internal market transactions), tức là việc mua bán nhập lượng trung gian, việc phân bổ và thu nhận vốn thế chấp và vật thế chấp diễn ra giữa các hãng thành viên của cùng một công ty;[15] điều này gây ra quan ngại về hiệu năng của hoạt động kinh doanh của các tài phiệt, nhất là trong khâu quản lý và sản xuất. Như vậy, hệ thống và cấu trúc của các tài phiệt không có được minh bạch cho lắm. Đằng sau hậu trường đã diễn ra các hoạt động huy động vốn cho các chinh nhánh phụ và chuyển khoản, giao dịch trong nội bộ. Việc này khiến các tài phiệt có thể dễ dàng vay vốn để che giấu thua lỗ và gây ra ảo tưởng về sự thành đạt của hệ thống tài phiệt.
"Quá lớn để có thể bị sụp đổ"
Trong thời gian diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính 1997, các ngân hàng đã lo sợ rằng những tài phiệt có thể bị phá sản và vì thế họ cho phép các tài phiệt gia hạn nợ hoặc vay nợ mới để trả nợ cũ. Những ngân hàng ảo tưởng rằng các tài phiệt "quá lớn để có thể bị sụp đổ" (too big to fail), họ không tin rằng các tài phiệt có thể bị phá sản và cho rằng khi họ vay càng nhiều thì sự vững bền cũng sẽ cao. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh điều ngược lại đó là hàng loạt các cơ sở kinh doanh đã phá sản trong cuộc khủng hoảng kinh tế; nhiều công ty sụp đổ theo hiệu ứng dây chuyền do mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau về nợ thế chấp (Jung 301). Trong thời kỳ kinh tế còn đang hưng khởi, việc mở rộng quy mô công ty giúp cho các khoản nợ có thể được kiểm soát, nhưng khi sự phát triển chững lại, tỉ lệ nợ trên tài sản trở thành một vấn đề đau đầu.
Kế hoạch cải tổ các tài phiệt
Năm 1998, khi Hàn Quốc vừa mới hứng chịu cuộc khủng hoảng tài chính, Gim Daejung được bầu làm Tổng thống. Từ lúc đó chính phủ Hàn Quốc đã tiến hành các cải cách kinh tế và cải tổ các nhóm tài phiệt như sau:
Các tài phiệt được yêu cầu chỉ tập trung vào chuyên ngành của mình thay vì cạnh tranh với nhau ở khắp các lĩnh vực. Các chi nhánh làm việc ở những lĩnh vực không liên quan phải tách riêng ra khỏi công ty mẹ.
Các tài phiệt phải giảm bớt tình trạng tập trung quyền lực và tăng cường tuyển dụng các nhà quản lý chuyên nghiệp từ bên ngoài.
Tăng cường kiểm soát nguồn tài chính của các tài phiệt để ngăn ngừa việc họ giấu diếm các khoản nợ hay thua lỗ của các chi nhánh yếu kém.
Luật chống độc quyền và thuế tài sản được thi hành khắt khe hơn để làm suy giảm quyền lực của các đại gia tộc trong các tài phiệt.
Cuộc cải tổ của Gim và tổng thống kế tục Roh Moo-hyun không đạt được thành công hoàn toàn. Các tài phiệt vẫn tiếp tục lũng đoạn nền kinh tế của Hàn Quốc, một số công ty như Hyundai và SK thậm chí có dính dáng đến các vụ bê bối liên quan tới hai tổng thống này.
Chủ tịch tập đoàn Samsung Yi Geon-hui đã từ chức vào tháng 4 năm 2008 với cáo buộc trốn thuế và vi phạm quy định về trách nhiệm được ủy thác trong công ty.
Cải cách này vấp phải sự chống trả của một số tổ chức, nổi bật nhất là Liên đoàn Công nghiệp Hàn Quốc, một liên doanh của các tài phiệt nước này