Thương vụ lịch sử
Việt Nam là một thị trường được thiết lập tốt, có quy mô lớn với 94 triệu dân và hệ thống cơ sở hạ tầng vững chắc. Tất cả mọi người đang tham gia tìm kiếm cơ hội tại đây. Ông Thapana Sirivadhanabhakdi, Giám đốc điều hành Thaibev, đồng thời là con trai thứ hai của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi đã nhận định như thế, sau khi công ty này, thông qua Vietnam Beverage, mua thành công hơn 343 triệu cổ phần của Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) cuối năm 2017. Họ đã chi khoảng 110.000 tỷ đồng, tương đương 4,8 tỷ USD để sở hữu 53,59% cổ phần Sabeco.
|
“Bố già” Charoen Sirivadhanabhakdi đang ghi nhiều dấu ấn tại thị trường Việt Nam qua những thương vụ tỷ đô. |
Mua được Sabeco, có lẽ người vui mừng nhất là “bố già” Charoen Sirivadhanabhakdi. Để có tiền mua cổ phần Sabeco, ông phải đi vay của 7 ngân hàng, mỗi khoản vay trị giá 20 tỷ bath, tương đương 610 triệu USD, với kỳ hạn thanh toán 24 tháng. Ngoài ra, công ty con do tập đoàn này sở hữu 100% vốn là BeerCo, cũng đại diện vay thêm 1,95 tỷ USD thông qua các ngân hàng nước ngoài, sau đó cho Vietnam Beverage vay lại để trả tiền mua cổ phần và chi phí có liên quan.
Mức giá 320.000 đồng/cổ phiếu được giới đầu tư cho là đắt, nhưng cuộc chơi này rất thú vị và chỉ dành cho ông lớn như ThaiBev. Sabeco là doanh nghiệp có lịch sử hơn 140 năm, với 2 thương hiệu nổi tiếng là Bia Sài Gòn và Bia 333. Sabeco, có thị phần lớn nhất trong ngành bia của Việt Nam (40,9%) và là một trong những công ty bia hàng đầu Việt Nam và ASEAN.
Ngoài ra, tình hình tài chính và kinh doanh của Sabeco rất ấn tượng với tiềm năng tăng trưởng tốt. ThaiBev cho rằng, thị trường bia Việt Nam lớn nhất ASEAN và đứng thứ 3 ở châu Á, sau Trung Quốc và Nhật Bản. Hiện, lượng bia tiêu thụ trên đầu người Việt Nam mới hơn 40 lít/năm. Trong đó, dòng bia phổ thông tăng trưởng chậm (dưới 6%/năm), nhưng dòng bia cao cấp tăng trưởng 10%/năm (theo số liệu Stoxplus).
Điểm cốt tử của Sabeco là chỉ kiểm soát một phần công suất bia, còn lại thuộc các công ty liên kết mà Sabeco chỉ sở hữu dưới 25% (do quy định phê duyệt đầu tư trước kia). Tuy nhiên, điểm cộng lớn nhất của Sabeco là kiểm soát 90% cổ phần tại công ty phân phối (trading). Đây là điều khiến ông Charoen “ưng bụng” nhất, vì ThaiBev đang sở hữu Bia Chang và rất muốn đưa thương hiệu này len lỏi vào từng ngõ ngách của thị trường Việt Nam. Do đó, giá trị lớn nhất của Sabeco nằm ở hệ thống phân phối và kênh cửa hàng tạp hóa, cửa hàng tiện lợi, quán nhậu vỉa hè, điều mà các tập đoàn nước ngoài có bỏ ra hàng tỷ USD cũng khó xây dựng được.
Sabeco giúp ThaiBev tiếp cận ngay các mạng lưới phân phối rộng khắp tại địa phương và đa dạng hóa về mặt địa lý, cũng như mở ra cho ThaiBev một trong những thị trường tăng trưởng mạnh nhất tại Đông Nam Á với dân số trẻ.
Thủ lĩnh của “bố già”
Với tổng tài sản 20,1 tỷ USD (theo thống kê của Forbes tính đến ngày 25/1/2018), ông Charoen Sirivadhanabhakdi có thể “vung” đồng bath khắp nơi, nhưng lại không thích xuất hiện trước giới truyền thông. Charoen từng được coi là thủ lĩnh của các “bố già” tại Thái Lan với doanh thu chủ yếu đến từ bia và rượu whiskey Thái. Ông sinh ra trong một gia đình bán bánh xèo rong tại khu Chinatown ở Bangkok. Là con thứ 6 trong một gia đình với tổng cộng 11 anh chị em, ông phải bỏ học từ năm 9 tuổi để tìm kế sinh nhai.
Với nguồn gốc xuất thân khiêm tốn như vậy, từ những năm tháng bán hàng rong, ông luôn đấu tranh và tìm cách thoát khỏi đói nghèo bằng cách kinh doanh cái gì đó. Từ kinh nghiệm làm đầu mối cung cấp cho một nhà máy rượu, cuối những năm 1970 đầu 1980, khi Chính phủ Thái Lan cho phép tự do hóa ngành rượu, Charoen được cấp phép sản xuất rượu rum Sangsom. Sau đó, ông đã sáp nhập doanh nghiệp của mình với hãng sản xuất rượu Mekhong của nhà nước. Hiện nay, cả hai thương hiệu này đều phổ biến và sống khỏe ở Thái.
“Đế chế” của Charoen đã hình thành thế kiềng 3 chân: ThaiBev hoạt động trong lĩnh vực đồ uống, Berli Jucker (BJC) hoạt động đa ngành và TCC Land về bất động sản. Trong đó, ThaiBev với thương hiệu Bia Chang được coi là nhà sản xuất bia lớn nhất tại Thái Lan do chính ông sáng lập.
Thâu tóm Sabeco là “con đường cao tốc” giúp ThaiBev đạt vị thế là công ty nước giải khát lớn nhất Đông Nam Á và 50% doanh thu của công ty đến từ thị trường ngoài Thái Lan.
Còn BJC là tập đoàn đầu tư phân phối, tiếp thị và sản xuất có giá trị vốn hóa khoảng 90 tỷ baht (tương đương 2,8 tỷ USD), với 5 mảng kinh doanh chính, trong đó chủ yếu là kinh doanh đóng chai và phân phối, bán lẻ. TCC Land đã giúp ông sở hữu nhiều bất động sản có giá trị khổng lồ như Pantip Plaza ở Bangkok (Thái Lan), Khách sạn Plaza Athenee tại Manhattan (Mỹ), cùng hàng loạt chuỗi nhà hàng - khách sạn nổi tiếng khác ở Mỹ, Australia và châu Á.
Tại châu Á, ông được biết đến như nhà tài phiệt sở hữu nhiều tòa nhà bán lẻ, thương mại và dân cư, đặc biệt ở Thái Lan và Singapore.
Con trai ông, Panote Sirivadhanabhakdi, đang nắm vai trò quan trọng trong Ủy ban Điều hành HĐQT Fraser & Neave Ltd (F&N). Thapana Sirivadhanabhakdi, con trai khác của ông, đang giữ chức Giám đốc điều hành ThaiBev. Cô con gái Wallapa nắm trong tay Tập đoàn TCC Land. Các tập đoàn này đều do ông giữ vai trò Chủ tịch, dù đã 74 tuổi.
Dấu ấn tại Việt Nam
Giống như nhiều “bố già” khác tại Thái Lan, trong suốt cuộc khủng hoảng kinh tế tại xứ chùa vàng này (bùng nổ năm 1997), ông Charoen đã mua được nhiều doanh nghiệp mới với giá rẻ.
Việc đầu tư vào thị trường Việt Nam của ông Charoen diễn ra trước khi khủng hoảng bùng nổ. Từ năm 1993, thông qua công ty con là TTC Land, ông đã đầu tư vào Việt Nam và hiện sở hữu 65% cổ phần khách sạn Melia Hà Nội, với doanh thu vài chục triệu USD mỗi năm. Ngoài khách sạn Melia, ông Charoen còn thông qua Công ty F&N, sở hữu nhiều bất động sản khác như cao ốc văn phòng Melinh Point Tower tại TP.HCM (F&N nắm 75% lợi ích, 25% còn lại thuộc về Sabeco).
|
Với 2 thương hiệu nổi tiếng là Bia Sài Gòn và Bia 333, Sabeco có thể giúp ThaiBev tiếp cận ngay mạng lưới phân phối rộng khắp tại Việt Nam |
Năm 2016, Công ty Frasers Centrepoint Limited (FCL) của ông Charoen mua lại 70% cổ phần của Công ty cổ phần Phát triển nhà G Homes, thành viên Công ty cổ phần Đầu tư thương mại bất động sản Anh Dương Thảo Điền (HAR). G Homes được UBND TP.HCM chấp thuận đầu tư Khu nhà ở kết hợp thương mại, dịch vụ và văn phòng Thảo Điền có tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Quy mô khu đất khoảng 9.642 m2.
Tập đoàn của ông còn lan sang lĩnh vực bán lẻ tại thị trường Việt Nam, nơi có mặt bằng bất động sản lớn. Đầu năm 2016, thông qua Tập đoàn TCC Holdings, ông đã hoàn tất thương vụ thâu tóm hệ thống Metro Cash & Carry Việt Nam với hơn 879 triệu USD và đổi tên thành MM Mega Market.
Trước đó, đáng lẽ công ty con của TCC Holdings là BJC sẽ đứng ra thâu tóm Metro Cash & Carry, nhưng các cổ đông không đồng ý, buộc TCC Holdings trực tiếp phải đứng ra. Năm 2013, BJC đã mua lại cổ phần của đối tác Nhật tại chuỗi cửa hàng tiện lợi Family Mart trong liên doanh Nhật Bản - Phú Thái Group và đổi tên thành B'smart với tổng cộng 94 cửa hàng trên khắp cả nước. BJC còn đánh dấu sự hiện diện khi lập ra 2 công ty con là Thai Corp ở phía Nam và Thái An ở miền Bắc chuyên về lĩnh vực phân phối.
BJC hoạt động tại Việt Nam khá lâu trong lĩnh vực sản xuất chai thủy tinh, lon đựng đồ uống. Ngoài ra, BJC còn có một nhà máy sản xuất giấy vệ sinh Cellox và dây chuyền sản xuất đậu phụ Ichiban.
Đặc biệt, Công ty F&N Dairy là cái tên không lạ, khi đang là nhà đầu tư ngoại miệt mài mua lại cổ phần tại Vinamilk. Hiện F&N sở hữu hơn 19% tại doanh nghiệp chiếm thị phần sữa lớn nhất Việt Nam và vẫn tích cực mua thêm.
Những thông tin và con số trên có thể không truyền tải được rõ ràng bản chất thương vụ làm ăn của “bố già” này. Bởi, các ông lớn của Thái nói chung được biết đến như chưa bao giờ e dè trước các thị trường và thách thức mới. Trong đó, M&A là con đường nhanh nhất để giải quyết các thách thức.
Giống như nhiều “bố già” khác tại Thái Lan, Charoen cũng có gốc Hoa. Tuy nhiên, ông không quan hệ chặt chẽ với các nhà đầu tư tại Trung Quốc như “bố già” Dhanin Chearavanont, Chủ tịch C.P Group. Ngược lại, tỷ phú này rất thân thiết với các tổ chức tại Thái. Họ “Sirivadhanabakdi” của Charoen được Vua Thái Lan - Bhumibol Adulyadej ban tặng năm 1988.