Trong bản công bố thông tin gửi Sở Giao dịch chứng khoán Singapore ngày 27/12/2017, Tập đoàn bia Thai Beverage (ThaiBev) của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdituyên bố đã hoàn tất việc chuyển cổ phần Sabeco cho Vietnam Beverage - công ty do ThaiBev gián tiếp nắm giữ 49%.
Trong thông báo, ThaiBev cho biết, Vietnam Beverage đã hoàn tất thanh toán số tiền 4,84 tỷ USD (tương đương khoảng 110.000 tỷ đồng) cho Bộ Công Thương để nhận chuyển nhượng 53,6% cổ phần của Sabeco.
Trong phần thuyết minh trong bản công bố thông tin về việc hoàn thành chuyển nhượng cổ phần của Sabeco, ThaiBev đã nêu rõ nguồn vốn tài trợ cho thương vụ thâu tóm này từ "nguồn vốn chủ sở hữu hiện có" và "các khoản vay từ BeerCo".
Theo đó, ThaiBev (công ty nắm giữ 49% vốn điều lệ của Vietnam Beverage) và BeerCo đã vay nhiều khoản từ các ngân hàng Thái Lan và nước ngoài.
Trong số 6 khoản vay mua cổ phần Sabeco, 5 khoản vay của Thai Beverage giá trị 20 tỷ Bath Thái (tương đương 610 triệu USD) huy động từ các ngân hàng Bangkok Bank Public Company Limited, ngân hàng Bank of Ayudhya Public Company Limited, ngân hàng Kasikornbank Public Company Limited, ngân hàng Krung Thai Bank Public Company Limited, ngân hàng Siam Commercial Bank Public Company Limited. Tổng giá tri khoản vay tại 5 ngân hàng này là 3,05 tỷ USD.
Ngoài ra còn có 1 khoản vay của công ty Beerco, là công ty 100% vốn thuộc ThaiBev, trị giá 1,95 tỷ USD, vay từ 2 ngân hàng Mizuho Bank và ngân Standard Chatered Bank chi nhánh Singapore. Các khoản vay có kỳ hạn thanh toán 24 tháng.
Sau giao dịch này, Vietnam Beverage chính thức trở thành cổ đông nắm giữ 53,6% cổ phần và trở thành công ty mẹ nắm quyền kiểm soát Sabeco.
"Đại gia ngõ hẻm" vẫn là nhà đầu tư nội
Sau thương vụ đấu giá thành công cổ phần Sabeco, dư luận dấy lên nghi vấn về việc Sabeco bị nhà đầu tư nước ngoài "lách luật", thâu tóm bằng hình thức "núp bóng" doanh nghiệp Việt Nam.
Theo qui chế chào bán cạnh tranh cổ phần Sabeco của Bộ Công Thương, nhà đầu tư nước ngoài sẽ không được sở hữu quá 49% cổ phần.
Quy chế này nói rõ: Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài và tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài, không thuộc các đối tượng bị cấm hoặc hạn chế quyền đầu tư mua cổ phần của các doanh nghiệp tại Việt Nam và có nhu cầu mua cổ phần theo quy định tại Điều 6 Quy chế này hoặc Nhà đầu tư là tổ chức kinh tế thành lập tại Việt Nam có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên thực hiện theo các quy định áp dụng đối với Nhà đầu tư nước ngoài tại Quy chế và các quy định của pháp luật chứng khoán.
Vietnam Beverage do Công ty Cổ phần đầu tư F&B Alliance Việt Nam sở hữu 100% vốn, cả hai đều thành lập tại Việt Nam. Ngày 29/11, ThaiBev mua 49% cổ phần F&B Alliance Việt Nam, thông qua công ty con BeerCo, qua đó sở hữu gián tiếp 49% Vietnam Beverage.
Như vậy, tỷ lệ nắm giữ 49% của ThaiBev là ngưỡng vừa khớp để Vietnam Beverage được coi là nhà đầu tư trong nước, đủ điều kiện để mua trọn lô cổ phần Sabeco.
Sau thương vụ này, hầu hết các ý kiến đều khẳng định tỷ phú Thái Lan - thông qua các công ty con - đã nắm gần 54% vốn điều lệ Sabeco nhưng về mặt pháp lý, thương vụ này vẫn là bán vốn cho doanh nghiệp Việt Nam.
Ai nắm giữ 51% Vietnam Beverage?
Dù vậy, 51% vốn còn lại tại Vietnam Beverage được nêu là nguồn vốn tư nhân cụ thể là ai thì chưa rõ.
Vietnam Beverage là doanh nghiệp chỉ mới thành lập cách đây hai tháng (6/10/2017), theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Pháp nhân sở hữu của Vietnam Beverage là Công ty Cổ phần Đầu tư F&B Alliance Việt Nam cũng chỉ được thành lập trước đó ít ngày (27/9/2017), tại cùng địa chỉ nhà số 10, ngõ 1, TT 16A Lý Nam Đế, phường Hàng Mã, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Ông Michael Chye Hin Fah, người đang giữ chức phó chủ tịch ThaiBev, hiện cũng đang là một trong hai người đại diện theo pháp luật của Vietnam Beverage cùng bà Trần Kim Nga.
Dù vậy, bà Trần Kim Nga Tổng Giám đốc Vietnam Beverage vẫn là một cái tên vẫn còn xa lạ với phần đông thị trường.
Ngoài trọng trách Tổng giám đốc tại F&B Alliance Việt Nam và Vietnam Beverage, bà Nga còn đang đại diện và điều hành hàng loạt pháp nhân khác và phần lớn là các doanh nghiệp có liên quan đến tỷ phú Charoen tại Việt Nam như: Công ty TNHH Thực phẩm Phú Thái Miền Bắc; Văn phòng đại diện Berli Jucker Public Company Limited tại TP. HCM, Công ty TNHH Thực phẩm Phú Thái Việt Nam, Công ty TNHH MTV Thực phẩm Phú Thái Miền Trung, Công ty TNHH Lon nước giải khát TBC-Ball Việt Nam,Công ty TNHH Liên kết Thắng Lợi.
Tiền thân của Công ty Cổ phần Đầu tư F&B Alliance Việt Nam là Công ty Cổ phần Đầu tư Nga Sơn (Nga Sơn). Với vốn điều lệ ban đầu là 200 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông của Nga Sơn cũng là những cái tên thuần Việt: Trần Kim Nga (199,8 tỷ đồng; chiếm 99,9%); Nguyễn Hải Sơn (0,05%); Trần Thị Thanh Hương (0,05%).
Chính bà Nga là người đã nhượng lại 49% cổ phần Nga Sơn cho BeerCo – đơn thị thành viên của ThaiBev. Ít ngày sau, Nga Sơn đổi tên thành Công ty Cổ phần Đầu tư F&B Alliance Việt Nam, tăng vốn từ 200 tỷ đồng lên gần 682 tỷ đồng và bà Nga cũng nhanh chóng rút hoàn toàn khỏi cơ cấu sở hữu, dù vẫn giữ vị trí Tổng giám đốc kiêm người đại diện của công ty.
Cổ đông ngoại duy nhất của F&B Alliance hiện nay là BeerCo (49%). Trong khi cổ đông nội nắm giữ phần lớn cổ phần đã thoái hết vốn. Chưa rõ phần vốn của bà Nga đã được chuyển cho ai và đâu là các cổ đông tư nhân Việt Nam đang sở hữu 51% vốn còn lại ở F&B Alliance?