Bắt đầu từ những năm cuối thế kỷ XX, Trung Quốc đẩy mạnh quá trình tư nhân hoá các doanh nghiệp Nhà nước có quy mô nhỏ; đồng thời tập trung các nguồn lực và cả các chính sách ưu đãi nhằm phát triển các tổng công ty thành những tập đoàn đủ mạnh để cạnh tranh bối cảnh toàn cầu hoá, đặc biệt là trong các lĩnh vực kinh tế chủ đạo như công nghiệp luyện kim, đóng tàu, điện tử, viễn thông, phần mềm, dược phẩm,...
Quá trình này bắt đầu bằng việc sáp nhập các doanh nghiệp nhà nước thành những tổng công ty lớn. Cho đến khi đạt đến một quy mô nhất định nào đó, Tổng công ty sẽ phân quyền kinh doanh cho các doanh nghiệp thành viên nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành.
Tiếp theo là giai đoạn đa dạng hoá sở hữu và hình thức nắm giữ cổ phần đan chéo giữa các doanh nghiệp thành viên thông qua việc cổ phần hoá và giảm dần tỷ lệ cổ phần của Nhà nước.
Và cuối cùng là thực hiện các biện pháp thu hút đầu tư vốn và chuyển giao công nghệ từ các đối tác nước ngoài nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh.
Mặc dù đã có những thành công nhất định trong việc chuyển đổi nền kinh tế nói chung và quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước nói riêng nhưng mô hình liên kết giữa các doanh nghiệp Trung Quốc vẫn chưa thực sự rõ nét, hay nói đúng hơn là cần phải có thêm thời gian để mô hình này hoàn thiện và thể hiện được những ưu thế vượt trội.
Mặc dù có những đặc trưng riêng biệt nhưng mục tiêu của quá trình phát triển các Tổng công ty của Trung Quốc cũng nhằm tạo lập một hệ thống kinh doanh tập hợp nhiều công ty được liên kết chặt chẽ với nhau thông qua việc phân bổ hợp lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực và thực hiện chung các chiến lược kinh doanh.
Về thực chất, các Jituan Gongsi của Trung Quốc có nhiều điểm khá tương đồng với Keiretsu của Nhật Bản, Chaebol của Hàn Quốc hay các Conglomerates của châu Âu, châu Mỹ.
Tuy nhiên, điều cần lưu ý là quá trình hình thành nên các Jituan Gongsi mang đậm dấu ấn của Nhà nước Trung Quốc, đặc biệt là sự can thiệp trong giai đoạn đầu tiên cũng như các chính sách hỗ trợ và ưu đãi sau này.